Kịch bản xấu của giá xăng dầu: Có thể tiến sát mức đỉnh năm 2022

Trong quý đầu năm 2024, thị trường năng lượng thế giới liên tục biến động, ảnh hưởng không nhỏ đến cả giá năng lượng lẫn tình hình kinh tế vĩ mô trong nước. Liên quan đến vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV).

0

– Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thế giới liên tục tăng, thậm chí có lúc chạm mốc cao nhất trong gần 6 tháng qua. Theo ông, đâu là những lý do chính dẫn đến những biến động lên giá dầu thế giới?

Từ đầu năm đến nay, xu hướng tăng của giá dầu thế giới rất rõ nét. Mặc dù chịu một số các áp lực trong vài phiên gần đây, nhưng giá dầu thế giới đã tăng hơn 16% từ đầu năm tới nay. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bối cảnh nguồn cung thắt chặt, gây ra bởi hai yếu tố chính.

Thứ nhất, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã gia hạn cắt giảm sản lượng dầu mỏ tự nguyện khoảng 2,3 triệu thùng/ngày trong quý II/2024, đưa thị trường vào trạng thái thâm hụt khoảng gần 1 triệu thùng dầu/ngày trong quý II.

Thứ hai, căng thẳng địa chính trị gia tăng ở nhiều nơi, gây ra rủi ro gián đoạn nguồn cung toàn cầu cũng đã thúc đẩy giá dầu trong thời gian qua.

Biểu đồ biến động giá dầu WTI và Brent từ đầu năm 2024 đến nay.

Đầu tiên phải kể đến là “chảo lửa” Trung Đông, cũng là trung tâm sản xuất dầu thô với xung đột Hamas và Israel chưa có hồi kết, thậm chí còn có nguy cơ lan rộng ra khu vực sau cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel. Vào cuối tuần qua, Israel cũng có các biện pháp đáp trả nhất định, kéo theo rủi ro xung đột leo thang. Thêm vào đó, gián đoạn thương mại hàng hải ở Biển Đỏ vẫn kéo dài, ảnh hưởng tới chi phí bảo hiểm và vận chuyển nhiên liệu quốc tế.

Tiếp đến là xung đột Nga – Ukraine cũng gây ra một số gián đoạn nguồn cung cục bộ, khi các nhà máy lọc dầu của Nga liên tục gặp thiệt hại trước các đợt tấn công bằng máy bay không người lái từ Ukraine, làm ảnh hưởng tới khoảng 15% công suất lọc dầu của Nga trong thời gian qua.

Những rủi ro gián đoạn nguồn cung này đã đồng thời kéo giá dầu thế giới tăng cao trong những tháng đầu năm.

– Theo ông, việc Israel và Iran đáp trả qua lại có thể đẩy giá dầu lên ngưỡng cao mới và ảnh hưởng tiêu cực đến dòng chảy năng lượng trong thời gian tới hay không? Những kịch bản nào có thể xảy ra với giá dầu, giá xăng trong năm nay?

Hiện tại, xung đột giữa Israel và Iran vẫn có tác động hạn chế đối với giá dầu thế giới do thị trường đã lường trước được điều này, và tính chất xung đột tạm thời chưa gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Điều này khiến cho giá dầu trong tuần kết thúc ngày 21/4 giảm nhẹ hơn 3% so với tuần trước đó.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Israel và Iran đáp trả qua lại lẫn nhau, rủi ro xung đột leo thang đang ngày càng gia tăng. Tính chất bất định, khó đoán của cuộc xung đột kéo theo nguy cơ nguồn cung dầu có thể gặp gián đoạn bất cứ lúc nào. Do đó, việc giá dầu có đạt các ngưỡng cao mới hay không hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ đáp trả của các bên và tính chất nghiêm trọng của nguồn cung bị ảnh hưởng. Về cơ bản, tôi cho rằng sẽ có hai kịch bản chính có thể xảy ra.

Thứ nhất, nếu cả hai bên không kêu gọi làm gia tăng căng thẳng, nguồn cung dầu của Iran không bị ảnh hưởng thì đà tăng của giá xăng dầu cũng sẽ được kiềm chế đáng kể. Tuy nhiên, kể cả trong kịch bản ít rủi ro này, giá dầu Brent vẫn có thể duy trì trên ngưỡng 80 USD/thùng trong giai đoạn tiêu thụ cao điểm quý II, quý III do tác động từ việc cắt giảm sản lượng của OPEC+.

Thứ hai, kịch bản có thể tiêu cực, mặc dù khó xảy ra hơn, nhưng chúng ta vẫn nên cảnh giác. Đó là khi xung đột gia tăng đe doạ tới hoạt động sản xuất và vận chuyển dầu thô của eo biển Hormuz do Iran kiểm soát, thì sẽ đẩy giá dầu có nguy cơ chạm ngưỡng 100 USD/thùng. Iran vốn là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba trong OPEC, nắm giữ khoảng 3% nguồn cung toàn cầu. Đặc biệt, việc kiểm soát eo biển quan trọng Hormuz với khoảng 20% lượng nhiên liệu mỗi ngày được vận chuyển qua đây, đã khiến Iran có sức ảnh hưởng lớn tới thị trường dầu.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV).

– Những tác động từ thị trường năng lượng thế giới đã ảnh hưởng lên thị trường xăng, dầu ở Việt Nam nói riêng và tình hình kinh tế nước ta nói chung như thế nào? Ngoài ra, giá xăng, dầu trong nước sẽ biến động như thế nào đối với từng kịch bản mà ông đã đề cập ở trên?

Trước các biến động quốc tế, giá xăng dầu trong nước cũng đã có chiều hướng tăng tương tự xu hướng thế giới. Sau kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 17/4, giá xăng RON 95-III được bán với mức giá 25.237 đồng/lít, xăng E5 RON 92 đạt mức 24.226 đồng/lít, cao hơn hồi đầu năm khoảng từ 3.200 – 3.400 đồng/lít, tương đương khoảng 13%.

Việc giá năng lượng thế giới tăng cao ảnh hưởng không nhỏ tới triển vọng kinh tế thế giới. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam với độ mở lớn cũng không thể tránh khỏi tác động.

Giá xăng dầu luôn gắn liền với tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Oxford Economics ước tính rằng giá dầu tăng 10 USD/thùng sẽ làm lạm phát toàn cầu tăng 0,29 điểm phần trăm vào năm 2024. Tại Mỹ, áp lực lạm phát gia tăng trở lại trong 3 tháng đầu năm do giá năng lượng tăng đã khiến FED phải lùi thời điểm cắt giảm lãi suất, đẩy giá trị đồng USD lên cao.

Điều này đã kéo tỷ giá USD/VND của nước ta liên tục tăng cao trong thời gian qua, do sự chênh lệch lãi suất với các nước lớn. Rủi ro lạm phát, áp lực tỷ giá cũng ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động thương mại nhập khẩu, gây áp lực lên doanh nghiệp vay nợ, thanh toán bằng đồng USD tại Việt Nam, hay việc tác động đến dòng vốn ngoại trên thị trường.

Như vậy, có thể thấy tác động từ giá năng lượng thế giới sẽ không chỉ trực tiếp kéo theo giá xăng dầu trong nước gia tăng, mà còn có thể gián tiếp tác động tới các điều kiện kinh tế vĩ mô.

Trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, giá xăng dầu trong nước cũng sẽ tuỳ thuộc vào mỗi kịch bản mà tôi đã đề cập ở trên. Trong kịch bản ít rủi ro đầu tiên, giá xăng trong nước có thể sẽ ổn định ở khoảng 22.000 đến dưới 26.000 đồng/lít.

Nhưng ở kịch bản đáng quan ngại còn lại, giá xăng trong nước sẽ tăng mạnh, thậm chí tiến sát mức đỉnh năm 2022 khi mà xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra nếu căng thẳng trở nên nghiêm trọng làm gián đoạn hoạt động vận chuyển nhiên liệu trên biển.

Khi đó, giá xăng dầu trong nước sẽ rất cần các cơ quan quản lý có các biện pháp bình ổn và hạn chế biến động giá cả. Các bài toán về lạm phát, tăng trưởng kinh tế trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong kịch bản này. Do đó, việc bám sát các động thái quốc tế và giá năng lượng trong giai đoạn này là điều rất cần thiết.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tác giả: Khánh Tú

Nguồn: Vietnamfinance.vn