“Khuyết tật” của thị trường vàng, ai chịu trách nhiệm?

Theo nhận định của chuyên gia, thị trường vàng cũng như lĩnh vực khác của nền kinh tế, nếu độc quyền, không cạnh tranh sẽ sinh ra “khuyết tật”.

0

Cần bắt đúng “bệnh” thị trường vàng

Diễn biến thị trường vàng thời gian qua được các chuyên gia đánh giá là “một mình một chợ” vì thế việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, trong thời gian qua, giá vàng trong nước tăng nhanh hơn hoặc ngược chiều tăng giảm so với giá vàng thế giới. Ghi nhận thực tế cho thấy,  giá vàng trong nước liên tiếp lập đỉnh, cao nhất từ trước đến nay, giá vàng bán ra đã cán mốc hơn 80 triệu đồng/lượng.

Tài chính - Ngân hàng - “Khuyết tật” của thị trường vàng, ai chịu trách nhiệm?

Diễn biến thị trường vàng thời gian qua được các chuyên gia đánh giá là “một mình một chợ”.

Để giải quyết tình trạng vàng “nhảy múa”, góp ý sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, không ít ý kiến chuyên gia cho rằng, trong công tác quản lý thị trường vàng, cần bắt đúng “bệnh” để có các giải pháp tốt cho thị trường, tránh các rủi ro tiềm ẩn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay không còn tình trạng bất ổn thị trường vàng như giai đoạn trước, tình trạng “vàng hóa” được hạn chế. Biến động của giá vàng ít tác động đến tỷ giá chính thức, thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô trong nước. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC so với các loại vàng miếng khác, vàng trang sức mỹ nghệ 99,99% và giá vàng quốc tế vẫn ở mức cao.

Động thái mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước- Đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện được nhiều chuyên gia đánh giá là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, trong số những giải pháp đồng bộ quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, giải pháp “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng” là quan trọng nhất để thay đổi cục diện thị trường vàng miếng sau 12 năm triển khai thực hiện…

Tài chính - Ngân hàng - “Khuyết tật” của thị trường vàng, ai chịu trách nhiệm? (Hình 2).
Theo nhận định của chuyên gia, thị trường vàng cũng như lĩnh vực khác của nền kinh tế, nếu độc quyền, không cạnh tranh sẽ sinh ra “khuyết tật”.

Liên quan đến các vấn đề đã nêu, mới đây, Thượng tướng Lương Tam Quang – Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, bộ đã có báo cáo về lĩnh vực này. Ngay từ đầu năm, Bộ Công an đã chỉ đạo công an địa phương triển khai các biện pháp đấu tranh quyết liệt để ngăn chặn tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới.

Theo Thứ trưởng Lương Tam Quang, Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã triển khai hơn 10 năm. Hiện nay thị trường vàng có nhiều biến động, diễn biến không ổn định, chứng tỏ Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã bộc lộ những bất cập cần kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Đại diện Bộ Công an cho rằng, khi sửa đổi Nghị định này, cần phải đánh giá tổng thể vai trò dự trữ vàng hiện nay; đánh giá lại công tác quản lý khuôn sản xuất vàng miếng SJC; nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế can thiệp thị trường; bổ sung quy định về biên độ chênh lệch…

“Bộ Công an sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ liên quan đến lĩnh vực này, nhất là Công điện số 23/CĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành”, Thượng tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Nếu độc quyền, không cạnh tranh sẽ sinh ra “khuyết tật”

Trước đó, tại Công điện số 23/CĐ-TTg về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn, ổn định thị trường vàng. Bên cạnh đó, đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua…

Tài chính - Ngân hàng - “Khuyết tật” của thị trường vàng, ai chịu trách nhiệm? (Hình 3).

Ảnh minh họa.

Đưa ra góc nhìn của mình, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, xuất của Ngân hàng Nhà nước về bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng là điều hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện tại.

TS.Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng cần có thêm biện pháp dài hơi khác để thị trường vàng có thể phát triển ổn định. Việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng chỉ là điều kiên cần. Song song với việc bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng thì Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu để tăng cung, thu hẹp chênh lệch giữa giá mua vào – bán ra.

“Nếu cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất vàng miếng mà Ngân hàng Nhà nước vẫn độc quyền nhập khẩu nguyên liệu thì van vẫn bị đóng và không đủ để kéo giá vàng trong nước về sát với giá thế giới, ông Hiếu nhận định.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể xem xét thêm các giải pháp khác như lập sàn giao dịch vàng, từ đó người dân có thể mua bán tín chỉ vàng và hạn chế tích trữ vàng vật chất. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ có thể liên thông với giá vàng thế giới, chấm dứt tình trạng “một mình một chợ” như hiện nay.

Cùng quan điểm, chia sẻ trên Tiền Phong, TS.Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường vàng cũng như lĩnh vực khác của nền kinh tế, nếu độc quyền, không cạnh tranh sẽ sinh ra “khuyết tật”. Theo đó, “khuyết tật” của thị trường vàng như chênh lệch giá mua vào – bán ra ở mức cao, chênh lệch với giá vàng thế giới.

“Việc Ngân hàng Nhà nước thay đổi tư duy, đề xuất bỏ độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng dù chậm nhưng còn hơn không. Chỉ có cạnh tranh mới giúp thị trường vàng năng động. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng “giám sát” lẫn nhau, góp phần lành mạnh hóa thị trường”, ông Doanh đề xuất.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, việc chậm trễ bỏ độc quyền sản xuất, nhập khẩu vàng đã xảy ra nhiều hệ lụy. Tiêu biểu như giá vàng trong nước neo cao khiến xảy ra buôn lậu vàng, ảnh hưởng tỷ giá, nguy cơ chảy máu ngoại tệ. Bất bình đẳng trong kinh doanh của các doanh nghiệp vàng, tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế.

“Trước sự quyết liệt của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước có đề xuất bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng. Nếu Ngân hàng Nhà nước sớm bỏ độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng sẽ giảm bớt hệ lụy tiêu cực, có tác dụng tốt hơn cho thị trường vàng”, ông Long nêu quan điểm.

Xoay quanh câu chuyện của thị trường vàng, mới đây, tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ – Lê Minh Khái cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh vàng; tìm ra nguyên nhân, qua đó nhanh chóng có giải pháp khắc phục hiệu quả cả về ngắn hạn và dài hạn; bảo đảm quản lý vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, liên thông với các thị trường liên quan; tránh tình trạng lợi dụng tình hình để buôn lậu, đầu cơ, thao túng thị trường, kinh doanh vàng trái quy định của pháp luật để trục lợi.

“Bắt đúng “bệnh” để có các giải pháp phản ứng kịp thời, hiệu quả để xử lý tình hình trong hiện tại và tương lai. Trong đó, phải đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng lại các quy định của pháp luật hiện nay, nhất là các nội dung liên quan tới Nghị định số 24/2012/NĐ-CP…”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ.

Tác giả: M.Vy

Nguồn: nguoiduatin.vn