‘Không có ngành nào được Thủ tướng quan tâm như bất động sản’

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank - cho biết: "Không có ngành nào được Thủ tướng quan tâm như bất động sản". Theo ông Vinh, 70-80% khó khăn của thị trường này không nằm ở lãi suất ngân hàng mà là các quy định, chính sách của Nhà nước là pháp lý, quá trình thực thi.

0

Ngoài pháp lý, lãi suất vẫn là chủ đề chính được doanh nghiệp bất động sản nêu ra trong hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội diễn ra tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước sáng 13/11.

Doanh nghiệp rút ruột gan kể khổ với ngân hàng

Ông Phạm Thiếu Hoa – Chủ tịch HĐQT Vinhomes – cho biết, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về lãi suất. Theo đó, doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay lãi suất thấp, lãi vẫn cao, một số ngân hàng bị hạn chế room tín dụng, biên độ lãi suất cao. “Lãi suất chưa đạt kỳ vọng”, ông Hoa nói.

Ông Phạm Thiếu Hoa – Chủ tịch HĐQT Vinhomes.

Ông Hoa cũng đề cập đến cập đến câu chuyện dự án bất động sản vướng mắc trong quy trình, nhiều ngân hàng chỉ giải ngân cho khoản vay có tài sản đảm bảo. “Cổ phiếu niêm yết, máy móc phát sinh cũng không được gọi là tài sản đảm bảo”, ông Hoa nói.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch GP.Invest – cho biết, bản thân doanh nghiệp ông vay một ngân hàng trong nhóm Big 4 và lãi suất cho vay vẫn còn cao. Ngoài ra, vị này nói đến việc quy trình cấp tín dụng của các ngân hàng rất lâu, từ 2-3 tháng.

Ông Dennis Ng Teck Yow – Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland – đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đồng lòng hỗ trợ trong việc cơ cấu khoản vay và giảm lãi suất cho những dự án sẽ triển khai trong 2 năm tới (năm 2024 và 2025) để giãn thanh toán cho doanh nghiệp.

Bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng – Ngân hàng Nhà nước – thông tin, đến ngày 31/10, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022.

Ngoài ra, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đến hết tháng 9 đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm ngoái, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế.

Lãi vay ngân hàng đã thấp nhất từ trước đến nay?

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng Giám đốc Vietcombank – cho biết, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa cân đối, giá vẫn cao so với thu nhập. Vốn bất động sản đến từ kênh trái phiếu, tiền khách hàng, vốn tín dụng… Theo ông Tùng, thị trường trái phiếu có dấu hiệu phục hồi nhưng áp lực, nỗi lo của nhà đầu tư vẫn lớn.

Toàn cảnh Hội nghị sáng 13/11.

Với nguồn tiền của khách hàng, ngân hàng này nhận thấy nhiều khách hàng có tâm lý chờ đợi giá xuống, chưa xuống tiền mua nhà. “Ngân hàng giảm lãi suất nhưng tiền gửi vẫn tăng rất mạnh”, ông nói.

Đại diện ngân hàng nói đã nhiều lần giảm lãi suất, lên tới 2,5% với tổ chức, cá nhân nhưng mặt bằng giá bất động sản cao, có xu hướng tăng. “Lãi suất vay chỉ là một phần”, ông Tùng nói. Các giao dịch bất động sản chủ yếu là mua đi, bán lại của các môi giới, có thể gây bong bóng bất động sản. Ông Tùng thông tin, hiện bất động sản chiếm 24,6% tổng dư nợ tín dụng của Vietcombank.

Đại diện MB, Tổng Giám đốc Phạm Như Ánh khẳng định: “Lãi vay đã thấp nhất từ trước đến nay”. Về ý kiến các thủ tục, thẩm định cho vay, ông Ánh nói đây là giai đoạn bắt buộc phải thẩm định kỹ bởi doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn. Ông nói doanh nghiệp cần phối hợp với ngân hàng để cung cấp đầy đủ hồ sơ, không được giấu giếm.

Phó Tổng Giám đốc Techcombank Phùng Quang Hưng cho hay đã làm việc với doanh nghiệp bất động sản nhiều năm, hợp tác sâu, tham gia cùng khâu thẩm định dự án.

Về lãi suất, ông Hưng nói đã giảm nhiều. Lãi vay mua nhà đã giảm khoảng 3% từ đầu năm, có thể chỉ khoảng 7-8% (tùy sản phẩm). Đơn vị này cũng đã phát triển nhiều giải pháp tài chính đa dạng: cho vay vốn lưu động, tài trợ…

Ông Hưng kiến nghị Bộ Tài chính thúc đẩy tính thanh khoản thị trường trái phiếu để hỗ trợ kênh dẫn vốn, không chỉ phụ thuộc tín dụng. Ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cân nhắc giảm hệ số rủi ro cho ngân hàng và xem xét giãn tỷ lệ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ để xếp hạng tín nhiệm.

Ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng Giám đốc VPBank – cho biết: “Không có ngành nào được Thủ tướng quan tâm như bất động sản”. 70-80% khó khăn của thị trường này không nằm ở lãi suất ngân hàng mà là các quy định, chính sách của Nhà nước là pháp lý, quá trình thực thi. “Giải quyết vấn đề bất động sản chủ yếu phải ở cơ quan Nhà nước”, ông Vinh nói.

Ông nói gói lãi suất 2% không chạy dù đã cố gắng. Ông Vinh đề xuất gói này hỗ trợ cho người mua nhà. Còn với doanh nghiệp bất động sản, ông nói “phải thay đổi, xem lại mình”, đặc biệt ở việc minh bạch trong sử dụng vốn, không thể “ôm” tất cả dự án.

“Chúng tôi cũng là đơn vị cho vay bất động sản nhiều nhưng giờ cũng sợ luôn”, ông Vinh nói.

Tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp, ngân hàng tại Hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, với pháp lý dự án sẽ rà soát lại các vấn đề và đẩy mạnh phân cấp về địa phương. “Thời gian qua, tổ công tác của Chính phủ, Bộ Xây dựng chủ trì khi làm việc với địa phương thấy rằng, địa phương nào quyết tâm vào cuộc cùng gỡ khó sẽ giúp được doanh nghiệp giải quyết vướng mắc nhanh chóng”, Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng mong mong Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại xem xét liên quan đến điều kiện vay, thủ tục, lãi suất như doanh nghiệp đề xuất.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng kết luận, tại hội nghị các doanh nghiệp không dám nói rõ tên ngân hàng nào đang gặp phải vấn đề khó khăn vướng mắc về lãi vay, thủ tục; ngân hàng cũng không nói tên doanh nghiệp đang không đáp ứng điều kiện.

“Các bên phải rõ ràng, sòng phẳng với nhau. Qua đây, doanh nghiệp, ngân hàng phải sự tương tác, tránh ý kiến từ một phía. Tháo gỡ trước mắt cho thị trường bất động sản nhưng vẫn phải đảm bảo căn cơ giải pháp trung và dài hạn. Các giải pháp làm sao không đe doạ an toàn hệ thống ngân hàng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Tác giả: Ngọc Mai

Nguồn: tienphong.vn