Khởi công xây dựng thí điểm đập Sabo đầu tiên ở Việt Nam
Đập Sabo đầu tiên tại Việt Nam được khởi công xây dựng thí điểm tại bản Piệng, xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Dự án có tổng số vốn 8,2 tỷ đồng từ nguồn vốn JICA tài trợ; dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2024.
Vừa qua, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) – Văn phòng tại Việt Nam đã tổ chức lễ khởi công xây dựng thí điểm đập Sabo đầu tiên ở Việt Nam nhằm giảm rủi ro do sạt lở đất, lũ quét.
Công trình đập Sabo bản Piệng, xã Nặm Păm với kết cấu bê tông hở, chiều rộng 51m, cao 9m, tổng số vốn 8,2 tỷ đồng từ nguồn vốn JICA tài trợ; dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2024.
Đập Sabo là một trong những giải pháp công trình hiệu quả nhất, thường được xây dựng tại thượng lưu những sông có độ dốc lớn và tốc độ dòng chảy cao; giúp giữ lại bùn đá, gỗ trôi và ngăn ngừa thiệt hại ở khu vực hạ lưu.
Xây dựng đập Sabo thí điểm là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Dự án Hợp tác kỹ thuật về nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc, được triển khai từ năm 2022 với sự hợp tác của Cục Quản lý đê điều – Phòng chống thiên tai và JICA tại 14 tỉnh miền núi phía Bắc.
Việc xây dựng thí điểm đập Sabo tại tỉnh Sơn La được kỳ vọng là cơ sở để Chính phủ Việt Nam tham khảo, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế công trình đập Sabo trước khi triển khai xây dựng các đập Sabo khác tại các khu vực có rủi ro cao, hướng tới hiện thực hóa Quy hoạch Phòng, chống thiên tai và Thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Năm 2023, ở nước ta, đã xảy ra hơn 1.135 trận thiên tai với 21 trên tổng số 22 loại hình thiên tai. Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tập trung vào các loại hình thiên tai như mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất. Điển hình như: Sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm 3 chiến sĩ và 1 người dân bị vùi lấp; sạt lở tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) làm 2 người chết, 5 người bị thương; mưa lớn gây lũ quét tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát (Lào Cai ) khiến 9 người chết; 3 đợt mưa lớn tại miền Trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 làm 14 người chết, mất tích…
Thiên tai đã làm 166 người chết và mất tích, (bằng 95% so năm 2022). Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng (bằng 42% so với năm 2022).
Ông Nguyễn Văn Hải – Trưởng phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cần hành động sớm để ứng phó thiên tai. Điều này thể hiện ở việc chuẩn bị sẵn sàng với các hoạt động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện và tổ chức diễn tập theo phương án đã phê duyệt; ban hành sớm các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và thông tin đến các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động ứng phó.
Đập sabo được xây dựng ở những con suối dốc để ngăn trầm tích lở xuống do bị nước xói, ngăn lượng lớn trầm tích trôi xuống hạ lưu và chặn đất cát, đá và gỗ nổi khi xảy ra lũ quét.
Sẽ có hai dạng đập được thiết kế gồm đập hở và đập kín. Với đập kín thì sẽ ngăn toàn bộ lượng bùn đất, gỗ tràn xuống giống một bức tường chắn. Đập hở là các kết cấu thép được thiết kế cho nước và lượng đất đá kích thước nhỏ có thể chảy qua, chỉ giữ lại đất, đá kích thước lớn.
Tác giả: Kim Ngân
Nguồn: kinhtemoitruong.vn