Khó xử lý triệt để vi phạm về đất đai, khoáng sản

Liên quan đến vi phạm pháp luật về đất đai, khai thác khoáng sản, nhiều doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xử phạt, buộc khắc phục hậu quả.

Vậy nhưng, để xử lý triệt để tình trạng này, các cấp, ngành địa phương vẫn chưa thể tìm ra lời giải nhất quán hệ thống pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ và thống nhất, dẫn tới không rõ trách nhiệm quản lý, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện…

Khai thác đá trắng trái phép ở xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An

Cố tình làm “chui” để chịu phạt?

Ngày 1/3/2022, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 15/QĐ-XPHC đối với Công ty CP Nam Thuận Nghệ An (địa chỉ tại xóm 10, xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu) do doanh nghiệp này đã thực hiện hành vi chiếm 20.266,7 m2 đất trồng lúa để thực hiện dự án mở rộng nhà máy may xuất khẩu. Vi phạm quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 14 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ.

Doanh nghiệp này còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng do tái phạm, vì đã bị Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu xử phạt theo Quyết định số 3668/QĐ-XPVPHC ngày 26/10/2020 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, chưa thi hành xong Quyết định xử phạt nhưng lại tiếp tục vi phạm.

Với những vi phạm trên, Công ty CP Nam Thuận Nghệ An bị phạt tiền 255 triệu đồng; buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và trả lại đất đã chiếm đối với 566,1 m2 và 3.317,5 m2 đất trồng lúa là phần diện tích nằm ngoài Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án đã được phê duyệt theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 14 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP.

Buộc Công ty CP Nam Thuận Nghệ An tiếp tục thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định đối với phần diện tích 16.383,1m2 đất nông nghiệp là đất trồng lúa nằm trong Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án khi chưa được thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, thời hạn thực hiện là 12 tháng.

Trước đó, ngày 18/2/2022, UBND tỉnh Nghệ ra Quyết định số 7C/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Xây dựng Văn Sơn (địa chỉ tại xóm 8, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) do đã khai thác khoáng sản (đá) có tổng diện tích (theo bề mặt) vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo Quyết định số 2516/QĐ-UBND.TN ngày 30/6/2011 của UBND tỉnh Nghệ An về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản) vượt từ 1 ha đến dưới 1,5 ha (vượt hơn 1,2ha); vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu) từ 3 m đến dưới 5 m (vượt 4 m) trong phạm vi diện tích từ 0,1 ha trở lên, quy định tại điểm a khoản 6 Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ.

Doanh nghiệp này bị phạt 300 triệu đồng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 và điểm a khoản 6 Điều 37 Nghị định số 36/2000/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ; khoản 4 Điều 23 và khoản 2 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, Công ty CP Xây dựng Văn Sơn còn phải thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn theo quy định tại điểm a khoản 10 Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ.

Đó chỉ là 2 trong số nhiều doanh nghiệp bị xử phạt do vi phạm về sử dụng tài nguyên do chính quyền tỉnh Nghệ An xử phạt trong thời gian vừa qua.

Loay hoay xử lý

Trong báo cáo gửi HĐND tỉnh Nghệ An vào cuối năm 2021, ông Trịnh Thanh Hải, Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An cho biết, hiện ngành thuế đang quản lý 294 tổ chức, doanh nghiệp có khai thác khoáng sản, nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.

Tình trạng trốn thuế, chây ì thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách cho Nhà nước đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vẫn còn là bài toán nan giải. Năm 2020 đã triển khai truy thu xử phạt hơn 25 tỷ; 11 tháng của năm 2021 đã truy thu xử phạt 15,6 tỷ đồng.

Liên quan đến những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ông Võ Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An lý giải, hệ thống pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ và thống nhất, dẫn tới không rõ trách nhiệm quản lý, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện. Một số nội dung quy định của Luật đất đai chưa phù hợp với thực tiễn triển khai, nhất là có một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.

“Việc tổ chức thi hành pháp luật còn hạn chế (nhất là ở cấp xã), mặc dù pháp luật đã có quy định nhưng không được tổ chức thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ. Cùng với đó là vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn còn hạn chế. Bộ máy tổ chức làm công tác quản lý nhà nước nhiều nơi chưa tương xứng với yêu cầu tổ chức triển khai thi hành pháp luật trên thực tế. Năng lực của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu,…”, ông Võ Văn Ngọc cho biết thêm.

Theo Ngọc Thái – Cao Sơn

Link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/kho-xu-ly-triet-de-vi-pham-ve-dat-dai-khoang-san-231579.html