Khi cán bộ thanh tra bị đô la “xuyên thủng”

24/24 thành viên của đoàn thanh tra bị cáo buộc nhận ít nhất 100 triệu đồng/người và nhiều nhất 5,2 triệu USD/người để bao che cho các sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của Ngân hàng SCB. 100% thành viên đoàn thanh tra đều "nhận quà", vậy hiểu thế nào về "bộ phận không nhỏ" trong vụ án?

0

Trở lại vụ án gây thất thoát tài sản lớn nhất từ trước tới nay xảy ra tại Ngân hàng SCB, nhiều câu hỏi đặt ra: Giá như đoàn thanh tra không “chìm trong tiền”, kết luận và đề xuất hành động đúng thì hậu quả thiệt hại dù vẫn lớn nhưng đã không đến mức khủng khiếp như vậy. Đoàn thanh tra ở cấp liên ngành, có tới 24 thành viên – con số không hề ít và thanh tra đến 2 lần, vậy mà sự thật vẫn nằm ngoài kết luận thanh tra. Để xảy ra vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, trách nhiệm liệu chỉ có giới hạn trong cơ quan thanh tra của ngân hàng?

Từ các vụ án xảy ra trong lĩnh vực thanh tra gần đây đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Hình minh họa: Internet.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, tháng 8/2017, Nguyễn Văn Hưng khi đó là Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước đã lập đoàn liên ngành thanh tra hội sở chính và 12 chi nhánh của SCB. Đoàn do bà Đỗ Thị Nhàn, khi đó là Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước làm trưởng đoàn cùng cán bộ thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Đoàn chia thành 5 tổ thanh tra các nội dung như: Hoạt động cấp tín dụng, khoản lãi phải thu, thực trạng nợ xấu, tái cơ cấu, đánh giá hoạt động quản trị của SCB. Trong 45 ngày đầu thanh tra, đoàn phát hiện nhiều sai phạm nhưng vẫn chấp nhận các khoản nợ xấu của SCB, đồng ý cho tiếp tục hạch toán các khoản vay… Đoàn chỉ quyết định xử phạt hành chính 4 vấn đề với số tiền 965 triệu đồng.

Đầu năm 2018, khi xây dựng dự thảo báo cáo lần đầu phục vụ việc trình bày với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ, bà Nhàn đã chỉ đạo tổ tổng hợp bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu nhóm 4 và nhóm 5 gồm 3 dự án Mũi Đèn Đỏ, 6A và Royal Garden với tổng dư nợ gần 38.000 tỷ đồng. Theo cơ quan điều tra, động thái này đã giúp một số chỉ tiêu tài chính của SCB thay đổi, từ 91.000 tỷ đồng nợ xấu xuống còn 53.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu, hệ số an toàn vốn riêng lẻ đều từ âm thành dương. Đoàn thanh tra còn phát hiện rất nhiều sai phạm tại các khoản vay của nhóm 71 khách hàng ở cùng một địa chỉ là số 4 Nguyễn Thị Minh Khai nhưng “làm ngơ”.

Đặc biệt, tại phần kiến nghị, đoàn thanh tra đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho SCB thực hiện tái cơ cấu. Lúc ban hành kết luận thanh tra, đoàn thanh tra đã đề xuất để lãnh đạo thể hiện không đúng tình hình, thực trạng tài chính của SCB. Cụ thể, kết luận bỏ ngoài số liệu nợ xấu của 3 siêu dự án. Nếu thể hiện đầy đủ thì nợ xấu của SCB tới 35,8% nhưng kết luận chỉ nêu nợ xấu 20,9%. SCB vi phạm hầu hết các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lỗ lũy kế, âm vốn sở hữu, nợ xấu nhưng cũng được bỏ ngoài kết luận thanh tra. Việc này nhằm tránh cho SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. SCB còn có hàng loạt vi phạm về cho vay, sử dụng vốn, thoái lãi dự thu, phương án cơ cấu nhưng vẫn được “ém nhẹm”.

Trong thời gian thanh tra tại SCB, bà Nhàn thừa nhận nhiều lần nhận hối lộ của ngân hàng này, tổng 5,2 triệu USD (khoảng 120 tỷ đồng). Ngoài bà Nhàn, từ năm 2016 đến 2018, Nguyễn Văn Hưng nhiều lần nhận tổng cộng 390.000 USD (8,7 tỷ đồng) của lãnh đạo SCB và dùng vào mục đích cá nhân. 24 thành viên của đoàn thanh tra bị cáo buộc nhận từ 100 triệu đồng đến 5,2 triệu USD để bao che cho các sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của Ngân hàng SCB.

Nhưng, đây chỉ là vụ việc nổi cộm về tình trạng đoàn thanh tra “dính cả chùm” khi thực hành công vụ. Tháng 8/2021, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã xét xử vụ án lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản gồm: Nguyễn Thị Kim Anh (cựu Phó trưởng Phòng Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng); Nguyễn Thị Kim Liên (cựu cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 3); Đặng Hải Anh (cựu chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng 2) và Nguyễn Thị Thùy Linh (cựu thành viên đoàn thanh tra).

Tháng 3/2019, bà Nguyễn Thị Kim Anh được giao làm trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Bà Kim Anh biết rõ đối tượng thanh tra theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng là UBND huyện Vĩnh Tường chứ không phải là UBND các xã, thị trấn và không được thanh tra đối với các dự án công trình do UBND cấp xã làm chủ đầu tư. Nhưng, với mục đích trục lợi, trước khi về thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, bà Kim Anh đã điện thoại cho một số cán bộ phòng kinh tế hạ tầng của huyện yêu cầu tổng hợp, báo cáo toàn bộ các dự án công trình xây dựng do 29 xã, thị trấn làm chủ đầu tư từ năm 2013-2018.

Khi dự thảo biên bản kết quả làm việc kiểm tra, bà Kim Anh và những người trong đoàn đã nêu ra nhiều vi phạm của các chủ đầu tư và doanh nghiệp nhằm “răn đe”. Cả bà Kim Anh và Hải Anh đã yêu cầu những nhà thầu này phải đưa tiền cho đoàn thanh tra để bỏ qua lỗi vi phạm. Với thủ đoạn như trên, từ cuối tháng 5/2019 đến 12/6/2019, các bị can Kim Anh, Hải Anh đã thu tiền của rất nhiều cá nhân, đơn vị liên quan đến hoạt động thanh tra.

Vụ đoàn cán bộ thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt quả tang khi vòi tiền, nhận hối lộ tại Vĩnh Phúc nếu tính số tiền thì quá nhỏ so với vụ cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn và các thành viên “nhận quà”. Song, các vụ thanh tra “dính chàm” này như thêm lát cắt làm lộ sáng một mảng công việc nóng bỏng như lâu nay có điều tiếng trong dư luận.

Cơ quan chống tham nhũng lại sách nhiễu, tham nhũng. Đây là vấn đề gây hậu quả nhiều mặt. Nhà nước giao cho các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, điều tra với khá nhiều quyền hạn, bản chất là nhằm làm rõ sự thật khách quan trong hoạt động của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Điều 5, Luật Thanh tra quy định: “Cơ quan thanh tra nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện và giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật”.

Người dân tố giác tham nhũng, mong muốn hành vi tham nhũng phải được làm rõ, xử lý và họ đặt kỳ vọng vào cơ quan thanh tra. Thế nhưng, cơ quan được giao chuyên trách chống tham nhũng lại trở thành những người tham nhũng, sử dụng công cụ quyền lực được luật pháp giao để sách nhiễu, nhận hối lộ. Đây là sự luẩn quẩn của quy trình ngăn ngừa, chống tham nhũng; còn về niềm tin, khi bóng tối xảy ra dưới chân đèn, niềm tin đó bị rạn vỡ. Không gì đau lòng hơn khi chúng ta phải diện kiến những vụ án có tính chất nghiêm trọng và có tổ chức như vậy.

Dễ nhận thấy, khi trưởng đoàn thanh tra đã “suy thoái” thì các thành viên còn lại nhận hối lộ như một lẽ thường tình. Thực tế cho thấy, tất cả đều thực hiện hành vi phạm tội khi được giao nhiệm vụ thanh tra tại địa bàn. Hành vi không phải thực hiện đơn lẻ mà có sự câu kết, liên quan đến các cá nhân trong đoàn. Nhiều trường hợp, hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, thể hiện hành vi vòi vĩnh, “đòi chung chi”, nói theo ngôn từ xã hội là “làm luật”! Còn trong vụ thanh tra tại SCB, dù kết luận của cơ quan chức năng không chứng minh hành vi “đòi quà” nhưng việc nhận “quà cảm ơn” với tất cả thành viên, số tiền cực lớn cho thấy tính chất phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Lâu nay, khi chúng ta nói đến tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham ô, nhận hối lộ trong cơ quan, ngành nào đó thường dùng từ “một bộ phận”, một số cán bộ, đảng viên, nhân viên, tức khẳng định tiêu cực chỉ là số ít, là hiện tượng, còn lại “đại đa số đều tốt”. Nhưng, những vụ án tham nhũng kiểu “khế ngọt rụng cả chùm” như trên cho thấy một sự thật đáng lo ngại.

Tại cơ chế hay tại con người? Các quy định pháp luật nêu rất rõ những điều thanh tra không được làm, giới hạn của quyền hạn và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động thanh tra của mình. Nghĩa là, nếu đổ lỗi “do cơ chế” thực ra là sự thoái thác nhằm đánh lạc hướng sự tham lam, tiêu cực của người phạm pháp. Không thể chống tham nhũng bằng những người tham nhũng. Nhưng, để tìm người thanh bạch không phải chỉ là sự giám sát khi giao nhiệm vụ thanh tra, chống tham nhũng cho họ mà phải tuyển chọn ngay từ đầu vào.

Nếu đưa người có động cơ trục lợi, muốn về thanh tra để làm giàu, để xây dinh thự, biệt phủ thì có nghĩa, động cơ đó là mầm mống của tham nhũng. Khi đó, họ sẵn sàng bỏ ra các khoản vật chất có thể rất lớn để có được vị trí thuận lợi. Nhấn mạnh điều này để thấy bản chất vấn đề và muốn có “bàn tay sạch” như kỳ vọng thì việc điều động, tuyển dụng, bổ nhiệm ở các cơ quan, bộ, ngành phải sạch, phải công minh, phải chọn đúng người. Không làm được điều đó, chúng ta không thể chống tham nhũng chỉ bằng mệnh lệnh, văn bản.

Tác giả: Đăng Trường

Nguồn: cand.com.vn