Kết nối và tiêu thụ sản phẩm OCOP của Nghệ An trên nền tảng trực tuyến
Nghệ An tổ chức chương trình livestream để giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ 42 sản phẩm OCOP đến từ các vùng, miền.
Livestream quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An cho biết, chương trình livestream kết nối và tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc sản tỉnh Nghệ An, là lần lần thứ 2 được tổ chức, vì vậy có nhiều nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng.
“Chương trình nhằm quảng bá sâu rộng hình ảnh, chất lượng, giá trị của thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Nghệ An tới người tiêu dùng trong và ngoài nước trên sàn thương mại điện tử. Qua đó, nâng cao hình ảnh, vai trò, năng lực sản xuất các sản phẩm, thúc đẩy hoạt động tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Nghệ An”, ông Nam nói.
Chương trình livestream lần này có sự tham gia của 15 đơn vị sản xuất với 42 sản phẩm OCOP và đặc sản của Nghệ An như: trà Shan tuyết Huồi Tụ, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, trám đen Thanh Chương, nước mắm Cửa Lò, hải sản Cửa Lò, giò bê, lạp xưởng Quỳ Châu…
Tại chương trình, lần lượt các đơn vị đã thuyết trình về sản phẩm của mình, khách hàng muốn mua sản phẩm có thể liên hệ trực tiếp đến đơn vị hoặc qua hình thức bình luận (comment) trên các kênh livestream trực tiếp.
Với sự tham gia của các nhân vật có ảnh hưởng (KOL), buổi livestream đã thu hút hàng chục nghìn người theo dõi, tương tác và hàng nghìn đơn hàng đã được bán ra.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An cho biết thêm, thông qua hoạt động livestream nhằm tăng sự tương tác giữa người tiêu dùng với các đơn vị sản xuất, cung cấp, thương mại, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản sản phẩm OCOP.
Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của các nhà sản xuất, cung ứng từ quy mô nhỏ lẻ, tự phát sang tư duy kinh doanh trên nền tảng số nhằm đa dạng hóa phương thức bán hàng, tiến tới tiếp cận thị trường lớn, mở ra cơ hội mới cho người sản xuất cũng như kinh doanh sản phẩm OCOP.
Việc thực hiện livestream trên nền tảng các trang mạng xã hội sẽ góp phần quảng bá, tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử kết tinh trong từng sản phẩm của Chương trình OCOP Nghệ An cùng một số tỉnh, thành trong cả nước; để người tiêu dùng toàn quốc thưởng thức và đánh giá chất lượng; góp phần thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số và chương trình xây dựng nông thôn mới.
“Các sản phẩm xuất hiện trong chương trình đều là những sản phẩm chất lượng cao, giá cả phải chăng. Điều đặc biệt của chương trình lần này là Ban Tổ chức sẽ trích 15% doanh thu để dành tặng cho quỹ từ thiện cuối năm cho trẻ em vùng cao của huyện biên giới Kỳ Sơn”, ông Nam thông tin.
Hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm
Chị Nguyễn Thị Huyền, giám đốc công ty hải sản ở Tx. Cửa Lò cho biết, trước đây, đơn vị chưa chú trọng đến quảng bá sản phẩm nên mức tiêu thụ chưa cao.
“Sau chương trình này, tôi nhận ra trong xu thế hội nhập kinh tế số, ngoài nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm thì nay luôn quan tâm đến việc quảng bá sâu rộng hình ảnh, chất lượng, giá trị của thương hiệu hải sản Cửa Lò tới người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, từ đó tăng thêm doanh thu cho công ty”, chị Huyền nói.
Với 2 sản phẩm tham gia livestream là lạp sườn, măng muối tỏi ớt, chị Lữ Thị Phúc, trú huyện Quỳ Châu cho rằng, thành công từ buổi livestream ngoài thay đổi nhận thức, tư duy của các nhà sản xuất như này còn nâng cao hình ảnh, vai trò, năng lực sản xuất các sản phẩm của hợp tác xã, từ đó thúc đẩy hoạt động tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Ngoài ra, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh đều cho rằng, sự kiện livestream xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền trên nền tảng mạng xã hội có ý nghĩa quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, cũng như kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng đối với các chủ thể OCOP.
Qua đó, tăng cường liên kết 5 nhà: Nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp – nhà truyền thông trong phát triển sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP cũng đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch Nghệ An thông tin, thực tế cho thấy, việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP vẫn còn những khó khăn, thách thức, đặc biệt là những hoạt động ứng dụng công nghệ số để xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP còn chưa đạt được những kết quả tương xứng với tiềm năng thực tế.
Bởi vậy thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch Nghệ An sẽ tăng cường chuyển đổi số như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), giúp quảng bá, nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP thực hiện các hoạt động bán hàng trực tuyến ngày càng thuận tiện hơn.
Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận. Tỉnh hiện có 422 sản phẩm được xếp hạng đạt chất lượng OCOP tiêu chuẩn 3 sao trở lên; trong đó, có trên 40 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm chất lượng OCOP 5 sao, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước.