Hơn 100 ngôi nhà rạn nứt, gần 300 giếng cạn nước bất thường
Hơn 100 nhà dân bị nứt, bong tróc và gần 300 giếng nước tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An bị khô cạn bất thường khiến người dân hoang mang.
Theo báo cáo của UBND xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, từ tháng 1/2020, trên địa bàn bản Công, Na Hiêng xảy ra tình trạng giếng nước cạn, sụt lún ruộng dọc khe suối. UBND xã đã kiểm tra hiện trạng, báo cáo UBND huyện và phòng, ban liên quan để kiểm tra, tìm nguyên nhân.
Đầu tháng 2/2022, tình trạng sụt lún không chỉ xảy ra ở ruộng lúa nước, nghiêm trọng hơn trên địa bàn các bản như: Công, Pòong, Na Hiêng và Na Noong xảy ra rạn nứt tường, nền, móng nhà dân.
“Tình trạng khô cạn giếng nước, sụt lún ruộng lúa, rạn nứt nhà tại xã Châu Hồng, đặc biệt các xóm, bản kể trên chưa từng xảy ra”, báo cáo của UBND xã Châu Hồng nêu.
Từ những năm 2000 đến nay, trên địa bàn xã Châu Hồng có 11 doanh nghiệp khai thác (gồm 5 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá), đặc biệt có doanh nghiệp khai thác quặng dưới lòng đất theo hình thức hầm lò. Gần đây, nhiều đơn vị sử dụng phương tiện, máy móc hiện đại, nhất là trong lĩnh vực khai thác quặng thiếc dưới lòng đất đã xuất hiện những bất thường nêu trên khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2022, xã Châu Hồng có 279 giếng nước sinh hoạt bị cạn trơ đáy; 13 hố sụt lún ở ruộng lúa nước, ven khe suối. Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022, có 114 ngôi nhà bị rạn, nứt… Ước tính thiệt hại lên đến 57 tỷ đồng.
Ghi nhận tại cánh đồng lúa ở xã Châu Hồng, Quỳ Hợp có nhiều biển cảnh báo nguy hiểm, cấm người dân tới gần. Có những thửa ruộng được chính quyền và ngành chức năng rào kín để đề phòng trẻ nhỏ gặp tai nạn.
Trước thực trạng nêu trên, UBND huyện Quỳ Hợp đã hợp đồng với Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ tiến hành khảo sát, đánh giá chi tiết hiện trạng, xác định rõ nguyên nhân sụt lún đất và giếng nước khô cạn tại bản Na Hiêng, Công, Quèn và các khu vực có sụt lún đất; phát hiện, khoanh định các khu vực phát triển hang hốc karst trong đá carbonat và hầm lò khai thác; đề xuất các biện pháp phòng tránh hợp lý nhằm ngăn chặn các sự cố gây thiệt hại cho người và tài sản có thể xảy ra…
Diện tích nghiên cứu 20 km2, gồm khu vực dân cư và dọc theo tỉnh lộ 532, đoạn từ xã Châu Hồng đến xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp.
“UBND huyện phối hợp với UBND xã Châu Hồng tổ chức đối thoại, tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên cảnh giác, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và ổn định sản xuất, khắc phục thiệt hại… Theo dõi, bám sát thường xuyên, liên tục các điểm sụt lún và các điểm có nguy cơ; làm rào chắn, biển cảnh báo, san lấp để đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản, tính mạng, gia súc của nhân dân…”, ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Tùng, hiện nay Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ đã và đang tiến hành làm việc khẩn trương, sớm tìm ra nguyên nhân, kết luận của việc xảy ra sụt lún, nứt nhà dân để trấn an tư tưởng của nhân dân; bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và khắc phục sự cố để bà con an tâm trong cuộc sống.
Từ năm 2021 đến nay, UBND xã Châu Hồng đã có 14 báo cáo gửi UBND huyện Quỳ Hợp về việc sụt lún, nứt tường, nền nhà để có chỉ đạo, bàn giải pháp khắc phục tình trạng trên. Để ứng phó, xã cũng đã phải phân công cán bộ theo dõi, nắm bắt địa bàn để kịp thời báo cáo những diễn biến mới phát sinh, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân.
Theo Nguyễn Duy/Báo Dân trí
Link gốc: https://dantri.com.vn/xa-hoi/hon-100-ngoi-nha-ran-nut-gan-300-gieng-can-nuoc-bat-thuong-20220509164059922.htm