Hơn 1 triệu cuốn sách giáo khoa giả đã được bán ra thị trường
Giám đốc công ty in đã thuê ổ nhóm gia công sách giáo khoa giả tại xưởng với giá bình quân là 5 đồng/1 trang rồi tung số sách giả này ra thị trường.
Như GD&TĐ đã thông tin, Viện KSND Tối cao vừa có cáo trạng truy tố các bị can trong vụ án sản xuất hơn 9 triệu cuốn sách giáo khoa giả. Một loạt giám đốc, cán bộ nhân viên của nhiều doanh nghiệp và cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước bị khởi tố vì cáo buộc nhận tiền và bao che cho hành vi sai phạm.
“Ổ nhóm” ở Công ty cổ phần in Hà Nội có vai trò giúp sức rất lớn cho Cao Thị Minh Thuận – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát (sau đây gọi là Công ty Phú Hưng Phát) sản xuất số lượng lớn sách giáo khoa giả, dán tem giả là của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.
Công ty cổ phần in Hà Nội do Hoàng Mạnh Chiến làm giám đốc. Nhưng thực ra, chỉ đạo điều hành doanh nghiệp này là Nguyễn Mạnh Hà – Phó Giám đốc công ty.
Để sản xuất sách giáo khoa giả, Cao Thị Minh Thuận trực tiếp thỏa thuận với Nguyễn Mạnh Hà với đơn giá từ 70 đồng – 103 đồng/1 trang sách.
Thuận cung cấp tem giả cho Hà để dán lên các quyển sách. Hà đã nhờ cổ đông góp vốn, chỉ đạo nhân viên trong công ty thực hiện việc thiết kế mẫu in, scan các loại sách mẫu để đặt ghi bản kẽm.
Hoàng Mạnh Chiến là Giám đốc Công ty cổ phần in Hà Nội làm nhiệm vụ gia công sau in. Chiến cũng trực tiếp lái xe tải vận chuyển sách giáo khoa giả giao cho Cao Thị Minh Thuận tại kho hàng ở khu vực nghĩa trang phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai.
Ngoài ra, Giám đốc Công ty cổ phần in Hà Nội cũng trực tiếp thuê Nguyễn Đình Khương là chủ một xưởng gia công sách (đội 8, thôn Đình, xã Hợp Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội) gia công, hoàn thiện sách giả với đơn giá chỉ 5 đồng/trang.
Riêng xưởng gia công này đã gia công khoảng 500.000 quyển sách giáo khoa giả dán tem mang tên của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.
Cáo trạng của Viện KSND Tối cao xác định Nguyễn Mạnh Hà đã giúp Cao Thị Minh Thuận thực hiện hành vi sản xuất trên 1,161 triệu cuốn sách giáo khoa giả là của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, trị giá tương đương với số lượng của hàng thật là trên 41 tỉ đồng, thu lợi bất chính theo thỏa thuận hơn 13,9 tỉ đồng.
Theo Thiều Khang
Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/hon-1-trieu-cuon-sach-giao-khoa-gia-da-duoc-ban-ra-thi-truong-post607941.html