Hoa mắt với… xăng!
Xăng tăng giá đang gặm nhấm trực tiếp vào ví tiền của người lao động, đặc biệt trong giới tài xế, ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập cũng như đời sống hằng ngày. Rất nhiều tài xế xe ôm công nghệ tắt app, còn tài xế chở thuê thì “treo” vô lăng...
“Cơn bão” tăng giá
Khi đại dịch ập tới, anh Nguyễn Văn Hùng (quê Nghệ An, hiện ngụ P. Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) phải tắt app vì không có khách. Cuộc sống trở lại bình thường, anh Hùng tiếp tục công việc chạy Grab kiếm sống. Tuy nhiên, chỉ mới hành nghề lại khoảng 3 tháng thì giá xăng liên tục tăng, đỉnh điểm hiện nay lên 33.000 đồng/lít đối với xăng RON 95.
Nếu như trước kia chạy một ngày anh Hùng kiếm được 600.000 đồng, trừ chi phí xăng xe, tiền phần trăm cho công ty, anh Hùng thu về 300.000 là tạm ổn cho cuộc sống. Từ ngày xăng tăng giá, mặc dù công ty đã tăng giá cước nhưng không thấm vào đâu cả. Anh Hùng chạy một ngày cật lực được 900.000 -1.000.000 đồng, trong đó tiền xăng ngốn hết một nửa, tiền chiết khấu thêm 200.000 đồng nữa, anh chỉ còn lại hơn 200.000 đồng. Với số tiền ít ỏi đó, anh Hùng không đủ để chi phí nhà trọ, tiền sinh hoạt và nuôi hai con nhỏ. Anh chạy cả đêm, chạy không dám nghỉ ngày nào nhưng vẫn túng thiếu. Khi biết xăng vẫn tiếp tục tăng, anh Hùng quyết định tắt app, tính chuyện kiếm việc khác để làm.
Anh Hùng nộp hồ sơ xin làm bảo vệ cho công ty may ở Bình Dương, lương cơ bản được 5 triệu đồng, cộng với phụ cấp và tăng ca cũng giao động từ 6-7 triệu đồng. Tính toán thật kỹ, anh Hùng thấy số tiền vẫn không thể sống nổi. Chi bằng nghỉ ngơi một thời gian chờ xăng giảm sẽ quay lại nghề tài xế. Trước mắt, anh Hùng dẫn hai con nhỏ về quê ở Nghệ An “ăn bám” bố mẹ. Vợ anh làm công nhân sẽ chuyển sang phòng trọ em gái ở nhờ để giảm được 3 triệu đồng tiền nhà trọ.
Xăng tăng chóng mặt, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là giới lái xe và các doanh nghiệp vận tải. Ai trụ được với nghề thì cũng điêu đứng, còn lại đa phần giảm thu nhập nghiêm trọng. Chạy xe ôm công nghệ được hơn 3 năm, Lê Hoàng Minh (26 tuổi, quê Bình Thuận) đang phải tắt áp, “treo xe” ở phòng trọ vì không trụ nổi với giá xăng. Thời điểm đầu xăng chỉ mới 23.000/lít, Minh vẫn chạy đều đặn, sau đó tăng lên 28 ngàn đồng rồi 30 ngàn đồng/lít thì Minh gắng gượng, nhưng khi lập đỉnh 33 ngàn đồng và chưa có dấu hiệu dừng lại, Minh biết mình không còn sống nổi bằng nghề nữa.
Trước khi quyết định tắt app, Minh đã thử một ngày chạy miệt mài từ tinh mơ cho tới khuya, thu về 1,2 triệu đồng. Nhìn vào con số thu nhập trong ngày ai cũng nghĩ sẽ dư dả nhưng trong số này, tiền xăng hết ngót 700 ngàn, tiền nộp chiết khấu hơn 200 ngàn đồng. Minh sống một mình, chưa vợ con, nhưng số tiền chỉ hơn 200 ngàn đồng cho một ngày làm việc trên 12 tiếng thì quả là vất vả và không xứng đáng với sức lao động bỏ ra. Minh cho biết, bây giờ tắt app ở nhà ăn mì tôm rồi kiếm tạm việc gì đó làm thời vụ. Minh không có ý định chạy xe ôm công nghệ nữa mà sẽ đi học nghề cắt tóc rồi về quê lập nghiệp.
Đó là những trường hợp chạy xe máy, còn với xe ô tô công nghệ thì càng bi đát hơn. Anh Trần Văn Phương (ngụ Q.4, TP. Hồ Chí Minh) đã quyết định “treo vô lăng” được mấy ngày nay vì đi làm mà toàn thua lỗ. Chạy ô tô trong nội thành luôn đông đúc và kẹt cứng càng tốn dầu, hao xăng nhanh. Anh Phương kể, có cuốc xe chạy từ Q.7 qua Q.1 chỉ được 100 ngàn đồng nhưng di chuyển hết hơn một tiếng do kẹt xe tại các ngả đường. Số tiền đó không đủ đổ dầu, tính ra lỗ nặng. Để tiết kiệm chi phí xăng dầu, anh Phương chuyển sang chạy ban đêm. Tuy khung giờ này ít khách nhưng đường sá thông thoáng, vừa di chuyển nhanh lại đỡ tốn hao nhiên liệu. Mặt khác, anh Phương tăng cường chạy tuyến ngoại tỉnh, nhận trọn gói hai chiều để gói ghém chi phí. Giá xăng cao chót vót buộc nhà xe phải tăng vé nên người dân hạn chế đi xe thuê, trừ trường hợp khẩn cấp thì họ mới chấp nhận.
Anh Phương còn có xe riêng nên không phải mất phí thuê xe, nếu tài xế phải thuê xe bên ngoài thì còn lỗ nhiều hơn nữa. “Tài xế bỏ nghề là chuyện phải làm, dù muốn hay không, trong bối cảnh giá xăng tăng, vật giá thì “té nước theo mưa” như thế này”, anh Phương chia sẻ.
Nguy cơ người lao động rời bỏ thị trường
Ở các đội xe vận chuyển thuê như xe tải, xe ba gác hoặc ghe tàu chở hàng hóa cũng lâm vào cảnh điêu đứng, có nguy cơ giải nghệ. Là người chạy xe ba gác thuê đã 10 năm nay, ông Phạm Văn Riềng, 56 tuổi, ở trọ tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh đang mếu máo vì phải sắp tới sẽ tính chuyện giải nghệ. Ông Riềng vốn quen thuộc với nghề, dù bao năm nay cuộc sống không khá giả gì nhưng ông yêu cái nghề ba gác của mình rất nhiều. Xe của ông chuyên chở xà bần, xi măng, sắt thép và chuyển nhà trọ. Mỗi chuyến như thường lệ ông kiếm được từ 100.000 đến 300.000 đồng, ngày chạy 2 cuốc là sống khỏe. Nay cũng chạy như vậy, mà thu nhập giảm một nửa do chi phí xăng dầu quá cao. Các mối ông chở đều khó khăn, ông không thể tăng giá quá cao được, mà tăng thì người ta cũng không thuê. Ông Riềng đang đi xin phụ hồ cho các công trình xây dựng, ngày kiếm 200.000 đồng sống qua mùa xăng tăng đề tiếp tục hành nghề ba gác. Hiện tại, ông sẽ cho con xe nghỉ ngơi một thời gian.
Không trụ nổi với nghề, những người bạn cùng chạy ba gác với ông Riềng đã bán xe bỏ nghề. Tình trạng bán xe chuyển nghề đang diễn ra nhộn nhịp trong giới tài xế thậm chí cả doanh nghiệp vận tải. Vợ chồng chị Võ Thị Ngọc Hạnh, ngụ Hóc Môn vốn làm nghề kinh doanh vận tải cho thuê. Chị Hạnh có 2 xe tải 3 tấn, 2 xe ô tô 7 chỗ cho thuê đều đặn mỗi tháng thu về trên 50 triệu. Từ ngày xăng tăng giá, chị phải hạ giá cho thuê xuống nhưng người thuê vẫn trả xe, hủy hợp đồng vì không thể bù lỗ. Hiện, 5 xe cho thuê nhà chị Hạnh có 3 cái “đắp chiếu”, còn hai xe tải vẫn chạy cầm cự. Chị Hạnh buồn rầu tâm sự: “Hai xe cho thuê xem như đủ tiền sửa chữa, không hề có lời. Vợ chồng tôi vay ngân hàng gần một tỷ đồng để mua xe kinh doanh, mỗi tháng trả lãi và gốc trên 20 triệu đồng. Bây giờ kinh doanh không được, tiền thu về không có, chúng tôi đang tính đến chuyện bán xe để trả nợ”.
Không có bài toán nào khả thi ngoài phải bóp bụng, bóp ví trong thời buổi xăng tăng giá. Thậm chí, những người sở hữu ô tô riêng cũng đang phải “đau ví” trước khi quyết định ngồi vào buồng lái cho một chuyến đi xa. Anh Trần Văn Kỳ, ngụ TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, nhân viên công ty phát hành văn phòng phẩm Phương Nam, trước khi giá xăng tăng, anh Kỳ thường vi vu trên chiếc ô tô của mình đi làm hoặc đi bất cứ đâu. Hơn một tháng nay, anh Kỳ cất xe ở nhà, ra ngoài là chạy xe máy, thậm chí nếu nơi nào gần thì đi xe đạp. Anh Kỳ cho biết, xăng thì cứ lao vun vút, trong khi đồng lương bao nhiêu năm chỉ nhích từng chút một.
“Nhớ lại thời điểm năm 2020, khi giá xăng có lúc chỉ còn loanh quanh mức 13.000 đồng/lít, tôi thấy sở hữu một chiếc ô tô thật tuyệt vời. Hễ ra khỏi nhà là lên ô tô, tiệc tùng, sinh nhật, ngày cuối tuần có đi tẹt ga cũng chỉ hết chưa tới 1 triệu tiền xăng. Bây giờ tôi mới ngấm, một ngày đi ô tô bằng lương 3 ngày làm việc. Tôi buộc phải chọn đi xe máy và sắp tới tôi sẽ đi xe đạp, vừa đỡ tốn tiền xăng, vừa chống được chết máy do mưa ngập, lại góp phần trong sạch môi trường”.
Nói là vậy nhưng lòng anh Kỳ buồn rười rượi, mang tiếng có xe ô tô mà phải đi xe đạp vì không có tiền đổ xăng quả là chát đắng.
Tiền xăng trở thành nỗi đau đầu của đại đa số dân tình, nó vô tình “chém” vào những khoản chi tiêu thiết yếu khác của gia đình, khiến cuộc sống bị đảo lộn và trăm thứ khác cùng ảnh hưởng.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 16 kỳ điều chỉnh với 7 lần liên tiếp tăng giá chỉ trong hơn 2 tháng gần đây. Sở dĩ giá xăng dầu đều tăng, theo lý giải của liên bộ Công Thương – Tài chính, do thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá vừa qua có nhiều biến động. Giá các sản phẩm thành phẩm xăng dầu có xu hướng tăng.
Nguyên nhân bởi nguồn cung xăng dầu cho thị trường thế giới tiếp tục bị hạn chế bởi việc cấm vận hàng từ Nga của Mỹ và các nước châu Âu và ảnh hưởng do bất ổn chính trị tại Libya, gây gián đoạn hoạt động sản xuất. Mỹ ban bố lệnh trừng phạt mới đối với Iran, sản xuất xăng dầu tại một số nước OPEC+ vẫn chưa đạt được mức hạn ngạch sản xuất của mình.
Đại biểu Quốc hội Đoàn TP. Hồ Chí Minh – Trần Hoàng Ngân cho rằng, giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động đến đời sống người dân. Đời sống người dân đã vô cùng khó khăn do 2 năm COVID-19 lấy đi hết tiết kiệm mà nay gặp “bão giá” thì rất khó khăn. Trong khi đó, chi phí doanh nghiệp cũng tăng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa… “Xăng dầu theo giá thị trường buộc phải điều chỉnh cho nên để giảm được giá xăng dầu thì phải trình giải pháp để giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế tiêu thụ. Đây là 2 điều quan trọng nhất. Xăng dầu thế giới chưa có dấu hiệu giảm nên chúng ta cần công cụ thuế để kiểm soát giá, đồng thời cần kiểm soát giá những loại mặt hàng “té nước theo mưa” để đảm bảo an sinh xã hội bằng cách kiểm tra, kiểm soát yếu tố về chi phí, yếu tố về đầu vào để đảm bảo minh bạch” – đại biểu Ngân nói.
Theo Ngọc Thiện/CAND
Link gốc: https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/hoa-mat-voi-xang–i658172/