Hàng triệu tỷ đồng tiền gửi nằm trong nhà băng: Ngân hàng sốt ruột
Tiền gửi tiết kiệm của người dân tăng vọt lên hơn 6,34 triệu tỷ đồng. Trái ngược với dòng tiền chảy vào ngân hàng, dòng tiền ra đang gặp khó khăn khiến tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra hàng loạt các chính sách về tiền tệ như giảm lãi suất để đưa dòng vốn vào nền kinh tế.
Quyết liệt khơi thông dòng vốn
Số liệu mới nhất của NHNN vừa công bố về tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 5/2023 cho thấy tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng 8,21% so với cuối năm ngoái. Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế chảy vào hệ thống ngân hàng giảm 3,45%, phản ánh bức tranh kinh tế còn khó khăn, dòng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp không dồi dào. Đáng chú ý, tiền gửi của dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng tăng cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế. Về con số cụ thể, tính đến cuối tháng 5, tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,34 triệu tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số 5,74 triệu tỷ đồng tiền gửi của các tổ chức kinh tế. Tính ra, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng liên tục từ tháng 9 năm ngoái đến nay. Nếu tính trong 5 tháng đầu năm 2023, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm gần 400.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 7/2023 giảm mạnh từ trước đến nay. Cũng theo số liệu mới nhất của NHNN, tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14-15%. Đáng chú ý, theo công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03 – 3,27 – 4,73%. Như vậy, sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng 6, tín dụng lại bất ngờ chững lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong tháng 7.
Trước những khó khăn rất lớn với thực tế sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sâu sát, thường xuyên, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. Trong đó tập trung tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các vấn đề đang còn vướng mắc, liên quan đến việc giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn và hấp thụ vốn, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản… qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Đến cuối tháng 8, lãi suất điều hành đã liên tục được điều chỉnh giảm 4 lần với mức giảm từ 0,5 – 2%/năm, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất thế giới liên tục tăng và neo ở mức cao. Các ngân hàng thương mại cũng đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, nhằm kích thích nhu cầu vay vốn. Bởi trong bối cảnh, tín dụng tăng trưởng chậm, áp lực về nguồn vốn ứ đọng cũng khiến nhiều ngân hàng phải chịu áp lực giải ngân nguồn vốn đã huy động.
Sau 4 lần hạ lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với trước, phổ biến ở mức 7,5 – 8%/năm với các khoản vay trung hạn và 8 – 10%/năm với các khoản vay ngắn hạn.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết: “Năm nay nhu cầu tín dụng thấp nên chính các ngân hàng cũng khá sốt ruột, muốn đẩy tín dụng ra. Một trong những cách đẩy tín dụng ra, kích thích, tạo nhu cầu cho khách hàng là phải giảm lãi suất, làm sao để chi phí tài chính dễ chấp nhận. Như vậy so với NHNN yêu cầu hạ từ 1,5 đến 2%, thì ngay chính chúng tôi cũng chủ động rồi, nên việc thực thi cũng không quá khó khăn”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, việc liên tiếp hạ lãi suất điều hành, qua đó ép mặt bằng lãi suất cho vay hạ nhiệt hơn so với trước kết hợp với đẩy mạnh và kích thích cho vay mà các tổ chức tín dụng đang triển khai được xem là các công cụ quan trọng để tín dụng được tăng trưởng. Nguồn vốn được đưa vào lưu thông, từ đó, sản xuất cũng được kích thích hơn, gia tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hiện nay.
Ưu tiên khôi phục sức khỏe doanh nghiệp
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.
Số lượng doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kể từ đầu năm đã giảm hơn 1.000 đơn vị. Có những doanh nghiệp hoạt động nhờ 90%-100% vốn vay ngân hàng và tỷ lệ vay vốn cao như vậy trong điều kiện hiện nay thì rõ ràng là rất khó khăn. Theo ông Tú, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay.
“Đến nay nhiều khoản nợ giãn hoãn từ dịch COVID-19 chưa xong, chúng ta lại tiếp tục giãn hoãn cho nhiều khoản nợ khác. Cứ 10 năm thì lại rơi vào tình trạng khó khăn. Người ta hay nói phải chăng đó là quy luật. Vậy khó khăn sẽ kéo dài đến bao giờ? Thực tế hiện nay trên thế giới, chưa thấy nước nào tuyên bố hết khó khăn”, Phó Thống đốc Tú chia sẻ.
Theo Phó Thống đốc, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.
“Nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Nếu nợ xấu tăng, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế. Các ngân hàng đang đứng giữa 2 dòng nước, vừa phải đảm bảo an toàn nợ xấu, vừa phải tăng trưởng, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp cùng nhau vượt qua”, Phó Thống đốc nhìn nhận.
Thời gian tới, đối với chính sách tiền tệ, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ phải đặt ra thông qua một số biện pháp cụ thể. Về phía các ngân hàng thương mại, Phó thống đốc yêu cầu cần chủ động giảm mặt bằng lãi suất, giảm các loại phí, thể hiện nhiều hơn trách nhiệm với cộng đồng nhưng cũng phải bảo đảm an toàn, không để rơi vào tình trạng yếu kém về tài chính. Đồng thời, tiếp tục cắt giảm thủ tục tiếp cận tín dụng, khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn… Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin để tăng khả năng tiếp cận vốn cũng là một vấn đề đang được NHNN Việt Nam tích cực chỉ đạo thực hiện.
Tác giả: Ngọc Mai
Nguồn: tienphong.vn