Hà Tĩnh: Người dân kiếm hàng chục triệu mỗi ngày nhờ mùa sò lông

Cứ mỗi lần biển động, sóng lớn, sò lông lại bị đánh dạt vào vùng biển Lộc Hà (Hà Tĩnh) rất nhiều. Người dân cào, nhặt sò có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.

Người dân có mặt rất đông tại khu vực bãi tắm Thạch Bằng

Những ngày gần đây, người dân các xã vùng bãi ngang ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) dừng hết mọi việc, tập trung tại khu vực biển Xuân Hải (Lộc Hà) để nhặt và cào sò lông. Theo người dân địa phương, mỗi khi trời trở lạnh, biển động, sóng lớn thì sò lông từ ngoài biển bị đánh dạt vào bờ rất nhiều. Đây là thời điểm thích hợp để bà con đi vớt “lộc trời”.

Ông Hoàng Nghĩa Hùng (xã Thạch Kim) cho biết: “Mấy hôm trước tại bãi biển này người đông như kiến. Đàn ông thì dùng kệu (dụng cụ bằng sắt, giống cái vợt nhưng có hình chữ nhật) đưa ra ngoài biển (cách bờ khoảng 10 – 20m) để cào; còn đàn bà, con gái thì đi dọc bờ để nhặt sò. Nhà đông người, khoẻ mạnh có thể làm được cả tấn, nhà ít cũng kiếm được vài ba tạ sò”.

Chị Trần Thị Hoa (42 tuổi, thôn Long Hải, xã Thạch Kim) cho biết: “Hôm qua sò lông vào rất nhiều, vợ chồng tôi đi từ 4h sáng đến 7h sáng thì cào được khoảng 7 tạ, sau đó phân loại đến 9h thì xong và bán được gần 7 triệu đồng.

Mặc dù giá rét nhưng người dân vẫn ngâm mình dưới biển, sóng mạnh để cào sò

Cũng theo chị Hoa, những ngày này người dân trong vùng không ai dám ngủ, họ thức cả đêm để canh đi vớt sò bởi không phải lúc nào cũng có. Nhà nào đông người, có sức khoẻ, ra được ngoài sâu thì cào được cả tấn, thu nhập cả chục triệu đồng. Sau khi làm sạch xong, thương lái đánh xe ra tận bờ biển để mua, ban đầu sò bán 10.000 đồng/1kg nhưng sau đó do người dân bắt được nhiều nên giảm xuống còn 9.000 rồi 8.000 đồng/1 kg.

Mặc dù nhà cách biển khoảng 3km nhưng sau khi tan trường, cháu Lê Thị Bảo Tr. (8 tuổi, trú xã Bình An) cũng theo mẹ đi nhặt sò. Mặc dù không bán, nhưng hàng chục kg sò nhặt được mỗi buổi được 2 mẹ con mang về sơ chế, cấp đông để dùng dần.

Đã vào cuối đợt gió mùa nhưng chiều ngày 8/12 tại khu vực bãi tắm Thạch Bằng, người dân trong vùng vẫn có mặt rất đông. Người đi cào sò, người phân loại sò sau khi người thân cào lên, người đi mua hải sản và cũng có rất nhiều người đến xem khiến không khí náo động cả một vùng biển.

Nhiều người phải mặc thêm áo mưa cho ấm nhưng tay chân vẫn run vì giá lạnh

Thời điểm này, việc cào sò chủ yếu dành cho cánh đàn ông khoẻ mạnh, do trởi đã lạnh, sò không còn nhiều trên bờ, họ phải lội ra ngoài biển, nước đến cổ, sóng biển xô rát mặt, ngâm mình giữa giá lạnh để cào. Dù vất vả nhưng mỗi mẻ cũng được từ 5 – 7 kg, mẻ nhiều thì được 15 – 20kg.

Xuống cào được vài mẻ sò, anh Nguyễn Văn H. (40 tuổi, trú tại xã Thạch Kim) lại lên bờ để nghỉ lấy sức. Theo anh Hoàng, đây là công việc hết sức vất vả nhưng thỉnh thoảng mới gặp nên ai cũng cố gắng. Hơn nữa dù mệt, nhưng mỗi ngày cũng được từ 1 – 2 triệu đồng nên mọi người đều hào hứng, phấn khởi.

Những gia đình đông người, có sức khoẻ, ra được ngoài sâu thì cào được cả tấn sò, thu nhập cả chục triệu đồng

Trao đổi với PV Infonet, ông Trần Đình Hưng, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết, đây là lần thứ 4 trong năm có hiện tượng sò trôi dạt vào bờ, tuy nhiên lần này nhiều hơn, có người thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng/ngày.

Cũng theo ông Hưng, xã Thạch Kim có 95 tàu đánh bắt hải sản với hơn 500 người đi biển. Tổng sản lượng đánh bắt khoảng 1.500 tấn, doanh thu đạt 107 tỷ đồng (kế hoạch 90 tỷ). Còn những người làm hậu cần nghề cá thì chiếm 70%, thu nhập bình quân đầu người của toàn xã đạt 45.190.000 đồng/người/năm.

Theo Trần Hoàn

Link gốc: https://infonet.vietnamnet.vn/ha-tinh-nguoi-dan-dam-minh-giua-bien-lanh-de-cao-so-long-5009650.html