Hà Tĩnh: Nan giải bài toán xử lý dự án chậm tiến độ

Theo quy định, các dự án triển khai chậm hoặc không triển khai sẽ phải thu hồi, để tránh gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng đời sống và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có dự án.

0

Tuy nhiên, hiện nay, tại Hà Tĩnh có nhiều dự án chậm tiến độ nhưng vẫn chưa bị thu hồi theo các quy định của pháp luật.

Hàng chục dự án “treo” bị thu hồi

Được giao đất từ năm 2018, để xây dựng khách sạn 9 tầng, tiêu chuẩn 4 sao, dự án Khách sạn du lịch Lâm Viên có diện tích 4.000m2 ở khu du lịch Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh hứa hẹn tạo tạo điểm nhấn trong hạ tầng du lịch biển ở đây. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại du lịch Lâm Viên vẫn chưa triển khai hạng mục nào, toàn bộ khu đất cỏ dại um tùm.

Ông Trần Văn T. ở xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân nói: “Chúng tôi rất muốn các cấp có thẩm quyền thu hồi dự án này để giao lại cho nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai thực hiện. Bỏ hoang đất như thế này người dân thấy rất lãng phí đất đai”.

Được giao đất từ năm 2018, nhưng dự án Khách sạn du lịch Lâm Viên ở huyện Nghi Xuân vẫn chưa triển khai hạng mục nào

Cùng với dự án trên, tại Xuân Thành còn có nhiều dự án mặc dù chủ đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất nhưng chậm triển khai, điển hình như: Dự án xây dựng Quần thể du lịch sinh thái Xuân Thành có diện tích 6ha, Dự án Quần thể du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp với diện tích 11,38 ha…Hiện, huyện Nghi Xuân có 70 dự án chậm tiến độ do không triển khai hoặc triển khai được một phần đã gây ra sự lãng phí về đất đai. Thế nhưng đến nay, mới thu hồi được 3 dự án.

Trả lời báo chí, ông Bùi Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết, huyện đã rà soát và phân loại, đối với dự án trước đây đã giao đất mà chưa được điều chỉnh theo Luật Đầu tư thì giao cho các nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục làm các thủ tục để được chấp thuận chủ trương đầu tư điều chỉnh theo Luật Đầu tư. Còn đối với dự án đã được chấp thuận và giao đất mà chậm tiến độ thì yêu cầu nhà đầu tư phải giải trình và có cam kết cụ thể, nếu đủ điều kiện thì đề xuất với UBND tỉnh cho gia hạn tiến độ, còn không đủ điều kiện thì sẽ đề xuất thu hồi.

Được biết, từ năm 2019 đến tháng 6/2022, trên địa bàn Hà Tĩnh có 60 dự án “treo” đã bị thu hồi hoặc nhà đầu tư tự xin chấm dứt hoạt động. Cụ thể, từ năm 2019 đến 2021 là 50 dự án (trong đó, dự án do UBND tỉnh chấp thuận ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp là 17; dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp là 15; dự án do UBND cấp huyện chấp thuận là 18). 10 dự án còn lại thu hồi trong 6 tháng đầu năm 2022.

Nhan nhản dự án chậm tiến độ

Trong tổng số trên 1.400 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn Hà Tĩnh thì có 244 dự án chậm tiến độ. Trong đó, dự án đang chậm tiến độ có 90 dự án đã thực hiện thủ tục thuê đất và đang triển khai đầu tư xây dựng; 45 dự án đã cho thuê đất nhưng chậm tiến độ kéo dài, không đưa vào sử dụng; 46 dự án chưa hoàn thành GPMB, chưa được cho thuê đất; 50 dự án chưa được cho thuê đất do vướng mắc quy định tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP. Riêng KKT Vũng Áng có thêm nhóm dự án đầu tư thuê lại đất trong các khu công nghiệp có 13 dự án.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc vẫn còn các vướng mắc trong thu hồi các dự án chậm triển khai có một phần chồng chéo của các quy định pháp luật. Theo quy định pháp luật, một dự án đầu tư trên đất được gọi là “treo” khi sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ.

Theo Luật Đất đai 2003, những dự án như thế sẽ bị thu hồi đất và trả lại phần tài sản đã đầu tư trên đất, trừ trường hợp các dự án được UBND cấp tỉnh gia hạn. Đến Luật Đất đai 2013, các dự án chậm triển khai được gia hạn thêm 24 tháng, nếu vẫn không triển khai thì bị thu hồi đất và các tài sản đã đầu tư trên đất. Thế nhưng, Luật Đầu tư thì quy định, sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút phép đầu tư.

Dự án KĐT Phú Vinh ở thị xã Kỳ Anh được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2010 nhưng hiện vẫn còn 9 hạng mục chưa được đầu tư xây dựng

Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư năng lực còn hạn chế hoặc mục đích lập dự án để giữ đất. Bởi thực tế, một số dự án được cấp phép nhiều năm nhưng không triển khai, hoặc triển khai chiếu lệ, để rồi đến kỳ kiểm tra lại thì xin được gia hạn.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh, đối với các dự án vượt quá 24 tháng kể từ khi giao đất mà doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng sẽ xem xét gia hạn. Nếu hết thời gian được gia hạn mà doanh nghiệp vẫn chưa đưa đất vào sử dụng hoặc không triển khai thì sẽ kiến nghị thu hồi và khi thu hồi sẽ không bồi thường về đất và tài sản trên đất, trừ trường hợp bất khả kháng. Với những dự án chưa đầu tư, việc thu hồi thuận lợi hơn những dự án đã đầu tư dang dở, nhất là dự án có số vốn lớn, bởi sau thu hồi là hàng loạt vấn đề cần giải quyết, đặc biệt về pháp lý.

Được biết, Sở KH&ĐT đã xây dựng kế hoạch phân ra từng nhóm dự án đối tượng cụ thể, trong đó, quan trọng nhất là nhóm để đất lâu dài chiếm dụng nhưng không đưa đất vào sử dụng thì phải làm rõ; và sẽ tổ chức kiểm tra xử lý vi phạm, nếu kéo dài quá hạn thì đề xuất UBND tỉnh thu hồi theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê, đến giữa tháng 6/2022, Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 10 dự án, trong đó có 9 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 2.600 tỷ đồng, 1 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 3 triệu USD.

Theo Cao Sơn

Link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/ha-tinh-nan-giai-bai-toan-xu-ly-du-an-cham-tien-do-230270.html