Giới trẻ Hàn Quốc đang cầm đồ tất cả mọi thứ

Cầm đồ được xem là con đường vay tiền nhanh, dễ dàng ở xứ kim chi song người đi vay có thể đối mặt lãi suất cao hơn mức quy định cùng rủi ro khác.

Nhiều người Hàn Quốc gặp khó khăn về tài chính phải đi vay tiền. Ảnh minh họa: SCMP.

Từ khi xuất hiện các dịch vụ cho vay tiện lợi, nhanh chóng qua vài cú click chuột, nhiều tiệm cầm đồ ở Hàn Quốc đã được xem là dĩ vãng.

Tuy nhiên thời gian gần đây, một dạng tiệm cầm đồ mới nổi lên ở xứ củ sâm, phục vụ những khách hàng sở hữu các thiết bị đắt tiền hay đồ xa xỉ nhưng tạm thời kẹt tiền mặt, theo Korea Herald.

Nằm ở khu Hongdae (Seoul) nhộn nhịp, cửa hàng của Lee Yong-seok chuyên về các khoản vay được cầm cố bằng thiết bị công nghệ. Trái ngược với hình ảnh truyền thống về các tiệm cầm đồ có song sắt, an ninh nghiêm ngặt, nơi của Lee giống như một cửa hàng bình thường, có các tủ trưng bày từ ví, điện thoại thông minh đến máy tính bảng.

Theo Lee, khách hàng chủ yếu ở độ tuổi 20 và 30.

“Họ thường vay một số tiền nhỏ, từ 200.000 đến 300.000 won (160-240 USD), để lại máy tính xách tay hoặc máy ảnh làm tài sản thế chấp. Nhiều sinh viên hoặc người đang tìm việc ở độ tuổi 20 đã đến chỗ tôi trong những năm gần đây”.

“Họ đang cầm đồ tất cả mọi thứ”, Lee nói thêm.

Một tiệm cầm đồ ở Hongdae chuyên về các thiết bị công nghệ. Ảnh: Lee Yong-seok 

Han Jung-woo (35 tuổi), điều hành một doanh nghiệp tiếp thị trực tuyến nhỏ ở Seoul, gần đây đã vay 2 triệu won từ một tiệm cầm đồ địa phương, dùng màn hình máy tính và laptop làm tài sản thế chấp.

“Khách hàng thường không trả tiền ngay sau khi ký hợp đồng nên khiến tôi gặp khủng hoảng tiền mặt”, Han nói và cho biết thêm các khoản vay là để trang trải chi phí nhân viên.

Tính đến năm 2022, có khoảng 1.150 cửa hàng cầm đồ đang hoạt động trên khắp Hàn Quốc và khoảng 200 cửa hàng trong số này chấp nhận các thiết bị điện tử từ người vay, theo Hiệp hội Tài chính Cho vay Tiêu dùng Hàn Quốc.

Chỉ cần thẻ căn cước và đồ đem cầm

Cửa hàng cầm đồ giống như phương sách cuối cùng cho những người gặp khó khăn trong việc vay tiền, những người không thể tiếp cận tín dụng từ các tổ chức cho vay cấp một hoặc cấp hai, đặc biệt là có hồ sơ tín dụng xấu. Nhóm này bao gồm cả những người nước ngoài mới định cư ở Hàn Quốc và chưa tạo được xếp hạng tín dụng đẹp.

Tiệm cầm đồ không kiểm tra điểm tín dụng của khách hàng, chỉ kiểm tra thẻ căn cước, độ thật giả và giá trị thị trường của món đồ được dùng làm tài sản thế chấp hoặc để cầm.

Dù cách này được xem có điểm cộng là quy trình nhanh chóng, không để lại dấu vết trong lịch sử tín dụng song người vay tiền ở tiệm cầm đồ có thể phải chịu mức lãi suất cao hơn đáng kể so với mức trần pháp lý là 20%/năm.

Nhiều tiệm cầm đồ được bày biện như một cửa hàng bán lẻ. Ảnh: Cashroad Seoul. 

Một số cửa hàng cầm đồ được phát hiện tính lãi suất khoảng 3% mỗi tháng, hay 36% mỗi năm.

Con số này cao hơn đáng kể so với mức lãi suất trung bình 5,23-5,78%/năm ở 5 ngân hàng cho vay hàng đầu là KB Kookmin, Shinhan, Woori, Hana và NongHyup tính đến tháng 4, theo dữ liệu từ Liên đoàn Ngân hàng Hàn Quốc.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc các cửa hàng cầm đồ đang bùng nổ là dấu hiệu đáng lo ngại về tình trạng kinh tế đang xấu đi hoặc sự gia tăng của nhóm người tiêu dùng có tín dụng xấu.

“Cái gọi là tài chính ‘tiệm cầm đồ’ thường phát triển mạnh trong nền kinh tế nghèo nàn, nơi không có đủ hỗ trợ tài chính từ những bên cho vay cấp một và cấp hai. Sự phổ biến này không phải là một điều tốt vì nó biểu thị vai trò hạn chế của định chế tài chính”, Kang Kyung-hoon, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Dongguk, nhận xét.

Mai An

Link gốc: https://lifestyle.zingnews.vn/gioi-tre-han-quoc-dang-cam-do-tat-ca-moi-thu-post1439755.html