Giáo viên vừa mừng, vừa lo nếu tăng lương cơ sở

Thông tin các cơ quan đang đề xuất tăng lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng/tháng nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là đội ngũ giáo viên đang chiếm tỉ lệ lớn. Tuy vậy, bên cạnh những vui mừng thì giáo viên cũng mong mức giá cả sẽ không leo thang theo lương bởi nếu lương tăng, giá cả tăng theo thì đời sống giáo viên cũng khó cải thiện.

Vấn đề cấp bách hiện nay là cần cải thiện lương, thu nhập cho giáo viên. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn

Mong chờ được tăng lương

Đội ngũ giáo viên cả nước đang chiếm khoảng 70% tổng số công chức, viên chức, chính vì thế, thông tin về đề xuất tăng lương cơ sở đối với đối tượng này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 13.10 tại Cần Thơ có tác động không nhỏ tới ngành Giáo dục.

Trong năm 2022, theo số liệu được Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn thông báo ngày 30.9 thì số giáo viên bỏ việc trên cả nước hơn 16.000 người/tổng số 1,6 triệu giáo viên. Tính bình quân 100 giáo viên có 1 người bỏ việc, chiếm tỉ lệ 1%.

Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc sinh viên sư phạm ra trường đã chọn làm việc khác để có thu nhập cao hơn, đỡ vất vả và áp lực hơn. Bộ trưởng chia sẻ thêm do lực lượng giáo viên chiếm đến gần 70% tổng số công chức, viên chức nên việc nâng lương không thể “một sớm, một chiều giải quyết được”.

Hiện ngành đang tập trung cải thiện môi trường làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn với tinh thần hỗ trợ tối đa… để giúp giáo viên yên tâm công tác.

Đón nhận tin này, ThS Phan Thế Hoài – Giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hoà (TPHCM) cho rằng, đề xuất tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng từ 1.7.2023 là việc làm hợp tình, hợp lý. Bởi, 3 năm qua, Nhà nước chưa tăng lương cơ sở do ảnh hưởng dịch COVID-19. Hơn nữa, việc chậm tăng lương khiến đời sống cán bộ, công chức, viên chức nói chung và giáo viên nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, do lạm phát kinh tế, giá cả tăng cao. Đó cũng là nguyên nhân khiến cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hàng loạt thời gian qua. Riêng viên chức ngành Giáo dục, việc tăng lương giúp giáo viên ổn định tâm lý, có thêm động lực dạy học.

“Hiện tại, đồng lương giáo viên quá thấp, giáo viên phải làm nhiều nghề tay trái để mưu sinh…, khó toàn tâm toàn ý cho việc dạy học, kéo theo chất lượng giáo dục khó đảm bảo”, thầy giáo Hoài chia sẻ.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Thi – Giáo viên Trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng) cũng thốt nên rằng nếu được tăng lương thì tốt quá, mừng quá.

“Tôi mong việc tăng lương sẽ sớm được thực hiện để đội ngũ giáo viên an tâm hơn về cuộc sống, toàn tâm toàn ý hơn nữa cho việc giảng dạy”.

Lương tăng, giá cả đừng tăng

Dù đã có thâm niên khoảng 10 năm gắn bó với nghề giáo viên, cô giáo N.T (Hà Nội) nhận lương 6 triệu đồng/tháng. Là giáo viên dạy môn Lịch sử nên chị T cũng không thể dạy thêm để kiếm thêm thu nhập. Với mức lương này, chị T khó xoay xở được trong cuộc sống khi nuôi 2 con ăn học. Ngoài giờ dạy học trên lớp, nữ giáo viên đành phải làm bánh, thức ăn sẵn rồi đăng lên Facebook bán cho khách.

Lương đang là vấn đề nóng tại các địa phương, với giáo viên mới ra trường, bậc lương là 2,34 nhân với mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng, tính ra được khoảng gần 3,5 triệu đồng/tháng. Khi giá cả leo thang, đồng lương của viên chức giáo viên rất khó để đảm bảo cuộc sống.

Dưới góc độ quản lý, bà Văn Liên Na – Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay, việc tăng lương cơ sở chắc chắn giáo viên nào cũng mừng. Đặc biệt, đối với bậc mầm non và tiểu học, giáo viên bộ môn phụ, công việc vất vả, lương thấp lại khó có thể dạy thêm. Tuy vậy, bà Na cũng bày tỏ lo lắng khi mức lương cơ sở tăng thì thường thị trường giá cả cũng tăng theo, điều này vô tình sẽ khó cải thiện được đời sống của giáo viên. Thu nhập cho giáo viên cũng chính là điều khó khăn mà TPHCM đang hướng tới giải quyết vấn đề này.

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của Sở GDĐT TPHCM hồi tháng 8.2022, phát biểu chỉ đạo, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh vấn đề cấp bách hiện nay là nâng cao thu nhập của nhà giáo. Ông yêu cầu ngành Giáo dục thành phố tiếp tục nghiên cứu để ban hành những cơ chế chính sách hỗ trợ để đội ngũ giáo viên yên tâm cho cuộc sống của mình nhất là những người, vùng đặc biệt khó khăn.

Các đơn vị tại TPHCM cũng đang tiến hành khảo sát để xây dựng Đề án chính sách để tạo động lực và giữ chân cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong bộ máy chính quyền đô thị TPHCM. Sở GDĐT TPHCM cũng đã triển khai nội dung này tới các cơ sở giáo dục.

Theo Huyên Nguyễn

Link gốc: https://laodong.vn/xa-hoi/giao-vien-vua-mung-vua-lo-neu-tang-luong-co-so-1105683.ldo