Giá vàng nhẫn tăng mạnh, cán mốc lịch sử
Giá vàng trong nước sáng nay 8/4 tăng mạnh, đặc biệt vàng nhẫn trong nước tiếp tục tăng lên mốc lịch sử mới 74,52 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì mức 81,9 triệu đồng/lượng.
Theo ghi nhận 10h sáng nay, công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn 73,12 – 74,52 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, tăng 190.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Giá vàng nhẫn tròn trơn của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn 71,85 – 73,15 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.
Tính từ đầu năm nay, giá nhẫn tròn trơn liên tục phá vỡ các mốc kỷ lục và tăng gần 10 triệu đồng/lượng, tương đương 16%.
Trong khi đó, giá vàng miếng trong nước cũng có xu hướng điều chỉnh nhẹ giá vàng SJC chiều bán ra. Theo đó, Lúc 9h sáng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC mua vào – bán ra ở mức 79,70 – 81,70 triệu đồng/lượng, tăng 200 nghìn đồng/lượng chiều mua vào nhưng giảm 200 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần trước.
Tại DOJI, doanh nghiệp này giữ nguyên giá chiều mua vào nhưng giảm 400 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, niêm yết sáng đầu tuần tại 79,00 – 81,60 triệu đồng/lượng.
PNJ cũng giữ nguyên chiều mua vào và giảm 200 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, giao dịch tại 79,50 – 81,70 triệu đồng/lượng.
Bảo Tín Minh Châu giảm 100 nghìn đồng/lượng chiều mua vào, giảm 50 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, giao dịch tại 79,50 – 81,55 triệu đồng/lượng;
Phú Quý SJC sáng nay cũng giảm 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, xuống 79,40 – 81,60 triệu đồng/lượng…
Còn trên thị trường thế giới giá vàng có xu hướng tăng không ngừng nghỉ và chạm mức cao nhất mọi thời đại ở 2.350 USD/ounce cuối tuần vừa rồi. Đợt tăng giá mạnh mẽ của vàng diễn ra sau khi nền kinh tế Mỹ tạo ra 303.000 việc làm mới trong tháng 3, vượt xa kỳ vọng 200.000 việc làm mới mà thị trường dự đoán trước đó. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống 3,8%.
Tuần này có tương đối ít dữ liệu kinh tế được công bố ra thị trường. Nổi bật sẽ là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ, dự kiến được đưa ra vào thứ 4 (10/4), tiếp theo là chỉ số giá sản xuất (PPI) và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ vào thứ 5 (11/4).
Thị trường cũng sẽ theo dõi các quyết định chính sách tiền tệ của hai ngân hàng trung ương lớn là Canada và châu Âu lần lượt vào thứ 4 và thứ 5. Nhà đầu tư vẫn cho rằng luôn có khả năng quyết định của 2 ngân hàng lớn này có thể ngăn cản việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất sớm.
Tác giả: Anh Thư
Nguồn: kinhtemoitruong.vn