Đứng đầu doanh nghiệp nợ thuế, Hoành Sơn đang làm gì ở “Nghệ Tĩnh”?
Tính hết kỳ thuế tháng 01/2023, tỉnh Hà Tĩnh có hàng trăm doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền lên đến hơn 833 tỷ đồng. Đáng chú ý, riêng doanh nghiệp “đa ngành hàng đầu” Hà Tĩnh là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn lại liên tiếp nhiều kỳ nằm trong nhóm dẫn đầu doanh nghiệp “bị” công khai nợ thuế với tổng số tiền lên đến hơn 110 tỷ đồng.
Hoành Sơn liên tiếp nợ thuế trăm tỷ
Theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tính hết kỳ thuế tháng 01/2023, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 429 doanh nghiệp nợ thuế với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên (trong đó có 1 doanh nghiệp nợ thuế 68 triệu đồng). Tổng số tiền mà hàng trăm doanh nghiệp đang nợ thuế tại địa phương này lên đến 833,797 tỷ đồng.
Báo cáo “tổng hợp danh sách người nộp thuế để công khai thông tin” kỳ thuế tháng 01/2023 do ông Đinh Cao Thắng lập, người duyệt báo cáo là ông Hồ Văn Châu và ông Trương Quang Long – Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh là người ký phê duyệt danh sách công khai vào ngày 17/02/2023.
Nội dung báo cáo nêu, trong tổng số 429 doanh nghiệp nợ thuế lên đến 833,797 tỷ đồng, riêng Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (MST 3000244065, địa chỉ tại phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), đang nợ thuế với tổng số tiền lên đến 110,400 tỷ đồng (chiếm hơn 13% trên tổng số 833,797 tỷ đồng tiền nợ thuế trên toàn tỉnh Hà Tĩnh). Qua đó, một lần nữa doanh nghiệp này lại nằm trong nhóm dẫn đầu danh sách nợ thuế theo công bố nhiều kỳ trước đó.
Cụ thể, như Báo điện tử Xây dựng đã đưa tin, trước đó trong kỳ thông báo tháng 11/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn là doanh nghiệp đứng đầu danh sách nợ thuế ở Hà Tĩnh. Theo đó, trong thông báo do Cục Thuế Hà Tĩnh chỉ rõ, doanh nghiệp này nợ 109,142 tỷ đồng (chiếm gần 19% trên tổng số 579,876 tỷ đồng các doanh nghiệp nợ thuế tại tỉnh Hà Tĩnh).
Điều đáng chú ý, trong thông báo kỳ thuế tháng 12/2022 do Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh ký ban hành vào ngày 23/12/2022, Hà Tĩnh có tổng cộng 449 doanh nghiệp nợ thuế lên đến 827,530 tỷ đồng. Trong số đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn cũng là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu danh sách, cụ thể Hoành Sơn nợ 109,972 tỷ đồng (đóng góp hơn 13% trên tổng số tiền các doanh nghiệp nợ thuế tại Hà Tĩnh).
Qua phân tích số liệu trong 3 báo cáo gần đây do Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh công bố cho thấy, doanh nghiệp đa ngành “hàng đầu” ở Hà Tĩnh liên tiếp có số nợ thuế lũy kế tăng thêm theo thời gian. Cụ thể, tháng 12/2022 tăng 830 triệu đồng so với tháng 11/2022. Hay mới đây nhất, tháng 01/2023 nợ 110,440 tỷ đồng (tăng 568 triệu đồng so với tháng 12/2022) và tăng 1,298 tỷ đồng so với kỳ thông báo tháng 11/2022.
Về Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn, theo dữ liệu trên Cổng đăng ký thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn thành lập ngày 19/01/2001, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại tổ dân phố Thuận Minh, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Hoành Sơn có đăng ký hơn 70 ngành nghề kinh doanh khác nhau, trong đó chọn khai thác đá, cát, sỏi, đất sét (mã B0810) làm ngành kinh doanh chính. Người đại diện pháp luật kiêm giám đốc công ty là ông Phạm Hoành Sơn (sinh năm 1972), kế toán trưởng là ông Đào Minh Tùng.
Theo thông tin quảng bá trên trang chủ Hoành Sơn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn là một doanh nghiệp Việt Nam đa ngành nghề như: Vận tải; quản lý đội tàu biển; cho thuê tàu và các dịch vụ vận tải biển; giao thương và xây dựng đầu tư… Doanh nghiệp này đầu tư khá nhiều lĩnh vực tại các tỉnh thành trong nước.
Hoành Sơn đang làm gì ở Nghệ Tĩnh?
Đối với các dự án đầu tư tại Hà Tĩnh, Hoành Sơn được biết là doanh nghiệp đã và đang triển khai xây dựng các dự án như: Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (4.415 tỷ đồng – hoàn thành giai đoạn 1); Nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên (1.458 tỷ đồng – đã hoàn thành đi vào vận hành); Dự án Khu công nghiệp Cổng Khánh 2 và Nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh (hoàn thành giai đoạn 1); Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (1.410 tỷ đồng)… và một số dự án khác đang thực hiện các thủ tục xin đầu tư như Dự án cao su Sao Vàng – Hoành Sơn và Dự án cảng cạn ICD Cầu Treo – Hoành Sơn.
Với Dự án cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (Dự án Bến số 4), thuộc cảng Vũng Áng được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 5/2015. Dự án có tổng mức đầu tư 1.489 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 16ha, bao gồm một cầu cảng, cùng hệ thống kho bãi và khu dịch vụ hậu cảng với công suất khai thác dự kiến 2,3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sau khoảng năm triển khai, nhiều lần gia hạn tiến độ, hiện nay dự án vẫn chưa hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động theo tiến độ đăng ký.
Ở lĩnh vực đầu tư xây dựng các Dự án trung tâm thương mại… tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, Hoành Sơn được biết đến đang là chủ đầu tư Dự án Trung tâm thương mại Trần Phú, TP. Hà Tĩnh và tại Nghệ An là Trung tâm thương mại khách sạn và dịch vụ tổng hợp tại phường Hưng Dũng, TP Vinh.
Đối với Dự án Trung tâm thương mại tại TP Hà Tĩnh, sẽ xây dựng tòa nhà trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê, khách sạn tiêu chuẩn 4 sao (cao 18 tầng) với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 220 tỷ đồng. Theo quyết định chủ trương đầu tư, dự án khởi công xây dựng trước ngày 30/9/2017 và hoàn thành toàn bộ dự án đưa vào hoạt động trong thời gian 24 tháng kể từ ngày khởi công.
Tuy nhiên, phải đến đầu năm 2019 dự án mới được Hoành Sơn tiến hành khởi công xây dựng. Nhưng thực tế sau khoảng 4 năm kể từ khi khởi công, công trình giữa trung tâm thành phố Hà Tĩnh đến nay vẫn còn dang dở, chỉ mới hoàn thiện được phần thô và chưa hẹn ngày “về đích”.
Cùng cảnh ngộ, Dự án Trung tâm thương mại khách sạn và dịch vụ tổng hợp của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn (tại phường Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) được tỉnh Nghệ An cấp giấy phép xây dựng từ tháng 7/2019. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành đưa vào hoạt động như cam kết.
Ngoài các dự án đầu tư đầu tư hay xây dựng Trung tâm thương mại nêu trên, nhiều năm về trước Hoành Sơn được biết đến là được thuê đất với giá rẻ của Nhà nước tại tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, giai đoạn từ năm 2013 đến 2016, Hoành Sơn làm thủ tục xin thuê 4 khu “đất vàng” ở Hà Tĩnh, trước đó cả 4 khu đất tại thị xã Hồng Lĩnh, thành phố Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh đều do Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (địa chỉ thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) thuê và đã trả lại.
Điều đáng chú ý, 2 khu “đất vàng” ở trung tâm thị xã Hồng Lĩnh và thị xã Kỳ Anh có tổng diện tích hơn 1,6 nghìn mét vuông lại dính nhiều “lùm xùm”. Theo đó, khu “đất vàng” trung tâm ngã tư thị xã Hồng Lĩnh có dấu hiệu sử dụng không đúng mục đích, cho doanh nghiệp khác thuê lại. Cụ thể, có mặt tại hiện trường vào sáng 24/2/2023, khu đất này đang là trụ sở Phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).
Còn khu đất tại phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh (diện tích khoảng 1.400m2) được biết đến là sẽ xây dựng Dự án Văn phòng làm việc của Công ty Hoành Sơn với có quy mô 5 tầng. Tuy nhiên đã hơn 8 năm trôi qua Dự án tòa nhà văn phòng làm việc 5 tầng vẫn đang “nằm trên giấy”. Khảo sát thực tế hiện trường cho thấy, đến nay hiện trạng trên khu đất chỉ là căn nhà làm việc 2 tầng được doanh nghiệp này cải tạo lại từ ngôi nhà 1 tầng có sẵn trước đó.
Lâu nay, doanh nhân Phạm Hoành Sơn – Chủ tịch HĐQT hay người đại diện của hàng chục doanh nghiệp trong hệ sinh thái chuyên hoạt động trong lĩnh vực thương mại, xây dựng, đầu tư cảng biển… “bỗng dưng” chuyển sang làm dự án trang trại nuôi bò, nuôi gà hay trồng cây dược liệu (tại Kỳ Anh và Đức Thọ) khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, kèm theo đó là nhiều kỳ vọng về “ông chủ lớn” đầu tư một cách bài bản, đúng cam kết, mang lại hiệu quả cũng như nguồn thu ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, phần lớn các dự án trang trại chăn nuôi của doanh nghiệp này đến nay vẫn chưa thực sự phát triển chăn nuôi theo đúng cam kết mà chủ yếu triển khai đến đâu, lắp lắp đặt hệ thống pin nặng lượng mặt trời áp mái bán điện khiến nhiều người không khỏi hoài nghi về mục tiêu dự án.
Không thể phủ nhận những đóng góp đáng kể của Hoành Sơn đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh. Vậy nhưng, qua những con số thống kê các lĩnh vực đầu tư hay số tiền nợ thuế nêu trên khiến nhiều người không thể không đặt dấu hỏi về năng lực thực sự của Hoành Sơn, tại sao đầu tư vào khá nhiều lĩnh vực tại tỉnh Hà Tĩnh nhưng đến nay vẫn còn dang dở?
Và, có hay không việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn thuê của Nhà nước hai khu “đất vàng” bám mặt các tuyến quốc lộ (ở thị xã Hồng Lĩnh và thị xã Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh) sau đó cải tạo cho doanh nghiệp khác thuê lại và chỉ thực hiện dự án “trên giấy” để “che mắt” cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh?
Theo Uyên Uyên
Link gốc: https://baoxaydung.com.vn/dung-dau-doanh-nghiep-no-thue-hoanh-son-dang-lam-gi-o-nghe-tinh-349881.html