Dư luận bức xúc việc ngân hàng cho nhân viên tư vấn không trung thực, lôi kéo khách hàng đầu tư trái phiếu

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết dư luận rất bức xúc việc nhân viên ngân hàng tư vấn, lôi kéo khách hàng tham gia vào các hoạt động đầu tư nhưng thông tin không trung thực, minh bạch, dẫn đến nhiều khách hàng gặp phải tranh chấp hợp đồng, thậm chí thiệt hại đến tài sản.

0

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa tiếp tục gửi thư ngỏ đến khách hàng về các vấn đề liên quan đến việc mua/bán trái phiếu doanh nghiệp.

Tại thư ngỏ đăng trên website ngân hàng, SCB cam kết sẽ nỗ lực làm việc với các bên có liên quan trong khả năng và thẩm quyền theo quy định của pháp luật, để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Sau sự việc khách hàng tìm đến SCB chất vấn về vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, có thể thấy, thời gian qua, nhiều ngân hàng chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư, nhưng lại mập mờ giữa hình thức mua trái phiếu và gửi tiết kiệm. Do kiến thức tài chính hạn chế, nhiều người mua trái phiếu mà vẫn tưởng mình gửi tiền tiết kiệm.

Nhiều khách hàng cho hay, một số nhân viên ngân hàng đã tư vấn không hết sự thật. Họ không hề nói đến doanh nghiệp phát hành trái phiếu là doanh nghiệp gì. Họ cũng không hề nói đến rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp mà họ chỉ nói là tiết kiệm linh hoạt, lãi suất cao hơn, bán lúc nào cũng được và rất an toàn.

“Nếu nhân viên của Ngân hàng SCB nói rõ đó là trái phiếu có rủi ro, đừng nói lòng vòng, đừng hứa hẹn, thì họ đã không “xuống tiền” mồ hôi, nước mắt của họ. Đối với nhiều người, số tiền mua trái phiếu là cả gia tài một đời người”, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh nói.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, TS-LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng nếu nhân viên ngân hàng tư vấn không đúng, đưa ra thông tin gian dối dẫn đến thiệt hại quyền lợi của khách hàng thì phải chịu trách nhiệm pháp lý, bồi thường thiệt hại.

Ông Cường cho hay, ngân hàng là kết nối giữa khách hàng có thâm hụt vốn và khách hàng có thặng dư vốn. Để thực hiện các hoạt động tín dụng thì cá nhân, doanh nghiệp phải tiếp xúc với nhân viên ngân hàng.

“Nhân viên ngân hàng (giao dịch viên) – tellers là bộ phận hầu như duy nhất tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Giúp hỗ trợ khách hàng các nhu cầu cơ bản khi đến ngân hàng giao dịch. Nhiệm vụ chính của nhân viên ngân hàng là tiếp xúc với khách hàng, hướng dẫn khách hàng để thực hiện các hoạt động liên quan đến tín dụng ngân hàng, chuẩn bị hồ sơ tài liệu thực hiện các giao dịch đối với khách hàng”, ông Cường nói.

SCB bị nhiều khách hàng tố đã giới thiệu, mời chào khách hàng mua trái phiếu không trung thực

Tuy nhiên, ông Cường cho hay thời gian gần đây xuất hiện những hiện tượng nhân viên ngân hàng tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm, tư vấn đầu tư và tư vấn nhiều nội dung khác dẫn đến thông qua các buổi làm việc với nhân viên ngân hàng, khách hàng lại phát sinh các giao dịch đối với các tổ chức, cá nhân khác, trong đó không ít những giao dịch gây tranh cãi.

“Trong trường hợp nhân viên ngân hàng tư vấn cho khách hàng là không nên gửi tiền tiết kiệm ngân hàng mà lại mang tiền tiết kiệm đó đi đầu tư vào các quỹ đầu tư, mua trái phiếu, chứng khoán hoặc các hình thức đầu tư khác thì hành vi này không phù hợp với quy định của pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp”, ông Cường nói.

Trường hợp nhân viên ngân hàng tư vấn, xúi giục cho khách hàng mang tiền đi đầu tư ở các lĩnh vực khác mà họ không phải là nhân viên của tổ chức, cơ quan đó thì sẽ làm mất uy tín của ngân hàng, mất khách của ngân hàng; đồng thời có thể gây thiệt hại đến tài sản của khách hàng…

Trong trường hợp khách hàng của ngân hàng mang tiền đi đầu tư vào các doanh nghiệp khác theo hình thức góp vốn, mua trái phiếu do có sự tư vấn của nhân viên ngân hàng dẫn đến gây thiệt hại đến tài sản của khách hàng thì khách hàng có quyền yêu cầu nhân viên ngân hàng đó phải liên đới chịu trách nhiệm.

Trường hợp các cơ quan bảo vệ pháp luật có chứng cứ để chứng minh nhân viên ngân hàng này cấu kết nối với các tổ chức cá nhân khác để chiếm đoạt tiền hoặc gây thiệt hại đến tài sản của khách hàng thì nhân viên ngân hàng đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Để truy trách nhiệm đối với những nhân viên ngân hàng này, ông Cường cho biết cơ quan chức năng cần phải chứng minh những người này biết nội dung tư vấn của mình là không đúng pháp luật, mang đến những rủi ro bất lợi cho khách hàng nhưng vì vụ lợi, vì động cơ cá nhân mà vẫn đưa ra những thông tin không trung thực, sai sự thật dẫn đến thiệt hại quyền lợi của khách hàng thì cơ quan chức năng có thể xem xét trách nhiệm pháp lý đối với những nhân viên này.

TS-LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Luật sư Cường cũng cho biết thời gian qua dư luận rất bức xúc về chuyện một số ngân hàng xuất hiện hiện tượng nhân viên ngân hàng tư vấn không đúng cho khách hàng.

“Họ lôi kéo khách hàng mua bảo hiểm, tham gia vào các hoạt động đầu tư mạo hiểm, thông tin không trung thực, thiếu minh bạch dẫn đến nhiều khách hàng gặp phải tranh chấp hợp đồng, thậm chí thiệt hại đến tài sản. Tình trạng này cần phải được xem xét, chấn chỉnh kịp thời”, ông Cường nói.

Theo đó, các cơ quan chức năng cần phải kiểm tra rà soát để kịp thời phát hiện ra những hiện tượng tiêu cực, những hoạt động tư vấn không đúng lĩnh vực, không đúng thẩm quyền, chèo kéo, lôi kéo khách hàng bất chấp đạo đức xã hội để xử lý theo quy định pháp luật; đồng thời hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng để siết chặt hơn nữa công tác quản lý các cán bộ nhân viên ngân hàng để tránh những hệ lụy, thiệt hại, rủi ro cho khách hàng cũng như đối với các tổ chức tín dụng.

Theo Hoài Lam

Link gốc: https://1thegioi.vn/du-luan-buc-xuc-viec-ngan-hang-cho-nhan-vien-tu-van-khong-trung-thuc-loi-keo-khach-hang-dau-tu-trai-phieu-189237.html