Dự án trăm tỷ ven biển nhiều năm “đắp chiếu”

Hơn 5 năm kể từ ngày được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án Khu khách sạn, nghỉ dưỡng Lộc Hà (Hà Tĩnh) vẫn chưa thể triển khai thực hiện do vướng mắc khâu đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB). 16 hộ dân với hơn 1,5ha trong vùng ảnh hưởng vẫn chưa đồng ý với các phương án đền bù khiến dự án đang phơi sương cùng tuế nguyệt.

Dân đòi đền bù “trên trời”, doanh nghiệp loay hoay tháo gỡ

Suốt 5 năm trở lại đây, mỗi ngày, cứ mở cửa bước ra khỏi nhà là các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Viết Hậu (SN 1975), trú tại xóm Nam Sơn, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) lại bị bờ rào tôn màu xanh của dự án khu khách sạn, nghỉ dưỡng Lộc Hà chắn ngang tầm nhìn.

Sau 5 năm, hạng mục duy nhất được cơ bản hoàn thiện là hệ thống thoát nước.

Dù rất khó chịu, song trong suốt thời gian ấy, gia đình ông Hậu cùng chủ đầu tư dự án đã rất nhiều lần thương thảo nhưng không đưa ra được phương án đền bù thỏa đáng để GPMB nên đành rơi vào cảnh gia đình ông Hậu thì bám trụ, còn dự án thì không thể triển khai. Theo ông Hậu, phía chủ đầu tư và UBND huyện Lộc Hà đã tiến hành kiểm đếm, đo đạc diện tích hơn 1.187m2 cùng nhà cửa, công trình phụ trợ, lăng mộ trên đất của gia đình, song mức đền bù đưa ra là không thỏa đáng nên không chấp nhận rời đi.

Hàng xóm của ông Hậu là bà Phạm Thị Huề (SN 1949) cũng rơi vào cảnh tương tự. Bà Huề có mảnh vườn diện tích 755m2 cùng công trình trên đất đều nằm trong vùng quy hoạch dự án, nhưng chủ đầu tư chỉ đồng ý đưa ra số tiền đền bù chưa đến 400 triệu đồng nên bà không đồng ý.

“Tâm nguyện của tôi là đất đổi đất, ngoài việc đền bù số tiền thỏa đáng, chủ đầu tư và chính quyền phải bố trí đất tái định cư đúng bằng diện tích đã thu hồi, định cư ngay tại đây chứ không đi nơi khác vì bao đời nay đã quen sống ở đây rồi”, bà Huề cho biết.

Cũng theo bà này, gia đình bà có 8 người con, trong đó có 2 con trai đã ở riêng song đã được chia thừa kế một phần mảnh vườn này nên nếu doanh nghiệp thu hồi đất thì ngoài lô đất tái định cư cho bà, chủ đầu tư phải xem xét cấp 2 lô đất khác cho 2 người con trai.

Ông Trần Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết thêm, đòi hỏi của bà Huề cũng là yêu cầu của phần lớn thành viên trong tổng số 16 hộ gia đình chưa chịu nhường đất cho dự án, tính đến thời điểm hiện nay.

Đơn cử, như trường hợp gia đình ông Lê Viết Điệm, có diện tích đất ảnh hưởng là 652m2, đồng ý nhường đất cho dự án nhưng có nguyện vọng là tái định cư đất theo diện tích đất ở nói trên, đồng thời phải có giấy tờ (sổ đỏ) hợp lệ. Hay như gia đình ông Nguyết Viết Tự cũng yêu cầu “diện tích đất bao nhiêu thì hoàn trả bấy nhiêu, gia đình không nhận tiền và nơi ở mới phải có đường, điện thắp sáng”.

Thậm chí, như trường hợp của ông Phạm Hồng Đạn, cho rằng “nguyện vọng của gia đình là thửa đất này sử dụng để làm đất ở, không nhất trí cho thu hồi”. Được biết, hiện còn 16 hộ dân, với tổng diện tích nằm trong phạm vi dự án là khoảng 1,5ha. Trong số này, chỉ có 3 hộ là đã được cấp bìa đỏ, số còn lại ở trên đất trồng cây lâu năm, chưa được cấp bìa đỏ.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết thêm, chính quyền đã tích cực phối hợp với doanh nghiệp để hỗ trợ, vận động người dân trong việc thống nhất các phương án đền bù, song đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Theo ông Hùng, do đây là dự án thương mại, dịch vụ nên chính quyền chỉ hỗ trợ, còn việc thỏa thuận đền bù là giữa người dân với doanh nghiệp trên cơ sở thống nhất và tự nguyện chứ không thể thu hồi đất của dân.

Ông Lê Hà Nam, Giám đốc điều hành Công ty CP Quốc tế Lộc Hà cho biết, mặc dù trong suốt 5 năm qua, doanh nghiệp đã rất thiện chí, đến tận từng nhà dân để thỏa thuận, vận động nhưng những đòi hòi của dân là không có căn cứ, vượt quá khả năng đáp ứng của chủ đầu tư. Phần lớn đất của các hộ dân đều chưa có sổ đỏ, làm nhà trên đất trồng cây lâu năm nhưng yêu cầu đến vùng tái định cư phải có sổ đỏ, một số hộ dân khác đồng ý nhận tiền nhưng với mức giá quá cao công ty cũng không đáp ứng được.

Theo ông Nam, hiện có hai phương án đang được đưa ra để xem xét giải quyết. Thứ nhất, là làm khu tái định cư theo nguyện vọng, việc này vượt quá khả năng và thẩm quyền của doanh nghiệp, song nếu như nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thì chủ đầu tư cũng có thể đáp ứng được.

Phương án thứ hai là dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện với diện tích mặt bằng vướng khu dân cư không thể GPMB được thì có thể xem xét điều chỉnh mặt bằng dự án, theo hướng đưa các hộ dân nói trên ra khỏi vùng ảnh hưởng của dự án.

Việc điều chỉnh mặt bằng sẽ khiến cho doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép khi thời điểm này, mọi thủ tục liên quan đến toàn bộ khu đất (8,77ha) đã được thực hiện xong, kể cả cả quy hoạch chi tiết không gian, kiến trúc, cảnh quan cũng đã được chấp thuận. Do vậy, nay điều chỉnh mặt bằng, ngoài việc thu hẹp diện tích, sẽ kéo theo phải điều chỉnh nhiều hạng mục liên quan.

Nhiều hệ lụy

“Suốt 5 năm nay, dự án không thể triển khai đã kéo theo rất nhiều hệ lụy cho cả doanh nghiệp lẫn người dân. Vật liệu tập kết để làm hạ tầng phơi nắng, phơi sương suốt nhiều năm phần lớn đã hư hỏng. Dự án chậm tiến độ, nhiều cơ quan chức năng cứ tưởng doanh nghiệp ôm đất nhưng thực tế muốn thi công cũng không có mặt bằng để thực hiện.

Để chia sẻ một phần khó khăn của nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng, chủ đầu tư đã thi công xong mương thoát nước chạy qua dự án, có chức năng tiêu úng, thoát nước cho toàn bộ người dân thôn Nam Sơn khi mùa mưa đến”, ông Lê Anh Dũng, cán bộ phụ trách dự án cho biết thêm. Ngoài ra, hiện chủ đầu tư cũng đang tiến hành thi công đường quy hoạch thuộc phạm vi dự án, vì không thể chờ đợi thêm.

Được biết, Dự án Khu khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng Lộc Hà tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà do Công ty CP Quốc tế Lộc Hà làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 2168/QĐ-UBND ngày 2/8/2017. Mục tiêu của dự án là kinh doanh khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ du lịch, xây dựng các biệt thự để bán và cho thuê.

Qua đó, từng bước thực hiện đồng bộ việc đầu tư xây dựng khu du lịch biển Lộc Hà theo quy hoạch đã được duyệt. Khi dự án hoàn thành đi vào khai thác hoạt động, sẽ tạo nên diện mạo mới cho Khu du lịch sinh thái biển Lộc Hà, tạo thêm việc làm cho người lao động cũng như tăng thu ngân sách địa phương.

Ngày 4/9/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 2620/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đối với dự án. Theo đó, Dự án được đầu tư trên diện tích 8,77ha, gồm khu khách sạn nghỉ dưỡng cao 5 tầng quy mô 3 sao, công suất từ 80 – 100 phòng; 30 căn biệt thự song lập và 53 căn biệt thự đơn lập, cùng hệ thống nhà hàng và khu vui chơi giải trí, văn phòng điều hành dự án, các công trình phụ trợ, hệ thống cây xanh… với tổng kinh phí đầu tư 241 tỷ đồng.

Ngày 25/7/2019, Công ty CP quốc tế Lộc Hà đã ký hợp đồng thuê đất với Sở TN&MT Hà Tĩnh cho giai đoạn 1 của dự án, với diện tích hơn 7,17ha, hình thức nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm. Đến ngày 13/12/2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định 4077/QĐ-UBND cho phép dự án này được chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hằng năm sang thuê đất trả tiền một lần đối với diện tích đất dự án nói trên.

Mới đây nhất, ngày 31/5/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định 2219/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 đối với dự án. Đến nay, dự án cũng đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, được sở Xây dựng Hà Tĩnh thẩm định thiết kế bản vẽ thi công hạ tầng kỹ thuật.

Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án có thời gian hoạt động 50 năm và tiến độ thực hiện dự án 36 tháng kể từ ngày ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Dù vậy, sau hơn 5 năm, dự án vẫn chưa được triển khai do vướng mắc khâu GPMB.

Đại diện Công ty CP Quốc tế Lộc Hà cho hay, nguyện vọng của doanh nghiệp hiện nay là muốn được tổ chức triển khai thi công hạ tầng ngay, vì chậm ngày nào là thiệt hại cho doanh nghiệp và gây hệ lụy cho người dân sống xung quanh dự án ngày đó.

Theo Thiên Thảo

Link gốc: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/du-an-tram-ty-ven-bien-nhieu-nam-dap-chieu-i678878/