Điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần: Phải công khai, minh bạch, tránh lạm quyền

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, rút ngắn chu kỳ điều chỉnh tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần để giá điện phản ánh kịp thời biến động đầu vào, tránh giật cục. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, để tránh lạm quyền, cần thành lập Hội đồng năng lượng độc lập, ngoài EVN nhằm đánh giá nhiên liệu đầu vào để điều chỉnh đầu ra.

0
Điện là mặt hàng quan trọng, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Nên thành lập Hội đồng năng lượng độc lập

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 5.8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh tối thiểu từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần để giá điện phản ánh kịp thời biến động đầu vào, tránh giật cục.

Tuy nhiên, trao đổi với Lao Động, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng, tuy đề xuất thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện 3 tháng là theo đúng cơ chế thị trường, nhưng hiện Quyết định 24 của Chính phủ ban hành từ năm 2017 cho phép thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất cũng chưa thực hiện được vì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không dám tự điều chỉnh giá điện.

“Vấn đề đặt ra là phải làm sao để công khai, minh bạch, tránh tình trạng lạm quyền. Phương án tốt nhất là Việt Nam nên thành lập Hội đồng năng lượng độc lập, ngoài EVN nhằm đánh giá giá nhiên liệu đầu vào để điều chỉnh đầu ra. Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương nên làm việc, mời thêm những chuyên gia đầu ngành về năng lượng và giá do Chính phủ chỉ định, để quyết định việc điều chỉnh giá điện. Trường hợp, nếu giá than biến động mạnh thì có thể điều chỉnh 3 tháng một lần, còn không thì điều chỉnh 6 tháng 1 lần để tránh giật cục”, chuyên gia Đào Nhật Đình nói.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia Đào Nhật Đình, khi điều chỉnh giá điện, cần lấy giá nguyên liệu để làm chuẩn. Ví dụ như Singapore lấy giá gas (xuất ở cảng Singapoore) làm chuẩn, ở Thái Lan do Nhà Vua chỉ định nhưng cũng lấy giá gas làm chuẩn.

Còn ở Việt Nam, tính chất nguyên liệu có phát điện có đặc thù khác, do vậy, cần lấy giá than của Indonesia làm chuẩn. Than của Indonesia là than nhiệt (phù hợp với nhiệt điện ở Việt Nam), còn than của Austrailia chủ yếu là than đá, không phù hợp với nhiệt điện ở Việt Nam.

“Việc điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần không nhất thiết phải điều chỉnh toàn bộ bảng giá mà có thể đặt ra phụ trợ nhiên liệu, khi nào giá than tăng thì giá điện cũng tăng theo và ngược lại, khi giá than giảm thì giá điện cũng phải giảm theo” – ông Đào Nhật Đình nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long băn khoăn: “Quy định thời gian điều chỉnh tối thiểu 6 tháng đã có rồi và tương đối hợp lý. Bây giờ rút ngắn xuống 3 tháng là không phù hợp, có thể gây tâm lý hoang mang cho người dân”, ông Long đặt câu hỏi.

Phải tránh độc quyền bán buôn, bán lẻ điện

Trao đổi với Lao Động, GS.TS Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ khi sửa đổi Luật Điện lực.
Nhưng, GS Trần Đình Long lưu ý, điều đầu tiên là phải tránh độc quyền bán buôn, bán lẻ điện. Do đó, cần phải có ngay thị trường điện cạnh tranh. Thị trường điện cạnh tranh có 3 khâu quan trọng: Phát điện, bán buôn và bán lẻ.

Để có thị trường bán buôn điện cạnh tranh đúng nghĩa, cần có sự xuất hiện của những doanh nghiệp, công ty mua bán điện ngoài EVN để tham gia cạnh tranh.

Trao đổi với Lao Động, TS Ngô Đức Lâm – nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, thị trường phát điện cạnh tranh, mặc dù đã có nhưng cần sòng phẳng với nhau hơn. Theo dự kiến, đến năm 2024 sẽ bắt đầu hoàn thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và đi vào thí điểm. Thế nhưng bán buôn chưa xong thì nói gì đến bán lẻ điện cạnh tranh.

Giá điện điều chỉnh 3 tháng/lần có ảnh hưởng đến người dân?

Theo ông Đỗ Thắng Hải, việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xuống 3 tháng một lần, sẽ phản ánh kịp thời biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh trường hợp để treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế, dẫn tới trường hợp giá tăng đột biến trong một lần điều chỉnh.

Tuy vậy, giá điện là mặt hàng nhạy cảm, tác động trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp, nên việc điều chỉnh, thời điểm thay đổi giá đều cần báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng để tránh ảnh hưởng điều hành vĩ mô, kinh tế xã hội.

Theo Cường Ngô

Link gốc: https://laodong.vn/xa-hoi/dieu-chinh-gia-dien-3-thanglan-phai-cong-khai-minh-bach-tranh-lam-quyen-1225828.ldo