Điểm tên loạt dự án nghỉ dưỡng ‘trùm mền’ chiếm bãi biển miền Trung
Dự án chịu khó khăn về pháp lý, chủ đầu tư gặp thách thức về nguồn vốn, trong khi nhu cầu người mua đi xuống, tất cả đã khiến thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ trầm lắng.
Loạt dự án hoang phí
Bắc Trung Bộ được xem là thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, những năm gần đây, những khó khăn về pháp lý, nguồn vốn đã làm cho nhiều nhà đầu tư mất động lực trong việc “mạnh tay” đầu tư các dự án. Thực tế cho thấy, khá nhiều dự án nghỉ dưỡng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ được nhiều doanh nghiệp rót tiền đầu tư xong thì ế khách hoặc khởi công xong…“đắp chiếu”.
Cụ thể, tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, ngoài một số dự án nghỉ dưỡng như: quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí Lan Châu – Song Ngư (của Công ty Cổ phần Song Ngư Sơn, quy mô 14,87ha), tổ hợp sân golf, khách sạn, biệt thự thị xã Cửa Lò (của Công ty Cổ phần Golf Biển Cửa Lò), Vinpearl Cửa Hội (của Công ty Cổ phần Vinpearl, quy mô gần 200ha) đã đang đi vào hoạt động kinh doanh thì phần lớn các dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng khác đều trong tình trạng “trùm mền”.
Nổi bật trong số đó là dự án khu liên hợp khách sạn, thể thao, trung tâm thương mại, chung cư và biệt thự cho thuê (bãi biển Cửa Lò, Nghệ An) có tổng mức đầu tư hơn 1.050 tỷ đồng của Công ty liên doanh Hồng Thái S.I.T. Dự án này có từ năm 2003, nhưng đến nay, khu đất vàng hơn 15,9ha tại bãi biển Cửa Lò này chỉ mới xây thô được một số căn hộ biệt thự, nhiều hạng mục hiện dở dang không được đầu tư tiếp. Hay như dự án khu khách sạn nhà nghỉ của Công ty Du lịch Hà Nội (dự án Hà Nội – Kim Liên) có tổng mức đầu tư hơn 78 tỷ đồng cấp phép cho Công ty Cổ phần du lịch Hà Nội làm chủ đầu tư từ năm 2006 cũng mới chỉ mới xây dựng tường rào, cổng và trồng cây xanh… rồi “trùm mền” suốt nhiều năm nay. Trong khi trên “bản vẽ”, dự án này có tới 8 khách sạn từ 3-7 tầng cùng nhiều biệt thự, khu phức hợp bể bơi, sân thể thao và nhà đậu xe… dự kiến hoàn tất vào năm 2019.
Tại Hà Tĩnh, tình hình cũng tương tự. Hàng loạt dự án được các nhà đầu tư rót vốn hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xong phải dừng lại do vướng phải thủ tục pháp lý hoặc thiếu vốn, chẳng hạn như: khu dân cư tổ 6, tổ 7 phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tổng mức đầu tư hơn 324 tỷ đồng; khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu 1, huyện Hương Sơn, tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng…
Đáng kể, dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng cao cấp và khu vui chơi giải trí tại bãi biển Xuân Hải (thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), tổng mức đầu tư 370 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Mỹ Hưng xây dựng từ năm 2019, sau 5 năm triển khai đã hình thành được những khu shophouse, biệt thự… nhưng nay đang dần hoang phế.
Trường hợp khác là dự án khu đô thị sinh thái Đông Dương Green, huyện Nghi Xuân có quy mô 6,4ha do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và phát triển Đông Dương làm chủ đầu tư. Sau một thời gian triển khai, dự án hiện đang trong tình trạng xuống cấp vì không được chủ đầu tư tiếp tục xây dựng các hạng mục như quy hoạch…
Tại Quảng Bình, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại tỉnh này được đánh giá giàu tiềm năng bậc nhất khi thu hút hàng loạt tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản về địa phương này đầu tư như: Tập đoàn Regal Group, Tập đoàn Trường Thịnh, Tập đoàn Onsen Fuji, Tập đoàn Kosy… Tuy nhiên, ngoài một số dự án đang có hoạt động “cầm chừng” thì phần lớn đều trong tình trạng “hoang lạnh”.
Đặc biệt, khu vực bán đảo Bảo Ninh – được ví như “dải đất vàng” của TP. Đồng Hới, đang ghi nhận không ít dự án “án binh bất động”, “quây tôn đất vàng”. Nổi bật trong số đó là khách sạn 5 sao Pullman có tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Du lịch Hà Nội – Quảng Bình làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành thi công phần thô của khối khách sạn và các hạng mục công trình biệt thự, toàn bộ dự án khách sạn 5 sao Pullman này đã rơi vào cảnh “đắp chiếu”; còn chủ dự án cũng bị đưa vào diện cưỡng chế thuế nhiều tháng nay.
Bên cạnh dự án nêu trên là khu du lịch sinh thái Sài Gòn – Bảo Ninh có tổng mức đầu tư 424 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn – Quảng Bình làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Quảng Bình cho thuê đất tại quyết định số 1480/QĐ-UBND ngày 24/06/2009; tiến độ hoàn thành được quy định sau khi được gia hạn điều chỉnh chủ trương đầu tư lần 2 đến hết tháng 9/2020. Tuy vậy, 3 năm qua, dự án rơi vào trạng thái “bất động” sau khi hoàn thành xong phần thô khối tòa nhà khách sạn.
Thiếu vắng người mua
Ghi nhận thực tế cho thấy, thị trường bất động sản nghĩ dưỡng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc bởi phân khúc này thời gian qua vẫn ít người quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Nam, chuyên gia thị trường bất động sản tại khu vực Bắc Trung Bộ, nhận định phân khúc nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ vài năm lại nay không ghi nhận nhiều nguồn cung mới. Nguyên nhân là nhiều dự án liên tục dời thời gian triển khai bán hàng do bối cảnh khó khăn hoặc không được các nhà đầu tư triển khai xây dựng mới.
Ông Nam cũng cho rằng, một nguyên nhân quan trọng khác là thời gian qua, thị trường bất động sản trên địa bàn cả nước nói chung và khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng chỉ có sức cầu ở mức thấp, nhưng giá bán sơ cấp vẫn không giảm. Lượng giao dịch khiêm tốn và chủ yếu tập trung ở nhóm sản phẩm sơ cấp, có pháp lý hoàn thiện, tiến độ xây dựng đảm bảo.
Là một nhà đầu tư tâm huyết với quê hương, rót hàng trăm tỷ đồng để xây dựng khu biệt thự,, nghỉ dưỡng tại bãi biển Lộc Hà nhưng đến nay vẫn chưa thể “ra hàng”, ông Nguyễn Hưng ngậm ngùi nói sức mua giảm mạnh, thiếu vốn, vướng mắc pháp lý… đã gây ra những trở ngại đáng kể khiến doanh nghiệp của ông mất niềm tin để “rót” tiền đầu tư làm dự án tiếp.
Cũng chung tâm trạng, bà Trần Ngọc Hồng, giám đốc một khu nghỉ dưỡng tại Quảng Bình, nhận định các sản phẩm biệt thự, shophouse đầu tư thiếu vắng người mua hoặc trượt giá khiến cho doanh nghiệp trở nên nợ nần chồng chất.
Tác giả: Đức Tuân
Nguồn: vietnamfinance.vn