Đến lúc trả vàng về cho thị trường

Đã đến lúc nên trả vàng về cho thị trường, tức là để cho các công ty kinh doanh vàng tự xuất và tự nhập, còn Ngân hàng Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ giám sát về số lượng, khối lượng.

Giá vàng đang “án binh bất động” chờ quyết định mới nhất từ phía Ngân hàng Nhà nước – Ảnh: IT

Giá vàng SJC trong nước dù đã giảm nhiệt nhưng vẫn chênh lệch cao so với giá thế giới, khoảng 14 triệu đồng/lượng. Có thời điểm, mỗi lượng vàng SJC đắt hơn vàng thế giới tới 18,5 triệu đồng. Các chuyên gia từng đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có việc bỏ độc quyền nhập khẩu vàng, cũng như bỏ độc quyền thương hiệu vàng quốc gia SJC. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có quyết định chính thức nào từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Hơn 10 năm trước, Nghị định 24 đã góp phần quan trọng trong việc chống “vàng hóa”, chống “đô la hóa” nền kinh tế và nâng cao giá trị tiền đồng. Lúc đó, tình trạng người dân đổ xô đi mua hay bán vàng đã không còn, tâm lý đầu cơ tích trữ vàng đã giảm. Đến nay, kinh tế vĩ mô đã ổn định, lạm phát được kiểm soát, Nghị định 24 cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.

Nghị định 24 quy định: NHNN quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu vàng miếng nhưng từ năm 2014, không cấp phép nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng. Do vậy, nguồn cung vàng nguyên liệu bị hạn chế, giá vàng SJC trong nước luôn đắt đỏ. Có thời điểm, giá vàng quốc tế rẻ hơn vàng SJC lên tới 20 triệu đồng/lượng khiến người mua vàng trong nước phải chịu thiệt vì độc quyền vàng SJC.

Nghị định 24 ra đời khi giá vàng thế giới ở mức 1.670 USD/ounce và giá vàng trong nước khoảng 42,5 triệu đồng/lượng. Nếu trước đây, chênh lệch vàng thế giới và vàng trong nước ở mức 2 triệu đồng/lượng thì nay có thời điểm trên 18 triệu đồng, thậm chí là gần 20 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đã đến lúc vấn đề độc quyền của NHNN trong nghị định 24 về nhập khẩu vàng cũng như thương hiệu vàng quốc gia SJC cần thay đổi. Hiện giờ, NHNN nhập khẩu vàng, sau đó giao cho SJC sản xuất vàng miếng và công nhận vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia.

Theo vị chuyên gia này, trên một thị trường cạnh tranh thì độc quyền luôn tạo ra lợi thế và lợi nhuận cho đơn vị độc quyền quản lý và sở hữu. Vì vậy, cần phải sửa đổi lại quy định này phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Hơn nữa, tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024 ngày 3.1, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói: “Nhà nước cũng không chấp nhận sự chênh lệch giá vàng với thế giới lên đến 20 triệu đồng/lượng như thời gian qua, cũng không chấp nhận mức chênh lệch về giá giữa vàng miếng SJC với các loại vàng khác đến mấy triệu đồng/lượng”. Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng điều này mâu thuẫn khi lãnh đạo NHNN không thể chấp nhận mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và vàng thế giới, nhưng NHNN độc quyền về nhập khẩu vàng và độc quyền về thương hiệu vàng quốc gia SJC, điều này tạo nên chênh lệch lớn về giá vàng độc quyền.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế – PGS-TS Ngô Trí Long nhận định việc NHNN vừa thực hiện chức năng nhập khẩu vừa sản xuất lẫn bình ổn thị trường vàng dẫn tới mâu thuẫn về mục tiêu và vai trò quản lý nhà nước. Chính sách độc quyền về vàng đang làm thiếu nguồn cung, nóng sốt cục bộ. Vì vậy, Nhà nước cần cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên vật liệu để sản xuất.

Theo vị chuyên gia, NHNN chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh ngoại hối, Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng mà không tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.

“Đã đến lúc nên trả vàng về cho thị trường, tức là để cho các công ty kinh doanh vàng tự xuất và tự nhập, còn NHNN chỉ làm nhiệm vụ giám sát về khối lượng. Cần phải tăng nguồn cung để cân đối cầu của thị trường. Nghị định 24 với vai trò cấp phép nhập khẩu vàng của NHNN và SJC sản xuất cần phải có giấy phép của NHNN”, vị chuyên gia góp ý.

Như Một Thế Giới đã phản ánh, giá vàng SJC tăng vọt chỉ trong thời gian ngắn với mức đỉnh lên tới 80,3 triệu đồng/lượng ngày 26.12, cao hơn giá thế giới gần 20 triệu đồng/lượng dù giao dịch không đột biến, không có hiện tượng người dân đổ xô hoặc xếp hàng đi mua vàng.

Trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo ngày 3.1, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết quản lý thị trường vàng là vấn đề nóng được người dân và thị trường quan tâm thời gian qua. Nghị định 24 đã ra đời hơn 10 năm trước với mục đích quan trọng nhất thời điểm đó là chống vàng hóa trong nền kinh tế, không để thị trường vàng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, lãi suất, tỉ giá, thị trường ngoại tệ… vì vàng có mối quan hệ với những yếu tố này.

Ngay câu chuyện lấy vàng SJC là thương hiệu vàng miếng độc quyền cũng là phù hợp với bối cảnh lúc đó. Nghị định 24 quy định nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng SJC. Vậy đến nay thương hiệu vàng SJC này còn hiệu quả, thực hiện sứ mệnh tiếp tục không? Nhiều chuyên gia cũng đề xuất mở ra nhiều loại vàng thương hiệu khác…

“Dù vàng SJC độc quyền hay cho nhiều thương hiệu vàng khác, thì cũng phải bảo đảm mục tiêu vàng không để ảnh hưởng kinh tế vĩ mô. Nhà nước luôn tôn trọng quyền bảo quản, cất trữ vàng người dân. NHNN không bảo hộ giá cả vàng miếng SJC, cũng không chấp nhận chênh lệch vàng SJC và thế giới hơn 20 triệu hay cùng là vàng 24K nhưng giá vàng SJC cao hơn các loại vàng khác hơn chục triệu đồng/lượng”, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Thực tế, sau những ngày giá vàng SJC tăng sốc, “giá vàng thế giới tăng 1, giá vàng SJC tăng 3” bất thường, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu tăng cường quản lý thị trường vàng và NHNN lên tiếng sẵn sàng can thiệp thị trường vàng, giá vàng SJC lập tức lao dốc mạnh hàng triệu đồng.

Cũng theo lãnh đạo NHNN, định hướng điều hành thị trường vàng và sửa đổi Nghị định 24 sẽ tiếp tục cơ chế để vừa bảo đảm quản lý nhà nước, vừa mang tính thị trường hơn nữa. NHNN sẽ lấy ý kiến rộng rãi để có giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp với thực tế nhất.

Ông Đào Xuân Tuấn – Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) thông tin thêm là thời gian qua giá vàng trong nước, nhất là vàng SJC tăng cao nhưng tỷ giá vẫn ổn định, mọi hoạt động của ngành ngân hàng vẫn ổn định. Đây là cơ sở cho thấy mục tiêu của nghị định đã hoàn thành. Nay cần nhìn nhận đánh giá lại để quản lý thị trường vàng phù hợp hơn và NHNN đang chuẩn bị để có thể báo cáo trình Chính phủ trong tháng 1.

Tại công điện mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức… đồng thời tổng kết thực hiện Nghị định 24 để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét bổ sung các quy định bảo đảm nâng cao hiệu quả công cụ quản lý nhà nước.

Tác giả: Tuyết Nhung

Nguồn: 1thegioi.vn