Đề nghị thí điểm bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

0
Trụ sở UBND tỉnh Nghệ An.

Tạo điều kiện cho tỉnh Nghệ An có thêm nguồn lực, thẩm quyền nhằm thực hiện được các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tiếp tục tạo điều kiện giúp tỉnh Nghệ An phát triển xứng đáng với vị trí, vai trò đối với vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 NQ/TW ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, xác định mục tiêu phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030: “Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng ứng phó và thích ứng có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hoá, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hoá xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được tăng cường”. Tầm nhìn đến năm 2045: “Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ; đời sống vất chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hoá, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hoá xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện”. thì việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là cần thiết.

Dự thảo Nghị quyết này quy định thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Nghệ An về lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý quy hoạch đô thị, tài nguyên và môi trường; quản lý đầu tư; phát triển kinh tế biển; tổ chức bộ máy và biên chế.

Để đạt được mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đề xuất gồm 05 nhóm lĩnh vực với tổng số 22 chính sách. Trong đó: Quản lý tài chính – ngân sách nhà nước (07 chính sách); Quản lý quy hoạch đô thị, tài nguyên và môi trường (06 chính sách); Quản lý đầu tư (04 chính sách); Phát triển kinh tế biển (02 chính sách); Tổ chức bộ máy và biên chế (03 chính sách). Trong các chính sách đề xuất trên có 12 chính sách áp dụng tương đồng với các tỉnh, thành phố đã được Quốc hội ban hành và 10 chính sách tỉnh đề xuất mới.

Đô thị thành phố Vinh đang phấn đấu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Thí điểm thực hiện một số chính sách phí, lệ phí

Theo Dự thảo đề xuất đề thí điểm thực hiện một số chính sách phí, lệ phí nhằm bảo đảm tính linh hoạt, giúp cho tỉnh Nghệ An chủ động hơn trong việc thực hiện chính sách phí, lệ phí phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu của Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; vừa phát huy hiệu quả vai trò công cụ điều tiết vĩ mô, tái phân phối thu nhập xã hội của phí, lệ phí, vừa tăng cường khả năng khuyến khích, dẫn dắt đầu tư sản xuất kinh doanh, đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh, tạo dư địa tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh.

Nội dung cơ chế, chính sách như sau: Ngân sách tỉnh Nghệ An được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định trên để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh và không dùng để xác định số bổ sung cân đối ngân sách và số bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương cho ngân sách tỉnh.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghệ An là tỉnh có quy mô diện tích, dân số lớn, số lượng các đơn vị hành chính nhiều, nhiều huyện miền núi, nhiều dân tộc khác nhau, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, đặt ra yêu cầu đối với nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước phải phù hợp, hài hòa giữa các vùng, miền, đối tượng, ngành, lĩnh vực. Việc đề xuất Trung ương cho phép tỉnh Nghệ An được chủ động, linh hoạt trong thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn sẽ tạo điều kiện cho tỉnh: Phát huy hiệu quả vai trò công cụ điều tiết vĩ mô của chính sách phí, lệ phí; thực hiện tái phân phối thu nhập xã hội tốt hơn cho nền kinh tế để bảo đảm phát triển cân bằng, hài hòa, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, từng bước thu hẹp chênh lệch mức sống, khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, địa phương; động viên, khuyến khích đầu tư sản xuất kinh doanh đối với những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên phát triển…

Hiện nay, có một số loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 như: Thu phí đậu đỗ xe ô tô, thu phí các loại phương tiện cơ giới cá nhân tham gia lưu thông vào khu vực trung tâm… Khi được Quốc hội cho phép áp dụng, tỉnh Nghệ An sẽ triển khai thực hiện các chính sách về phí, lệ phí trên địa bàn tuân thủ các nguyên tắc: Bảo đảm có lộ trình thực hiện phù hợp với trình độ, yêu cầu phát triển của tỉnh và có tính đến yếu tố vùng miền; bảo đảm tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; bảo đảm công khai, minh bạch.

Nhóm lĩnh vực quản lý quy hoạch đô thị, tài nguyên và môi trường, đầu tư

Dự thảo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An được phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III trở lên theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ (sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng).

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An thí điểm thực hiện dự án kinh doanh tín chỉ các-bon rừng để trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, bù trừ tín chỉ các-bon thị trường trong nước và tự chủ trong chuyển nhượng giao dịch mua bán trao đổi tín chỉ các-bon ra thị trường quốc tế.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An là chủ sở hữu và được quyền chuyển nhượng, mua bán, trao đổi đối với lượng giảm phát thải khí nhà kính (từ hoạt động hấp thu và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh) trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tín chỉ các-bon hình thành từ dự án do UBND tỉnh xây dựng sẽ được UBND tỉnh giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường xác định tỷ lệ đóng góp về lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn tỉnh cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia trước khi giao dịch tín chỉ các-bon. Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon là nguồn thu ngân sách tỉnh được hưởng 100%…

Một góc cảng biển Cửa Lò.

UBND tỉnh Nghệ An tổ chức thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa dưới 500 ha; các dự án có sử dụng ngân sách Nhà nước, phục vụ cho phát triển cộng đồng, phúc lợi xã hội thuộc khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An thuộc nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật Bảo vệ môi trường; thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án thứ cấp nhóm I nằm trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường…

Dự thảo đề xuất, phân cấp thẩm quyền cho UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I.

Ngoài các lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định tại Luật PPP, tỉnh Nghệ An được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa. Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tỉnh Nghệ An được thực hiện hình thức hợp đồng BT đối với các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí; bãi đỗ xe; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Vinh. Quyết định thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng vốn đầu tư công bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế – xã hội, chất lượng công trình dự án, không gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước…

Tác giả: Quang Hợp

Nguồn: Báo xây dựng