Để đất nước có cơ hội hóa rồng

Hình như chưa ai nói chắc là từ “rồng” xuất hiện trong ngôn ngữ dân tộc từ bao giờ; càng không có người nào dám cả quyết là mình đã thấy con rồng, nhưng nó lại được nói tới một cách trọng vọng, là niềm ao ước của nhiều người.

Theo Từ điển tiếng Việt (NXB Khoa học xã hội 1977): Rồng là con vật tưởng tượng, mình rắn, có chân, tượng trưng cho uy quyền của nhà vua trong chế độ phong kiến… Như vậy, có thể là “con rồng” xuất hiện từ thời phong kiến. Phải! Được diện kiến “mặt rồng”, được vào chầu trước “bệ rồng”, nghe “lời rồng”… là vinh dự lắm. Có điều thú vị là chế độ phong kiến lạc hậu ở nước ta đã kết thúc từ lâu, nhưng rồng thì còn… “sống dai” và xem ra ngày một thăng hoa.

rong-viet-nam-tren-dinh-dien-tu-cam-thanh-hue-9486.jpg
Tượng rồng trên đỉnh điện Tử cấm thành Huế. Ảnh: Tư liệu

Huyền thoại “cá vượt vũ môn hóa rồng” đã là chuyện xưa! Gần hơn, những ngày trước ngưỡng cửa mùa Xuân hơn nửa thế kỷ trước, trên những trận địa tên lửa bảo vệ Thăng Long – Hà Nội, “rồng” đã bay lên tới tấp vít cổ từng đàn pháo đài bay ngạo ngược, báo trước kỷ nguyên hòa bình của đất nước. Còn hôm nay, thế giới vẫn chưa hết ngạc nhiên hướng về châu Á, nơi có hàng loạt quốc gia đã “hóa rồng”!

Vậy là con rồng từ biểu tượng cho nhà vua đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho sự vươn lên mạnh mẽ, sự biến đổi về chất, tạo nên điều kỳ diệu khác thường. Ngày Xuân, đáng lẽ chỉ nên nói chuyện vui, nhưng biết nhìn thẳng vào sự thật lại là yếu tố đầu tiên để tạo nên sự biến đổi, đem lại niềm vui mới. Vì thế, trước ngưỡng cửa năm Thìn, tưởng cũng nên nhắc đến một nhận xét không vui được nhiều người biết đến trước đây: “Việt Nam đã lỡ cơ hội hóa rồng…”. Phải! Sau ngày đất nước thống nhất và trước thềm thiên niên kỷ mới, đã có bao người hy vọng Việt Nam sẽ sớm “hóa rồng”!…

Công bằng mà nói, trong mấy thập niên qua, bất chấp tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng và thiên tai dồn dập suốt từ miền Bắc đến miền Nam, mặc dù cơ chế chưa hoàn thiện còn gây không ít cản trở, Việt Nam vẫn có những thành tựu nổi bật: Vai trò của Việt Nam trên thế giới được đề cao, nền kinh tế tăng trưởng khá, xuất khẩu gạo vào hạng nhất, nhì thế giới, hàng triệu tấn xăng, dầu từ Nhà máy Dung Quất đã ra thị trường cho “dân ta dùng dầu của ta”… Thế thì, vì sao Việt Nam vẫn chưa thể “hóa rồng”?

Biết tự vấn là dấu hiệu tốt. Xin ngẫm mà xem, con người ta nếu cứ luôn “vui tràn cung mây”, luôn cười tít mắt nâng cốc “trăm phần trăm” mừng thắng lợi thì ắt sẽ chủ quan, say sưa trông rắn tưởng là… rồng! Còn “bực mình” biết tự vấn, tức là ta không thỏa mãn với hiện tại, thì quyết tìm khâu “đột phá” để vượt lên. Khi đó, ta hiểu ra mình chưa “hóa rồng” là phải.

thu-do-ha-noi-ngay-cang-phat-trien-di-len-anh-trong-hai-bao-qdnd-9903.jpg
Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển, đi lên. Ảnh: Trọng Hải – Báo QĐND

Chợt nhớ, “lời rồng” vào một năm Thìn hơn hai trăm năm trước – năm 1820 – Vua Minh Mạng ngay khi vừa lên ngôi đã viết Chiếu: “Ta nghe nói đường lối mở thì nước trị, lấp lại thì nước loạn… Người ta muốn thấy hình dáng tất phải nhờ có gương sáng, vua muốn nghe theo lỗi mình, hẳn phải đợi người bầy tôi nói thẳng. Vậy chuẩn cho các quan văn võ ở kinh từ tứ phẩm trở lên, ở ngoài, các quan thành, doanh, trấn đều nghĩ cố gắng cùng đua nhau thưa lên xem có phải là lỗi ở tại ta… Các người đều nên chỉ bảo thẳng chỗ ta sai trái, không phải kiêng nể, cùng là chính sự thiếu sót, dân tình đau khổ đều cho phong tâu một thể. Ta sẽ thân tự xem chọn sửa cho kỳ được…”.

Thời ấy, chưa ai xếp hạng nước nào đã “hóa rồng”, nhưng có phải nhờ “lời rồng” (lời nhà vua) nghiêm minh, ưa người trung trực, ghét kẻ xu nịnh mà đất nước ta dưới triều Minh Mạng vững mạnh hơn tất cả các triều đại khác thuộc nhà Nguyễn. Vua phong kiến còn vậy, huống chi người cách mạng ngày nay, sợ gì mà không dám nhìn thẳng vào sự thật, để biết “lỗi mình”, để sửa “chính sự thiếu sót” đang bó buộc, đè nặng lên nhiều mặt hoạt động của xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thanh niên quê xứ Nghệ ra đi tìm đường cứu nước từ Bến Nhà Rồng năm 1911 đến năm Nhâm Thìn 1952, giữa lúc cuộc kháng chiến đang gay go, đã quyết liệt chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và Chính phủ”.

Trước ngưỡng cửa mùa Xuân Giáp Thìn 2024, nhắc lại lời dạy nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất có ý nghĩa. Chính tệ nạn mà Người đã sáng suốt chỉ ra từ 72 năm trước vẫn đang gây ra những cản trở khiến có những tác động không nhỏ để Việt Nam chưa thể “hóa rồng”.

Muốn “hóa rồng” thì phải nhẹ nhàng, thanh thoát mới bay lên. Một thực tế chung của thế giới, khi một đất nước còn “nặng” những tập đoàn ôm cả đống tài sản quốc gia mà làm ăn thua lỗ; con số tăng trưởng hàng năm cũng bao gồm cả “gánh nợ” nước ngoài và “nợ công” rồi “nợ tư” khổng lồ, bao gồm cả vô vàn khối bê tông bất động sản chưa biết vỡ tung bong bóng lúc nào…; và chưa hết: còn gánh nặng ngân sách chi lương cho “bộ máy” cồng kềnh trùng lắp, rồi tệ tham nhũng với những đường dây thiên hình vạn trạng níu kéo, thì hỏi làm sao mà cất cánh “hóa rồng” được?…

thanh-pho-ho-chi-minh-tu-lieu-5753.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu

Lạm bàn vậy, nhưng chúng ta tin tưởng, với các Nghị quyết đã soi sáng liên tục suốt những năm qua, thì trong quá trình tiếp tục thực hiện, sẽ tìm ra khâu “đột phá” để gạt bỏ dần những “gánh nặng” cho đất nước có cơ hội “hóa rồng”.

“Em ơi! Mùa Xuân đến rồi đó!”… Tiếng hát, tiếng gọi của mùa Xuân, lại là Xuân năm Thìn như giục giã chúng ta giành lấy cơ hội “hóa rồng”. Một đất nước tự hào là “con Rồng cháu Tiên”, có Thủ đô Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, có đồng bằng Cửu Long mênh mông luôn đầy ắp phù sa…; tất cả không chỉ là tên gọi thể hiện niềm ao ước “hóa rồng”, mà đó đều là những cơ sở vật chất và tinh thần dồi dào sinh lực, những “bãi phóng” vững chắc để chúng ta hy vọng là “rồng sẽ bay lên”!

Nguồn: Báo Nghệ an