Dè chừng sức nóng tỷ giá
Tính tổng trong 2 phiên gần nhất thì tỷ giá trung tâm cũng tăng đến 135 VND/USD. Trong khi USD ngân hàng cũng ghi nhận tăng kịch trần phiên thứ ba liên tiếp, vượt mốc 25.300 VND/USD trong bối cảnh giá USD trên thị trường thế giới tăng mạnh.
Tỷ giá lên cơn sốt
Tỷ giá trung tâm VND/USD ngày 17/4 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.141 VND/USD, tăng 90 đồng so với phiên giao dịch ngày 16/4. Với biên độ +/-5% đang được áp dụng, tỷ giá trần các ngân hàng áp dụng là 25.442 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.019 VND/USD.
Tỷ giá giữa đồng USD/VND sáng ngày 17/4 được các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng kịch trần. Cụ thể, VietinBank tăng mạnh 122 đồng ở giá mua và tăng giá bán lên kịch trần 25.442 đồng/USD. Trong khi Vietcombank có mức mua vào là 24.978 và mức bán ra là 25.348, tăng 48 đồng so với phiên giao dịch ngày 16/4. Giá USD tại BIDV được niêm yết ở mức 25.030 – 25.340 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng 90 đồng ở cả chiều mua vào và tăng 40 đồng ở chiểu bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá bán USD tại nhóm ngân hàng tư nhân như Techombank, MB, ACB, Sacombank và Eximbank dao động trong khoảng 25.420 – 25.442 đồng, đều áp sát mức trần được phép giao dịch.
Đây là phiên thứ ba liên tiếp các ngân hàng tăng giá bán USD lên sát và kịch trần được phép giao dịch. Giá USD tại các ngân hàng đã tăng hơn 1.000 đồng kể từ đầu năm, tương đương tăng 4,2 – 4,3%.
Với mức tăng này, giá bán USD các ngân hàng đã thu hẹp khoảng cách so với giá USD tại thị trường tự do. Hôm nay, giá bán USD tại thị trường tự do tăng lên mức 25.619 VND/USD, mua vào 25.539 VND/USD, tăng 20 VND ở chiều mua vào và 30 VND chiều bán ra so với phiên giao dịch ngày 16/4.
Sau tin NHNN sắp đấu thầu vàng, giá bán USD tại ngân hàng đã tăng mạnh và kịch trần 2 phiên liên tiếp. Tính tổng trong 2 phiên gần nhất thì tỷ giá trung tâm cũng tăng đến 135 VND/USD.
Giá vàng giá vàng thế giới tăng nóng trong điều kiện thế giới có xung đột địa chính trị của một số quốc gia. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, Mỹ chưa khẳng định thời điểm nào hạ lãi suất nhưng đồng USD vẫn tăng giá. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá của Việt Nam.
Phát biểu tại một hội thảo vào ngày thứ Ba, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói, tình trạng hiện tại của chính sách tiền tệ cần được duy trì do lạm phát còn dai dẳng. “Các số liệu kinh tế gần đây cho thấy tăng trưởng vững và thị trường lao động tiếp tục thắt chặt. Ngoài ra, tiến trình giảm lạm phát về mục tiêu 2% của chúng tôi đã trở nên thiếu bước tiến trong năm nay”- ông Powell nói.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm có thời điểm vượt mức 5% sau khi phát biểu của Chủ tịch Fed được đưa ra. Trên thị trường thế giới, chỉ số USD Index (DXY) ở mức 106,36 điểm –tăng 0,14% so với giao dịch ngày 16/4 và là mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Trước bối cảnh nhiều bất định, áp lực trên thị trường quốc tế vẫn còn là ẩn số. Đồng thời, với việc các ngân hàng liên tiếp đưa giá USD lên sát trần cho phép, thị trường chờ đợi NHNN nhiều khả năng sẽ có động thái phù hợp. “NHNN có những công cụ khác để điều hành như việc cân nhắc tăng kỳ hạn tín phiếu hoặc bán ngoại tệ can thiệp, thanh tra việc mua bán ngoại tệ ở các ngân hàng…”- một chuyên gia tài chính nhận định.
Trước đó, thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, vấn đề tỷ giá đang hết sức nóng. NHNN sẽ có động thái can thiệp thị trường nếu cần thiết, hài hòa, cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế.
Áp lực hiện hữu
Áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu, nhiều khả năng nhu cầu USD sẽ tiếp tục cao bởi các doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng gia tăng nên việc nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất hàng cũng nhiều hơn, nhu cầu mua ngoại tệ để thanh toán tăng lên, từ đó tỷ giá cũng tăng theo. “Cũng không loại trừ yếu tố đầu cơ. Khi những nhà đầu cơ nhận thấy tỷ giá có xu hướng tăng, họ sẽ tìm cách mua ngoại tệ và từ đó đẩy giá USD trên thị trường tự do cao hơn ngân hàng”- TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Giới phân tích nhận định giai đoạn đầu năm 2024 vẫn là một giai đoạn khó khăn cho NHNN trong công cuộc điều hành tỷ giá, nhất là khi ngoài những áp lực hiện hữu từ 2023 thì còn chịu thêm sức ép từ diễn biến của giá vàng.
Tỷ giá tăng khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu thêm khó vì chi phí đầu vào tăng, vận chuyển quốc tế đắt đỏ, khó cạnh cạnh tranh hóa. Với kịch bản tỷ giá tăng ở mức vừa phải 2 -3 %, các chuyên gia cho rằng sẽ không tác động quá lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh, nhưng nếu tỷ giá không giảm trở lại trong nửa cuối năm hoặc mức mất giá vượt biên độ 5% thì tác động sẽ khác.
Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) Đặng Ngọc Hòa cho biết, biến động tỷ giá 1% thì ngành hàng không cũng mất 300 tỷ, nếu mà 5% thì chi phí một năm tăng lên 1.500 tỷ. Do đó, Vietnam Airlines rất mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể.
Nhiều công ty có hoạt động nhập khẩu “đứng ngồi không yên”. Giám đốc doanh nghiệp nhập khẩu nhựa ở Hà Nội tính toán mỗi đơn hàng 100.000 USD trả cho đối tác, doanh nghiệp sẽ phải mất thêm 80-100 triệu đồng. Ngoài ra, tỷ giá tăng cũng “bồi” thêm khó khăn với doanh nghiệp xuất nhập khẩu có hợp đồng vận chuyển ký bằng USD khiến doanh nghiệp khó chồng thêm khó.
Đồng thời lo ngại, giá USD liên tục tăng trong thời gian tới sẽ khiến tiền đồng mất giá, lạm phát tăng cao. Điều này sẽ khiến người dân sẽ thắt chặt chi tiêu khiến sức mua trên thị trường giảm, doanh nghiệp sẽ càng kiệt quệ.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết tỷ giá biến động thời gian gần đây cơ bản là do đồng USD tăng giá. Từ đầu năm đến nay, USD đã tăng 4,5%. USD tăng với 2 lý do: thứ nhất, FED có vẻ lưỡng lự hạ lãi suất, thứ hai là kinh tế Mỹ không suy thoái mà còn phục hồi tốt hơn năm ngoái. Điều này khiến USD tăng giá và các đồng nội tệ neo với USD đều bị giảm trong thời gian qua. Ông Lực cho biết thêm, cơ bản quan hệ cung cầu ngoại tệ tại Việt Nam vẫn ổn.
Trả lời câu hỏi về việc liệu có khả năng NHNN bán ngoại tệ, ông Lực cho rằng cơ quan này sẽ phải tính toán cẩn thận vì còn liên quan đến chuyện nhập khẩu vàng. Theo đó, NHNN sẽ phải tính toán nhập khẩu bao nhiêu để không ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối. Đương nhiên, nếu thị trường ngoại hối biến động mạnh thì NHNN cũng sẽ sẵn sàng can thiệp, bằng nhiều nguồn lực khác nhau.
Tác giả: Thảo Nguyên
Nguồn: Kinh Tế Đô Thị