Đấu giá biển số ôtô, tránh “xe sang” thường hay có “biển số đẹp”
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh, đấu giá biển số ôtô giúp tăng nguồn thu cho ngân sách và tránh dư luận cho rằng có hành vi trục lợi trong việc cấp biển số xe, nhất là có nhiều xe ôtô giá trị cao, “xe sang” thường hay có “biển số đẹp”.
Sáng 7/9, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.
Chủ nhiệm Ủy ban Lê Tấn Tới cho biết, trước đây, Bộ Công an đã 2 lần báo cáo Chính phủ xin phép thực hiện thí điểm đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số tự chọn (năm 1993) và đấu giá biển số xe (năm 2008) tại một số địa phương, nhưng còn vướng mắc về cơ sở pháp lý và quy trình, thủ tục nên chưa thực hiện rộng rãi.
Lần này, để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân; nâng cao hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tránh dư luận cho rằng có sự thiếu minh bạch, có hành vi trục lợi trong việc cấp biển số xe, nên Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.
Đại diện Bộ Công an cho biết, thực tế xã hội cho thấy nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu sở hữu những biển số theo sở thích, thường gọi là “biển số đẹp” tùy theo quan niệm và sẵn sàng trả giá cao đối với các biển số đó. Việc cấp quyền lựa chọn sử dụng “biển số đẹp” bằng hình thức đấu giá vừa đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu và cũng là tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Xuất phát từ nhu cầu của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép đấu giá và thu lệ phí cấp biển số tự chọn.
Từ năm 2017 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá. Tuy nhiên, Chính phủ thấy rằng việc đấu giá biển số ôtô nếu thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành sẽ gặp vướng mắc về pháp lý, khó đạt được hiệu quả cao, bởi vậy cần có những quy định mang tính đặc thù so với các quy định của pháp luật hiện hành.
Chính phủ thấy rằng việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá là hết sức cần thiết và đề xuất trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này với hình thức văn bản là Nghị quyết “thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá với các lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Đồng thời ông Khánh cũng cho rằng việc cấp quyền sử dụng biển số xe ôtô thông qua đấu giá sẽ đáp ứng ô nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân; nâng cao hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tránh dư luận cho rằng có sự thiếu minh bạch, có hành vi trục lợi trong việc cấp biển số xe, nhất là có nhiều xe ôtô giá trị cao, “xe sang” thường hay có “biển số đẹp”.
Một số nước cũng đã triển khai đấu giá biển số xe (Thái Lan, Malaysia, Singapore) hoặc tự chọn biển số xe theo sở thích (Mỹ, Nhật Bản, Myanmar). Tuy nhiên, việc cấp quyền sử dụng biển số xe ôtô thông qua đấu giá là chính sách mới, có nhiều đặc thù, khác với quy định của một số luật hiện hành, nên phải trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm là phù hợp.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết các quy định về xác định, lựa chọn các biển số xe đưa ra đấu giá; bước giá; trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe ôtô; quyền và nghĩa vụ của người tham gia đấu giá; trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan; trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản được Bộ Công an giao đấu giá biển số xe ôtô…
Liên quan đến loại biển số xe ôtô đưa ra đấu giá, một số ý kiến đề nghị mở rộng thí điểm đấu giá cả biển số xe ôtô nền vàng chữ đen (xe hoạt động kinh doanh vận tải) và mở rộng đấu giá cả biển số xe môtô, xe gắn máy để góp phần tăng ngân sách nhà nước, vì hiện nay số xe taxi công nghệ, xe môtô, xe gắn máy rất lớn. Ý kiến khác cho rằng, đối với loại hình xe hoạt động kinh doanh vận tải thì nhu cầu của người dân muốn sở hữu biển số đẹp, biển số theo sở thích là rất ít; đối với môtô, xe gắn máy là phương tiện giao…
Đa số các ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với quy định giao Bộ Công an lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản trong thời gian thực hiện thí điểm (tại khoản 2 Điều 2) để bảo đảm việc thực hiện được liên tục và thông suốt; hơn nữa, tài sản là biển số xe đưa ra đấu giá không cố định, mà tùy thuộc vào đăng ký của người dân, nên không chờ khi có tài sản đấu giá mới lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
Nhiều ý kiến thành với quy định về người tham gia đấu giá là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định thí điểm chỉ cá nhân được tham gia đấu giá; đề nghị chỉ được đăng ký đấu giá biển số tại nơi thường trú để đảm bảo công tác quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.
Theo Hải Nam
Link gốc: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/dau-gia-bien-so-oto-tranh-xe-sang-thuong-hay-co-bien-so-dep-d33183.html