Đằng sau việc EU ‘ngó lơ’ cho Pháp, Bỉ, Hy Lạp làm ăn với Nga

Theo báo New York Times, dù các lệnh trừng phạt của châu Âu chống lại Nga dài hàng trăm trang, nhưng một số nước thành viên hiện vẫn đang được “miễn trừ”.

0

Kể từ tháng 2, Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ định 1.236 cá nhân và 155 công ty Nga để trừng phạt bằng cách đóng băng tài sản và chặn quyền truy cập vào khối. EU thậm chí đã cấm buôn bán các sản phẩm Nga trong gần 1.000 danh mục và hàng trăm danh mục phụ khác. Khối đã đưa ra một lệnh cấm vận gần như hoàn toàn đối với dầu mỏ của Nga. Khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu của khối sang Nga và 2/3 hàng hóa nhập khẩu đã bị cấm.

Tuy nhiên, một số hàng hóa và lĩnh vực cho đến nay vẫn được miễn trừ một cách rõ ràng. Một số quốc gia thành viên EU đã kiên quyết bảo vệ các lĩnh vực mà họ cho là quá giá trị để không từ bỏ, dẫn đến việc EU phải đưa ra các thỏa hiệp nhằm duy trì sự đồng thuận của khối.

Người Bỉ đã bảo vệ việc buôn bán kim cương của Nga. Người Hy Lạp vận chuyển dầu của Nga mà không bị cản trở. Pháp và một số quốc gia khác vẫn nhập khẩu uranium Nga để sản xuất điện hạt nhân.

Báo New York Times nhận định rằng khó có thể đánh giá tác động thực sự của những biện pháp miễn trừ này đối với hiệu quả của các hình phạt châu Âu áp dụng với Nga, nhưng về mặt chính trị, chúng đã cho phép 27 thành viên của khối tập hợp một chế độ trừng phạt rộng lớn khác với tốc độ và sự nhất trí đặc biệt.

“Cuối cùng, đây là cái giá của sự nhất trí để cùng nhau giữ vững liên minh này, và trong một kế hoạch tốt hơn, các biện pháp trừng phạt đang thực sự phát huy tác dụng. Bằng chứng là việc Nga giảm khả năng tiếp cận công nghệ quân sự”, Jacob Kirkegaard, một thành viên cấp cao tại văn phòng Brussels của nhóm nghiên cứu Quỹ Marshall của Đức, cho biết.

Về phần mình, chính phủ Ukraine đã phản đối các trường hợp miễn trừ, trong đó Tổng thống Volodymyr Zelensky chỉ trích các quốc gia châu Âu tiếp tục cho phép kinh doanh với Nga.

“Những viên kim cương được bán ở Antwerp (Bỉ) còn quan trọng hơn cuộc chiến mà chúng tôi đang tiến hành? Hòa bình có giá trị hơn nhiều kim cương”, ông Zelensky nói trước Quốc hội Bỉ trong một bài phát biểu trực tuyến cuối tháng 3.

Tuy nhiên, chính phủ Bỉ cho biết họ chưa bao giờ yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan hành pháp soạn thảo các biện pháp, loại bỏ kim cương khỏi bất kỳ danh sách trừng phạt nào, và nếu kim cương được thêm vào danh sách, Bỉ sẽ thực hiện nghiêm túc.

Theo New York Times, Alrosa – công ty kim cương quốc doanh của Nga bằng “một cách thần kỳ” vẫn được chấp thuận xuất khẩu kim cương sang châu Âu bất chấp việc Ba Lan và một số nước cứng rắn thân Ukraine đã ra sức ngăn cản.

Trong các đề xuất về một vòng trừng phạt mới, thứ 9, được Ba Lan và các đồng minh trình bày vào tuần trước, kim cương một lần nữa được đưa vào, nhưng các cuộc đàm phán chính thức về bộ hình phạt mới vẫn chưa bắt đầu.

Bên cạnh đó, hầu hết các trường hợp miễn trừ khác không được rõ ràng như kim cương vì chúng liên quan đến các ngành công nghiệp hoặc dịch vụ phức tạp hơn, hoặc ảnh hưởng đến nhiều quốc gia. Uranium xuất khẩu từ Nga để sử dụng trong sản xuất điện hạt nhân dân dụng thuộc loại này. Các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp, Hungary, Slovakia, Phần Lan và các nước khác phụ thuộc vào xuất khẩu uranium dân dụng của Nga.

Đức và các nước EU khác đã ủng hộ lời kêu gọi cấm nhập khẩu uranium dân sự từ Nga, khiến vấn đề này có khả năng trở thành một chủ đề trong vòng đàm phán trừng phạt tiếp theo. Vào tháng 8, Tổng thống Zelensky cũng đã chỉ trích đối với các hoạt động xuất khẩu uranium của Nga sang châu Âu.

Song, một số quốc gia châu Âu vẫn đang ủng hộ việc duy trì hoạt động xuất khẩu uranium của Nga như Pháp đã lập luận rằng khả năng sản xuất điện bằng cách vận hành các nhà máy điện hạt nhân là rất cấp bách khi nhiều nước đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng, và nó quan trọng hơn lợi ích chính trị.

Đáng chú ý, một trong những nỗ lực vận động hành lang để lách các lệnh trừng phạt Moscow là nỗ lực do các nhà ngoại giao Hy Lạp đưa ra nhằm cho phép các tàu Hy Lạp vận chuyển dầu Nga đến những nơi không thuộc châu Âu. Ước tính, hơn một nửa số tàu vận chuyển dầu của Nga thuộc sở hữu của Hy Lạp. Athens có được sự “miễn trừ” này trong một vòng đàm phán khó khăn với các nhà ngoại giao châu Âu vào tháng 5 – 6 vừa qua.

EU hiện theo đuổi một ý tưởng do Mỹ gợi ý là tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển dầu của Nga, nhằm ngăn chặn cuộc suy thoái thị trường dầu toàn cầu, nhưng với mức giá giới hạn để hạn chế doanh thu của Nga.

Từ góc độ chính trị, việc tiếp tục bảo hộ một số hàng hóa và ngành công nghiệp đang tạo ra tiền lệ xấu cũng như gây mâu thuẫn giữa chính các thành viên EU. Các nước EU vốn sẵn sàng chịu thiệt thông qua các lệnh trừng phạt để hỗ trợ Ukraine đều cảm thấy quan ngại về việc một số thành viên khác trong khối tiếp tục kiên quyết bảo vệ lợi ích của chính họ. Sự chia rẽ này làm sâu sắc thêm cảm giác mất kết nối giữa những quốc gia ủng hộ Ukraine trong EU.

Theo Hoàng Vũ

Link gốc: https://1thegioi.vn/dang-sau-viec-eu-ngo-lo-cho-phap-bi-hy-lap-lam-an-voi-nga-188463.html