‘Đã đề xuất cơ chế xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và ngân hàng SCB’

Báo cáo của Chính phủ cho biết đã phê duyệt và chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém và ngân hàng SCB.

0

Ngày 3/1, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; tình hình và kết quả kinh tế-xã hội năm 2022; phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh.

Theo đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết năm 2022 đã giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng trong nhiều năm qua. Chẳng hạn, Thủ tướng đã phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021 – 2025, trong đó hoàn thiện khung khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng…

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối tháng 10, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,92%, nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu so với tổng dư nợ là 4,5%.

Trong năm qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt và chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025; đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém và ngân hàng SCB; tăng cường thanh tra, giám sát, có biện pháp quyết liệt để bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý 8/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả như Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú, Sông Hậu 1, cụm dự án khí điện Lô B – Ô Môn, dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM, chủ trương phá sản SBIC, tái cơ cấu Ngân hàng phát triển Việt Nam…

Chính phủ cũng đã trình Bộ Chính trị phương án xử lý đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố; báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước cho các dự án VEC, VIDIFI…

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tập trung chấn chỉnh, xử lý sai phạm, tháo gỡ vướng mắc cho các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; thúc đẩy phát triển thị trường lao động.

Ngoài ra, Chính phủ cũng tập trung sửa đổi Luật Đất đai trình Quốc hội; giải quyết kịp thời các bất cập, điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực đất đai, tài nguyên cho phát triển; tích cực triển khai Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất quốc gia; hướng dẫn thực hiện các cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu đất đắp nền đường cho dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía đông; kết nối dữ liệu đất đai và dữ liệu quốc gia về dân cư…

Trong năm 2023, Chính phủ cho biết sẽ tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài đã được Bộ Chính trị cho chủ trương (6 tổ chức tín dụng yếu kém, 8 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam…); tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phương án xử lý đối với 4 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến.

Theo Tuệ Lâm

Link gốc: https://vietnamfinance.vn/da-de-xuat-co-che-xu-ly-cac-to-chuc-tin-dung-yeu-kem-va-ngan-hang-scb-20180504224279441.htm