Cục trưởng CSGT: Sẽ có hệ thống giám sát giao thông 24/7, vi phạm được báo trong 2 giờ

Những vi phạm có thể quan sát bằng mắt thường, tới đây sẽ có hệ thống giám sát đảm nhiệm, đảm bảo khách quan 24/7. Mục tiêu không phải để xử lý, mà tạo tư duy cho người dân: chấp hành để bảo vệ chính mình.

0
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình – cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông – Ảnh: HỒNG QUANG

Khi mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đi vào vận hành, chúng ta cũng đang bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đồng thời, 4 nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị ban hành sẽ là những trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước tiến lên, đòi hỏi lực lượng cảnh sát giao thông cần góp phần tham gia; đảm bảo an toàn, thông suốt “mạch máu” của nền kinh tế.

3 mục tiêu cơ bản – lấy con người làm trung tâm

6 tháng đầu năm 2025, tai nạn giao thông trên toàn quốc giảm cả 3 tiêu chí. Chỉ số an toàn giao thông được tính theo quy định mới, cho thấy nhiều địa phương đã làm tốt. Với sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, tư duy và trách nhiệm của cảnh sát giao thông thời gian tới sẽ phải đáp ứng 3 mục tiêu.

Thứ nhất, phấn đấu giảm tai nạn bền vững. Đây là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo an toàn cho người dân.

Thứ hai, xây dựng lực lượng vững mạnh bước vào giai đoạn mới. Đặc biệt khi mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đi vào vận hành.

Thứ ba, tham mưu để phát triển hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế vận tải, đảm bảo cân đối, hài hòa giữa các loại hình vận tải.

Để làm được những điều đó, ý thức tham gia giao thông – vốn là một bộ phận của ý thức xã hội – cần phải có sự thay đổi. Cần xác định con người là yếu tố quan trọng nhất, là chủ thể để xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông.

Theo các con số thống kê, hiện nay ở Việt Nam, tai nạn trên cao tốc chủ yếu do không giữ khoảng cách, dẫn tới đâm từ phía sau. Nhưng ở trên các tuyến đường bộ khác, cơ bản là đâm trực diện.

Đối với ô tô, nguyên nhân chủ yếu là xe phía sau buộc phải chiếm phần đường của xe đối diện để vượt. Điều này phần nào cho thấy văn hóa nhường đường của chúng ta chưa thật sự phổ biến.

Hiện nay, trách nhiệm của người lái xe để bảo vệ chính họ cũng đặt ra nhiều vấn đề, ngay cả đối với xe kinh doanh vận tải – vốn là loại hình kinh doanh có điều kiện, có giám sát và quản lý. Nguyên nhân của việc này do ý thức của lái xe hay do áp lực công việc, cảnh sát giao thông tới đây sẽ phải nghiên cứu rõ ràng, trả lời sòng phẳng và có giải pháp căn cơ từ gốc.

Còn đối với xe máy – loại hình phương tiện đang chiếm khoảng 60% số vụ tai nạn, đang đặt ra bài toán về nâng cao kỹ năng cho người lái. Tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa, kiến thức về lái xe an toàn, xử lý tình huống khi có sự cố… chưa thật sự được chú trọng.

Phát triển hạ tầng với tầm nhìn xa, cân bằng các loại hình vận tải

cảnh sát giao thông - Ảnh 2.

Phát triển vận tải công cộng là một trong những định hướng giúp kéo giảm ùn tắc – Ảnh: HỒNG QUANG

Vấn đề ùn tắc giao thông cũng đặt ra yêu cầu cần từ khâu quy hoạch, sắp xếp dân cư tới phân làn trên các tuyến đường. Khi triển khai cần rõ căn cứ, có phân tích để dư luận hiểu và đồng tình. Kèm theo đó phải đầy đủ cơ sở vật chất như camera giám sát, biển báo để cảnh sát giao thông không cần phải đứng để chỉ dẫn từng xe, chấm dứt tình trạng giao thông hỗn hợp.

Về hạ tầng, nguyên tắc lòng đường là dành cho xe đi lại, nhưng tại Hà Nội và TP.HCM đang rất thiếu hạ tầng cho giao thông tĩnh, bãi đỗ xe… Trong khi đó, vỉa hè lại không còn là nơi dành riêng cho người đi bộ. Một bộ phận người kinh doanh đang biến vỉa hè từ cái chung thành cái riêng.

Do đó, cảnh sát giao thông cần tham mưu sao cho việc phát triển và quản lý hạ tầng có tầm nhìn lâu dài, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm thời gian lưu thông, đảm bảo an toàn, tạo nên nguồn lực của nền kinh tế.

Theo khảo sát mới đây nhất, một xe chở hàng từ Tiền Giang tới biên giới phía Bắc giao hàng rồi quay về bằng đường bộ mất 12 ngày. Nếu chúng ta phát triển các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường thủy… chắc chắn sẽ giúp nâng cao năng lực vận tải, giảm thời gian, chi phí logistics và giảm nguy cơ tai nạn giao thông.

“Cạnh tranh” về chất lượng phục vụ người dân

cảnh sát giao thông - Ảnh 3.

Lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ – Ảnh: HỒNG QUANG

Trong xây dựng lực lượng cảnh sát giao thông, cần quyết tâm và huy động nguồn lực nhằm phát triển trang thiết bị và khoa học công nghệ. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi trí tuệ nhân tạo đang phát triển theo từng giờ.

Đối với những việc xã hội còn nghi ngờ, chúng tôi sẽ tập trung giải quyết với tư duy phục vụ nhân dân. Khi xử lý vi phạm phải đảm bảo nghiêm minh, toàn diện, sử dụng trang thiết bị kỹ thuật thay cho thủ công.

Hệ thống giám sát, quản lý kinh doanh vận tải tới đây sẽ hoạt động 24/24h, để bảo vệ chính người tham gia giao thông. Cần xác định việc xử phạt không phải là chính; để người dân thấy rằng việc chấp hành để bảo vệ chính mình, không còn mang tính miễn cưỡng.

Cảnh sát giao thông phấn đấu hạn chế tối đa việc sử dụng con người, chỉ sử dụng con người trong những việc thật sự cần thiết, giải quyết tình huống. Ngay cả khi có sự việc cảnh sát giao thông ứng xử không đúng với tinh thần phục vụ nhân dân, chúng tôi luôn có quan điểm ngay và phải xử lý nghiêm.

Đồng thời, tất cả vi phạm được phát hiện qua hệ thống giám sát thuộc thẩm quyền của Cục Cảnh sát giao thông sẽ được thông tin nhanh nhất tới người vi phạm – tối đa không quá 2 tiếng.

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, vùng đăng ký xe như trước đây đã được xóa bỏ. Thay vào đó, người dân có thể tới công an cấp xã hoặc phòng cảnh sát giao thông để đăng ký. Lực lượng cảnh sát giao thông phải “cạnh tranh” để người dân đánh giá xem đơn vị nào sẽ phục vụ người dân tốt hơn.

Đồng thời, cần tiến tới tất cả những giấy tờ cấp cho người dân sẽ có bản điện tử. Khi kiểm soát, cảnh sát giao thông sẽ không được hỏi các loại giấy tờ của người dân mà chỉ kiểm tra họ là ai, từ đó đối chứng trong hệ thống dữ liệu về giấy phép lái xe, chủ của xe, điều kiện hoạt động, thời hạn đăng kiểm…

Như vậy sẽ loại trừ toàn bộ các nguy cơ giấy tờ giả.

Để làm được điều đó, hệ thống dữ liệu sẽ đảm bảo đầy đủ nhất, quản lý toàn diện để phục vụ và đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Tới đây, trung tâm dữ liệu, giám sát và điều khiển giao thông của Cục Cảnh sát giao thông sẽ hoạt động 24/7.

Chúng tôi đặt mục tiêu nơi đây sẽ giống như “khoa cấp cứu của các bệnh viện”. Những vi phạm có thể quan sát bằng mắt thường tới đây sẽ có hệ thống giám sát đảm nhiệm, đảm bảo khách quan 24/7. Mục tiêu không phải để xử lý, mà tạo tư duy cho người dân: chấp hành để bảo vệ chính mình.

THIẾU TƯỚNG ĐỖ THANH BÌNH – CỤC TRƯỞNG CỤC CẢNH SÁT GIAO THÔNG

Nguồn: tuoitre.vn