Công ty CP Nông công nghiệp 3/2 tiếp tục xin tăng vốn điều lệ

Vì sao Công ty Cổ phần Nông công nghiệp 3/2, huyện Qùy Hợp (Nghệ An) liên tục xin tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu mặc dù UBND tỉnh đã từ chối?

0

Sản xuất kinh doanh doanh “kém vui”, UBND tỉnh Nghệ An từ chối tăng vốn điều lệ

Qua tìm hiểu của PV, tháng 10/2018, Công ty TNHH Nông Công nghiệp 3/2 được chuyển đổi thành công ty cổ phần, có địa chỉ tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Nông Công nghiệp 3/2 là gần 15,99 tỷ đồng. Trong đó cổ đông nhà nước chiếm 34,76% vốn điều lệ. Tổng công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An chiếm 25% vốn điều lệ, số còn lại chủ yếu là người lao động Công ty. Giám đốc Công ty là ông Nguyễn Nam Thuyên, Chủ tịch HĐQT là ông Trương Văn Hiền. Ông Trương Văn Hiền cũng là chủ tịch HĐQT của Tổng công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An.

Trụ sở Công ty.

Số liệu kinh doanh các năm gần đây cho thấy, Công ty đang trong tình trạng thua lỗ và gặp rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Công ty, đến đầu năm 2024 Công ty vẫn đang còn số lỗ lũy kế là 1.011.287.000 đồng.

Trước đó, năm 2022 Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cũng đã ký tờ trình, đề nghị Đại hội cổ đông biểu quyết thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 15,99 tỷ đồng tăng lên 26,08 tỷ đồng. Cụ thể, ngày 10/5/2022, người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty gửi văn bản số 25/2022/TT-CT3/2 đến UBND tỉnh, xin ý kiến về việc phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ Công ty.

Sau khi xem xét, ngày 17/6/2022 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản số 1442/UBND-KT, giao người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty biểu quyết không đồng ý việc phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ.

Nguyên nhân được chỉ ra là người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc xây dựng phương án tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm cổ phần; Hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty từ khi chuyển sang công ty cổ phần đến nay chưa có; Số tiền vốn điều lệ tăng lên cơ bản Công ty dùng để thanh toán các khoản chi phí tiền vay, lãi vay liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản của Công ty, đồng thời xây dựng xưởng gỗ bóc (không phải là ngành nghề hoạt động chính của Công ty và Công ty không có nguồn nguyên liệu ổn định…). Đây là phương án không hiệu quả trong việc huy động vốn của các cổ đông để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Vì sao Công ty Cổ phần Nông công nghiệp 3/2, huyện Qùy Hợp (Nghệ An) liên tục xin tăng vốn điều lệ

Mặc dù UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc không đồng tình với phương án tăng vốn điều lệ của Công ty, đặc biệt trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty vẫn đang còn thua lỗ. Nhưng đến đầu tháng 1/2024, ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty lại tiếp tục ký tờ trình, đề nghị Đại hội cổ đông biểu quyết đồng ý chủ trương tăng vốn điều lệ, bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Đây là lần thứ hai Công ty đề nghị tăng vốn điều lệ thông qua hình thức phát hành cổ phiếu. Phương án tăng vốn điều lệ lần này cơ bản vẫn như năm 2022.

Chưa bàn đến việc người đại diện phần vốn nhà nước đã thực hiện đúng quy định của pháp luật khi xây dựng phương án tăng vốn điều lệ hay chưa thì vấn đề đặt ra là: Tất cả đều hiểu rằng, khi Công ty tăng vốn điều lệ thì UBND tỉnh không được sử dụng ngân sách để mua cổ phần tăng vốn điều lệ cho Công ty (vì theo khoản 2, điều 12 Nghị định 91/2015/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP thì Công ty CP Nông Công nghiệp 3/2 không hoạt động trong các ngành, lĩnh vực được Nhà nước đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần). Hơn nữa, đứng trước một phương án tăng vốn mà mục đích chính là sử dụng để trả các khoản nợ, thì bất kỳ cổ đông nào của Công ty cũng biết rõ là không hiệu quả về mặt đầu tư tài chính. Vậy thì mục đích gì để Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty liên tục ký tờ trình đề nghị tăng vốn điều lệ thông qua hình thức phát hành cổ phiếu?

Không những thế, Công ty còn có tờ trình trình Đại hội cổ đông về việc sửa đổi điều lệ để tăng số lượng thành viên Hội đồng quản trị từ 3 người lên 5 người. Với những lý do rất không liên quan là “không có Phó chủ tịch HĐQT nên việc duy trì họp định kỳ khó khăn, ít có ý kiến đóng góp xây dựng mang tính sáng tạo, ít ý kiến mang tính đột phá”.

Vậy phải chăng việc Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty liên tục ký tờ trình đề nghị tăng vốn điều lệ là kịch bản của một, hoặc một nhóm cổ đông nào đó, nhằm mục đích thâu tóm Công ty? Bởi lẽ, khi các cổ đông hiện hữu không góp thêm vốn (trong đó có cổ đông nhà nước là UBND tỉnh Nghệ An), thì số cổ phiếu phát hành thêm sẽ được bán cho các cổ đông khác và đương nhiên những cổ đông mua cổ phiếu phát hành sẽ tăng tỷ lệ % vốn điều lệ. Khi đó tỉ lệ vốn nhà nước trong Công ty sẽ giảm xuống (từ 34,76% xuống chỉ còn xấp xỉ 24%), đồng nghĩa với vai trò cổ đông nhà nước cũng bị giảm xuống.

Nếu thành công, thì tại các cuộc họp Hội đồng quản trị, tất cả những nội dung do cổ đông lớn này đưa ra sẽ được biểu quyết thông qua. Điều này đặc biệt nguy hiểm cho Công ty và ảnh hưởng đến vai trò cổ đông nhà nước ở Công ty.

Do đó, các cổ đông Công ty đang chờ đợi UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục có ý kiến chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty không được biểu quyết thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu và không sửa đổi Điều lệ để tăng số lượng thành viên HĐQT.

Tác giả: Ngọc Tuấn

Nguồn: taichinhdoanhnghiep.net.vn