Chuyện về ông Lê Hùng Dũng

Làm bóng đá khó tránh cảnh người yêu, kẻ ghét nhưng ít ai có thể phủ nhận nguyên Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng là một cá tính đặc sắc, giàu sức lôi cuốn.

0
Ông Lê Hùng Dũng gắn với giai đoạn nhiều biến động của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Hữu Phạm

Ông gắn bó với một thời nhiều biến động của bóng đá Việt Nam. Hoặc nói bóng đá Việt Nam trở nên nhiều màu sắc vì những cá tính như ông có lẽ cũng không sai.

Bóng đá Việt Nam trước đây có lúc ồn ào chuyện gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển. Cũng đã có lúc HLV Henrique Calisto từng gọi một số cầu thủ như Huỳnh Kesley Alves, thủ môn Santos… lên tuyển, nhưng chỉ dừng lại ở các trận giao hữu, tập huấn. VFF thường úp mở về chuyện này, nhưng một hôm gọi điện hỏi ông Lê Hùng Dũng, khi đó đang làm Phó chủ tịch, thì ông Dũng nói thẳng: “Một người rất có tiếng nói bảo với tôi, chừng nào Mã với Thái dùng cầu thủ nhập tịch thì Việt Nam dùng”. Tranh luận thế là dừng lại.

Nắm quyền ở cả 2 đơn vị kinh doanh lớn là ngân hàng Eximbank và Cty vàng bạc đá quý SJC, ông Lê Hùng Dũng có lợi thế để duy trì vị thế của mình ở VFF trên cương vị Phó chủ tịch phụ trách tài chính. Tiếng nói của ông có lúc được đánh giá có sức nặng hơn cả nguyên Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ. Báo chí thích ông Dũng, vì các phát ngôn của ông “thẳng tưng”, có lúc va chạm tới nhiều người, là “chất liệu” hấp dẫn cho các bài viết. Ở góc độ này, nói ông Dũng hiểu báo chí có lẽ cũng không sai.

Như trước thềm SEA Games 2009, VFF có lúc ồn ào khi ông Dũng tuyên bố U23 Việt Nam do HLV Calisto dẫn dắt “không vô địch cũng vứt”. Ông Calisto được cho là rất không hài lòng vì tuyên bố trên của ông Dũng. Ông cũng công khai chê các HLV nội, giữ quan điểm đội tuyển Việt Nam phải do HLV ngoại đảm nhiệm.

Thực tế ông Lê Hùng Dũng là người có công lớn trong việc đàm phán gia hạn hợp đồng với HLV Henrique Calisto sau thời điểm năm 2008. Chức vô địch AFF Cup tạo nên vị thế cho ông Calisto trong cuộc đàm phán với VFF. Làm thế nào để giữ chân nhà cầm quân Bồ Đào Nha nhưng không phải “phá két” VFF dưới sức ép của giới hâm mộ là bài toán không dễ giải. Báo chí chỉ biết kết quả sau khi mọi thứ được chính thức xác nhận, nhưng một hôm trò chuyện riêng, ông Dũng chia sẻ, bằng vào ngôn ngữ cơ thể của HLV Calisto trong khi đàm phán, ông biết ông Calisto chắc chắn sẽ đồng ý.

Có hôm ngồi cà phê, ăn sáng với ông Dũng và một quan chức VFF vốn gọi ông là “chú” ở khách sạn Crown (Hà Nội). Ông Dũng yêu cầu làm quyết định phân công nhiệm vụ cho một lãnh đạo VFF khác trong Thường trực thì được báo cáo “cái này không có trong điều lệ”. Trao đổi qua lại một hồi, ông Dũng gắt:

– Tao là điều lệ này! Mày nghe tao hay nghe điều lệ?

TTK Lê Hoài Anh kể, năm 2014 được ông Lê Hùng Dũng đề cử vào vị trí hiện tại đã rất bất ngờ. Lý do vì ông Dũng được cho là không thích phụ thân ông Lê Hoài Anh. Hỏi thì ông Dũng bảo “Tao và ba mày không thích nhau nhưng tao thấy mày “chơi được” nên tao giới thiệu thôi”.

Cái chất “tay chơi” Nam bộ của ông Lê Hùng Dũng thế nên người yêu lắm, mà kẻ không thích cũng nhiều. Nhưng đã chơi với ai thì ông rất tin, và sẵn sàng chia sẻ nhiều chuyện. Ai chơi lâu mới biết ông Dũng bộc trực, tính là quyết nhưng cũng rất tình cảm, rõ ràng. Như khi thấy ông Dũng quát cấp dưới, góp ý nhẹ: “Anh ấy tư vấn cho anh là đúng trách nhiệm, anh không nghe thì thôi chứ”, ông lập tức thôi. Nhưng văn bản ra quyết định thì sau đó vẫn làm, có lẽ vì thời điểm trên ông là “điều lệ” ở VFF thật.

Năm 2014, bóng đá Việt Nam nổ ra vụ án bán độ ở The Vissai Ninh Bình, khiến 9 cầu thủ phải ra toà. Sau này nói chuyện riêng, ông Dũng mới cho biết VFF đã được Ninh Bình báo trước danh sách gồm 11 người. Đọc báo thấy thiếu 2, lạ quá ông mới gọi cho bầu Trường thì được nói, đại khái nửa đêm 2 cầu thủ kia đến khóc quá, sẵn cũng yêu thích nên ông Trường “thấy thương quá nên tha”.

Ông Dũng tạo nên nhiều đột phá về tài chính ở VFF, gây dựng được uy tín, quyền lực từ vị trí Phó chủ tịch tài chính. Có cái thành công, có cái chưa như việc đặt ra mục tiêu kiếm 400 tỷ tiền bản quyền truyền hình cho bóng đá Việt Nam. Nhưng khó ai phủ nhận dưới thời ông làm Chủ tịch, bóng đá Việt Nam mạnh tay hơn với vấn nạn bán độ. Định hướng tập trung cho đào tạo trẻ được đưa ra, bắt đầu gắn với lứa HAGL. Bầu Đức “cả đời không làm phó cho ai” nhưng chấp nhận làm Phó tài chính khi ông Dũng ngồi ghế Chủ tịch. Những thành công của bóng đá Việt Nam từ 2018 về sau, khó có thể nói không một phần nhờ vào những nền tảng trước đó.

Năm 2015, sau một cuộc họp VFF, đứng nói chuyện riêng với ông Dũng và một lãnh đạo VFF trẻ. Ông Dũng vỗ vai nói như con cháu trong nhà: “Tao làm tới đây rồi để lại cả cho thằng này!”. Ít lâu sau thì ông Dũng nghỉ vì bệnh, nhưng lên thay ông sau đó là Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải. Gần đây khi ông Lê Khánh Hải chuyển công tác, ghế Chủ tịch mới được trao cho quyền Chủ tịch Trần Quốc Tuấn.

Những năm cuối đời, ông Dũng gặp bệnh. Dăm lần vào Sài Gòn hẹn gặp, có lần ông đồng ý thì khi vào ông lại đang ở nước ngoài điều trị. Lần khác ông tế nhị từ chối, trong câu chuyện cảm thấy sức khoẻ ông đã yếu đi nhiều. Vì bệnh nên ông không muốn tiếp xúc với nhiều người. Bóng đá Việt Nam hôm nay đã chia tay một cá tính nhiều màu sắc, có sức lôi cuốn, gắn với một giai đoạn nhiều biến động.

Theo Nguyễn Phong/Báo Tiền phong

Link gốc: https://tienphong.vn/chuyen-ve-ong-le-hung-dung-post1446866.tpo