Chứng khoán phản ứng mạnh với thông tin tiêu cực

Một tuần giao dịch đã qua đi với khá nhiều các tin tức trong nước về việc bắt giữ lãnh đạo doanh nghiệp, cùng với những tin đồn được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, khiến áp lực bán gia tăng tại khắp các nhóm ngành và chỉ số chính bị đẩy về mốc 1.482 điểm.

0

 

Empty
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 995 tỷ đồng trong tuần qua. Ảnh Trọng Hiếu

Thông tin tiêu cực từ việc Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt vì liên quan đến sai phạm trong việc phát hành khối trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng đã ảnh hưởng khá xấu đến tâm lý nhà đầu tư trong tuần qua.

Cụ thể, thị trường mở cửa phiên thứ hai đầu tuần (4/4) khá tích cực, tuy nhiên những tin tức trên thị trường sau đó tiếp tục làm tâm lý nhà đầu tư suy yếu dẫn đến áp lực bán tăng mạnh trong hai phiên cuối tuần. Tính chung tuần giao dịch, VN-Index giảm 34,44 điểm (-2,27%) về mức 1.482, còn HNX-Index giảm 4,86% về mức 432,02.

Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE đạt hơn 763 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 2,95% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 90 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 32% so với tuần giao dịch trước.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 995 tỷ đồng trên cả hai sàn, trong đó, khối ngoại bán ròng hơn 937 tỷ đồng trên sàn HoSE và bán ròng gần 58 tỷ đồng trên sàn HNX.

Gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều đi xuống trong tuần qua, trong đó nhóm công nghiệp giảm mạnh nhất với 5,3% giá trị vốn hóa, do sự sụt giảm của một số trụ cột như CTR (-2,9%), GEX (-13,4%), BMP (-5,4%), SCG (-2,2%)… Tiếp theo là nhóm dịch vụ tiêu dùng với mức giảm 3,2% vốn hóa, với các mã thuộc ngành bán lẻ như MWG (-3,8%), DGW (-6,7%), FRT (-3%)… Nhóm hàng tiêu dùng cũng giảm 2,6% với VNM (-5,4%), SAB (-0,7%), BHN (-2%)… Ngành tài chính giảm 2,7% giá trị, do các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm đều bị bán và giảm tương đối mạnh.

Cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng cũng giảm 2% vốn hóa tạo thêm áp lực lên các chỉ số với BID (-5,5%), CTG (-3%), STB (-3,7%), TCB (-2,9%), SHB (-9,5%)… Cổ phiếu nguyên vật liệu giảm 1,5% giá trị khi các mã thép và hóa chất đồng loạt điều chỉnh. Ngành công nghệ thông tin giảm 2,3% và tiện ích cộng đồng giảm nhẹ 0,2%. Ở chiều ngược lại, chỉ có dầu khí là tăng nhẹ 0,2%.

Xét theo từng mã cổ phiếu, BID, VNM, DIG và SHB là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index. Ở chiều ngược lại, NVL, HPG, MSN và GVR là những mã có tác động tích cực nhất.

SHS phân tích thêm, sau ba tuần tăng điểm liên tiếp thì cuối cùng thị trường đã điều chỉnh trở lại trong tuần qua. VN-Index đã thất bại trước ngưỡng kháng cự 1.530 điểm ngay trong phiên đầu tuần. Tiếp sau đó là liên tiếp những tin tức tiêu cực xuất hiện trên thị trường đã khiến cho tâm lý nhà đầu tư nhanh chóng suy yếu dẫn đến áp lực bán gia tăng mạnh, nhất là trong hai phiên cuối tuần khiến thị trường điều chỉnh khá mạnh (-2,3%).

Trên góc độ kỹ thuật, VN-Index đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.500 điểm và ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 1.490 điểm khiến cho xu hướng tăng bị suy yếu. Do đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 11-15/4, SHS dự báo VN-Index có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1.425-1.450 điểm (đáy tháng 3/2022) để tìm kiếm lực cầu bắt đáy.

Trong kịch bản tích cực, SHS cho rằng nếu lực cầu trong vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm đủ tốt thì thị trường có thể sớm hồi phục trở lại. Các nhà đầu tư đã tiến hành mua vào khi thị trường test vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm trong phiên 14/3 và 15/3 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và cân nhắc gia tăng tỷ trọng nếu thị trường chỉnh về vùng hỗ trợ trên.

VCBS đánh giá rằng rực cầu bắt đáy trong tuần vừa qua tuy vẫn có nhưng là không đủ để giúp VN-Index đi ngược lại xu hướng chung trên thế giới. Trong tuần tới, công ty này kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn – vốn đã có mức giá chiết khấu khá sâu sau tuần vừa rồi. Với diễn biến như vậy, nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng ngắn hạn có thể giải ngân với tỷ trọng nhỏ vào nhóm cổ phiếu “trụ” dẫn dắt thị trường, trong khi đó nhà đầu tư trung – dài hạn vẫn nên chờ đợi thời điểm mặt bằng giá thị trường ổn định hơn rồi mới nên cân nhắc tiến hành giải ngân.

Ở góc nhìn tích cực, SSI cho rằng việc khối lượng giao dịch liên tục sụt giảm là tín hiệu cho thấy thị trường chưa quá tiêu cực. Vì vậy, sau khi xuyên thủng vùng hỗ trợ tâm lý 1.500 điểm, chỉ số VN-Index đang được hỗ trợ quanh vùng 1.470 điểm và hỗ trợ mạnh nằm tại vùng 1.440 – 1.425 điểm.

Về phần mình, MBS khuyến nghị nhà đầu tư không nên bắt đáy đối với nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ và cần ưu tiên quản trị danh mục. Thông thường, sau các phiên giảm sâu như phiên cuối tuần, thị trường sẽ có các phiên hồi kỹ thuật, nhà đầu tư có thể tận dụng để cơ cấu lại danh mục khi dòng tiền đang có sự chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 cũng như nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản đã có sự tích lũy trong thời gian vừa qua.

(Theo khánh An/NĐT)

Link gốc: https://nhadautu.vn/chung-khoan-phan-ung-manh-voi-thong-tin-tieu-cuc-d65164.html