Chủ tịch Quốc hội thông tin mới dự kiến kỳ họp bất thường để sửa hàng trăm luật

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý khối lượng công việc năm 2025 rất lớn, và trước mắt cần dồn sức cho kỳ họp bất thường dự kiến vào tháng 2-202

0
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Ảnh: GIA HÂN

Sáng 6-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 41. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ đây là phiên họp đầu tiên của năm 2025.

Xem xét, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng

Theo ông Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp gần 2 ngày với các nội dung.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với 4 dự luật gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc thực hiện dân chủ trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của HĐND các cấp (quy định chi tiết khoản 2 điều 84 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở).

Cùng với đó, cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.

Xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12-2024.

Khoảng 4.922 văn bản, nghị định, thông tư liên quan đến sắp xếp bộ máy

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV vào cuối tháng 2-2025.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần kỳ họp thứ tám, bám sát tư duy đổi mới trong xây dựng pháp luật về việc chỉ quy định trong luật các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Bảo đảm thực hiện có hiệu quả quy định 178/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, khối lượng công việc năm 2025 rất lớn, trước mắt cần dồn sức cho kỳ họp bất thường.

Theo đó, kỳ họp này không tính thời gian mà làm sao phải hoàn thành, thông qua các nghị quyết phục vụ cho việc tổng kết nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả trong thời gian tới.

Ông nhấn mạnh đây là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như Bộ Chính trị. “Chúng ta không thể nói chỉ họp trong 2 hay 3 ngày, mà nội dung về sắp xếp tổ chức bộ máy chúng ta phải làm ngay”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cho biết liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Quốc hội phải sửa các Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và có thể là gần 300 luật liên quan đến chuyên ngành và liên quan đến tổ chức.

Bộ Tư pháp đã tổng kết có khoảng 4.922 văn bản, nghị định, thông tư liên quan đến điều chỉnh, sắp xếp bộ máy hành chính. Đây là khối lượng công việc hết sức lớn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ chủ động mọi công việc để trình các nội dung theo chương trình, trên tinh thần “đúng vai, thuộc bài” như tổ chức diễn đàn Quốc hội, có thể tổ chức thêm hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách…

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết đã thống nhất cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính, cơ quan soạn thảo phải tham gia từ đầu đến cuối, chứ không phải chỉ tham gia 50% rồi đưa qua cho Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội thẩm tra.

Từ câu từ, chữ nghĩa, cơ quan soạn thảo phải chịu trách nhiệm thì luật mới có chất lượng, có tuổi thọ lâu dài.

Từ bài học kinh nghiệm kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV thông qua 18 dự án luật trong một kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rút kinh nghiệm nghiêm túc về đảm bảo thời gian trình các dự án luật, dự thảo nghị quyết để cho ý kiến và trình ra Quốc hội nghiên cứu, thảo luận.

Tác giả: Thành Chung

Nguồn: tuoitre.vn