Cho thuê tài khoản tiếp tay cho đối tượng lừa đảo trên không gian mạng

Sau khi khống chế tâm lý nạn nhân, các đối tượng lừa đảo yêu cầu bị hại chuyển hàng tỷ đồng vào các tài khoản chúng đưa ra. Sau đó, các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng đã thu mua từ Việt Nam để luân chuyển tiền qua nhiều tài khoản nhằm chiếm đoạt. Cơ quan công an khuyến cáo người dân cho thuê tài khoản ngân hàng là tiếp tay tội phạm lừa đảo công nghệ cao.

Ngày 22/5 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Hoàng Văn Nghĩa (sinh năm 1989, trú tại phố Giữa, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, Cao Bằng) về tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” quy định tại Điều 291 Bộ Luật hình sự.

Theo tài liệu điều tra, khoảng tháng 5/2022, Nghĩa được một người phụ nữ có tên là Sofia, tên tiếng Việt là Ngọc hiện đang sinh sống và làm việc tại Philipines liên lạc với Nghĩa qua ứng dụng Telegram, nhờ mở một số tài khoản ngân hàng và sẽ trả tiền công 100 USD/tài khoản/tháng.

Đối tượng Hoàng Văn Nghĩa tại cơ quan công an 

Thấy số tiền hấp dẫn lại dễ kiếm, Nghĩa đã đồng ý và thực hiện theo hướng dẫn của Ngọc, đăng ký tài khoản tại các ngân hàng trong nước. Đồng thời tiến hành trao đổi với Ngọc qua nhóm “Nhóm A” trên ứng dụng Telegram để được hướng dẫn kích hoạt, thực hiện.

Sau khoảng 2 tháng thực hiện, thấy Ngọc trả tiền đúng như thỏa thuận, Nghĩa tiếp tục sử dụng tên, giấy tờ của những người thân trong gia đình, anh em, họ hàng, bạn bè khu vực huyện Hòa An và tỉnh Bắc Kạn mua thêm Sim, mở thêm tài khoản ngân hàng để hưởng lợi tiền hàng tháng từ Ngọc.

Khi bị đưa về cơ quan công an, Hoàng Văn Nghĩa khai nhận, từ khi bắt đầu cho thuê tài khoản đến nay, đối tượng này đã thuê, thu mua trên 50 tài khoản của những người thân quen sinh sống tại Cao Bằng, Bắc Kạn và sử dụng trên 100 tài khoản khác nhau. Sau khi trừ tiền thuê tài khoản, hàng tháng Ngọc chi trả cho Nghĩa từ 60 – 70 triệu đồng.

Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, các trinh sát của Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Cao Bằng đã kiểm tra thông tin phần mềm máy tính, tạm giữ các đồ vật, tài liệu: 2 bộ máy vi tính; 123 sim, vỏ sim điện thoại; 58 thẻ ATM; 16 điện thoại; 1 máy tính bảng được Nghĩa sử dụng vào mục đích gắn Sim nhận mã OTP và chuyển mã này cho các đối tượng nước ngoài; hơn 100 triệu đồng và nhiều đồ vật, trang sức kim loại màu vàng, bạc.

Với 58 thẻ ngân hàng Cơ quan điều tra tạm giữ được khi khám xét, xác định hành vi của Nghĩa phạm tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 291 Bộ Luật hình sự. Căn cứ vào kết quả sao kê của 9 tài khoản ngân hàng do Nghĩa thu thập, bước đầu cơ quan công an xác định từ tháng 11/2022 đến tháng 4/2023 số tiền chuyển qua các tài khoản này hơn 978 tỷ đồng.

Số tang vật, tài sản cơ quan điều tra thu giữ của Hoàng Văn Nghĩa 

Trước đó vào giữa tháng 1/2023, Công an TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) cũng đã triệt phá thành công đường dây giả danh công an, viện kiểm sát gọi điện đe dọa và yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản ngân hàng. Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 19 bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đây đường dây lừa đảo hoạt động có tổ chức, thủ đoạn sử dụng công nghệ cao móc nối với người nước ngoài hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam ở trong nước với quy mô đặc biệt lớn.

Quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định, các bị can trong đường dây này đã giả danh cơ quan viễn thông ở Việt Nam để liên lạc với bị hại, thông báo rằng, bị hại bị một đối tượng giả mạo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời, đối tượng lừa đảo đã nối máy trực tiếp đến cơ quan chức năng để trình báo. Sau đó, đồng bọn trong nhóm cũng giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát để hỗ trợ bị hại giải quyết vụ việc, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào số tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt. Tính từ tháng 11 đến ngày 31/12/2022, nhóm bị can giả danh công an, viện kiểm sát này đã lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền trên 28 tỉ đồng của nhiều bị hại.

Giữa tháng 1/2023, Công an TP Thái Bình triệt phá thành công ổ nhóm lừa đảo xuyên biên giới 

Theo cơ quan công an, quá trình điều tra các vụ án lừa đảo công nghệ cao, lực lượng chức năng đã nhận thấy có 3 bước các đối tượng lừa đảo phải thực hiện tại Việt Nam đó là: Tuyển người, đào tạo ngoại ngữ, kiến thức nghiệp vụ kế toán tại các trung tâm sau đó đưa đi hoạt động phạm tội với vai trò giúp sức tích cực.

Bước 2, các đối tượng lừa đảo sẽ thu gom tài khoản ngân hàng đăng ký tại Việt Nam bằng các hình thức như thuê người mở tài khoản, mua bán tài khoản. Bước 3 thu gom sim điện thoại “sim rác” để phục vụ việc tương tác, gọi điện đe dọa, lừa đảo.

Ngoài ra, còn có 3 khâu có thể thực hiện tại nước ngoài hoặc Việt Nam, đó là trực tiếp lừa đảo bằng cách sử dụng sim điện thoại rác đã thu gom hoặc thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo, Telegram,…) để liên lạc với bị hại, tương tác, diễn theo kịch bản để lừa đảo, yêu cầu bị hại chuyển tiền. Sau đó, sử dụng các tài khoản ngân hàng đã thu mua từ Việt Nam để luân chuyển tiền qua nhiều tài khoản, mua tiền điện tử USDT (là loại tiền kỹ thuật số có giá trị phản ánh giá trị của đồng đô la Mỹ 1USDT = 1 USD).

Khâu cuối cùng, chuyển tiền sau khi rửa cho các đối tượng trong nước bằng hình thức chuyển khoản để rút tiền mặt, mua vàng, ngoại tệ hoặc trực tiếp đi đổi tiền VND sang tiền USD, ngoại tệ qua các cơ sở, cá nhân cung cấp dịch vụ đổi tiền như casino, cửa hàng kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu, lao động Việt Nam ở nước ngoài muốn chuyển tiền về nhà…

Ngoài sử dụng phương thức, thủ đoạn lừa đảo yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng được chỉ định để chiếm đoạt, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng thủ đoạn mới là chiếm đoạt quyền truy cập, quản lý và sử dụng tài khoản Internet banking của bị hại. Thông qua các hình thức yêu cầu bị hại cung cấp thông tin tài khoản, mã OTP; Yêu cầu truy cập trang web giả mạo, có giao diện giống với trang web của ngân hàng để đăng nhập tài khoản Internet banking; Yêu cầu cài đặt phần mềm ứng dụng không chính thống (tải ứng dụng theo đường link đối tượng cung cấp) có chức năng truy cập, theo dõi điện thoại, tin nhắn để lấy cắp thông tin tài khoản Internet banking, mã OTP…

Sau đó, đối tượng sử dụng tài khoản đã chiếm đoạt được của bị hại để chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng khác nhau rồi chiếm đoạt. Thủ đoạn này làm cho bị hại tin tưởng số tiền trong tài khoản của mình vẫn còn, chỉ đang được phong tỏa, kiểm tra, dẫn đến chậm chễ trong việc trình báo cơ quan chức năng để thực hiện công tác xác minh, phong tỏa số tiền bị chiếm đoạt. Đồng thời, bị hại cũng không có thông tin tài khoản nhận tiền để cung cấp cho cơ quan chức năng phục vụ công tác điều tra, xác minh nhanh chóng.

Từ những phương thức, thủ đoạn nêu trên, Cơ quan công an khuyến cáo người dân không nên cho các đối tượng thuê, mượn, tài khoản hoặc trực tiếp mở tài khoản ngân hàng và cho thuê. Hành vi cho người lạ thuê mượn tài khoản… được coi là tiếp tay cho những đối tượng lừa đảo trên không gian mạng.

Thành Lộc

Link gốc: https://tuoitrethudo.com.vn/cho-thue-tai-khoan-tiep-tay-cho-doi-tuong-lua-dao-tren-khong-gian-mang-225252.html