Cho mượn chương trình dạy kỹ năng sống, doanh nghiệp thu siêu lợi nhuận

Bằng hình thức cho mượn các nội dung dạy kỹ năng sống tăng cường cho các nhà trường phổ thông, các trung tâm kỹ năng sống thu siêu lợi nhuận từ lao động của giáo viên.

0
Học sinh Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh, Nghệ An) trong một hoạt động tập thể. Ảnh: Hải Đăng

80% học sinh một trường đăng ký học kỹ năng sống

Báo Lao Động vừa có tuyến bài phản ánh về những bất cập, mặt trái của việc tổ chức dạy nội dung kỹ năng sống tăng cường trong trường tiểu học gây bất bình, bức xúc cho phụ huynh.

Sau khi báo đăng, ngày 12.9, phóng viên đã có buổi làm việc với Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh, Nghệ An) để làm rõ hơn vấn đề từ thực tế cơ sở. Cô Phạm Thị Trường Giang – hiệu trưởng nhà trường – cho biết: Nhà trường hiện có 37 lớp, 1.442 học sinh. Năm học này, nhà trường chưa tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh vì chưa tổ chức họp phụ huynh. Còn năm học 2022-2023, nhà trường đã triển khai nội dung này và có khoảng 80% học sinh đăng ký.

Trường ký hợp đồng với một trung tâm kỹ năng sống được cấp phép. Trung tâm này cung cấp giáo trình, chương trình giảng dạy (tương tự giáo án) cho giáo viên và tổ chức tập huấn cho giáo viên của nhà trường, còn lại toàn bộ việc giảng dạy kỹ năng sống do các giáo viên của trường thực hiện theo mô hình dạy 1 tiết/tuần.

Thông báo của một đơn vị quản lý giáo dục gửi các trường về việc phối hợp với các trung tâm tổ chức chương trình tăng cường. Ảnh: Hải Đăng

“Việc dạy học tổ chức chủ yếu trong các lớp học, phía trung tâm không cung cấp, hỗ trợ gì về trang thiết bị hay các điều kiện dạy học khác. Một số nội dung cần thực hành thì giáo viên có thể tổ chức tại sân trường hoặc tự bỏ tiền ra làm” – cô Phạm Thị Trường Giang cho hay.

Về kinh phí, nhà trường thu từ học sinh số tiền 12.500 đồng/tiết học, nộp về cho trung tâm khoảng 43,8%, số còn lại trường giữ lại chủ yếu để chi trả tiền công cho giáo viên và chi phí cơ sở vật chất.

Trung tâm chỉ cung cấp cho giáo viên chương trình dạy trong một thời gian, sau đó họ thu hồi để bảo vệ bản quyền.

Được biết, chương trình dạy bao gồm các kỹ năng như: phòng tránh đuối nước, hỏa hoạn, chăm sóc sức khỏe sinh sản…là các kĩ năng sống thông thường.

Lãnh đạo Trường Tiểu học Lê Mao thừa nhận một số bất cập như: nội dung dạy kỹ năng sống là thực hành nhưng không được phía trung tâm kỹ năng sống cung cấp các thiết bị, điều kiện vật chất kèm theo nên nhiều nội dung phải dạy chay (hiện nay nhà trường chưa có bể bơi); giáo viên không có sự am hiểu đối với nhiều nội dung kỹ năng sống; một số nội dung giáo trình cần phải có sự bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp…

Doanh nghiệp thu siêu lợi nhuận

Lãnh đạo Trường Tiểu học Lê Mao cho hay, việc dạy học kỹ năng sống đã được các giáo viên thực hiện lồng ghép thông qua các môn học và hoạt động giáo dục, một số kỹ năng sống được nhà trường phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cho học sinh (như kỹ năng phòng chống cháy nổ).

Liệu môn kỹ năng sống tăng cường tổ chức như hiện nay có thực sự cần thiết, hiệu quả hay không và trong trường hợp không có sức ép, được tự do lựa chọn thì nhà trường có từ chối ký hợp đồng với trung tâm kỹ năng sống hay không, nhưng lãnh đạo nhà trường không trả lời.

Theo nội dung trường Tiểu học Lê Mao cung cấp, qua tính toán sơ bộ, chỉ riêng tại trường này, thông qua việc cung cấp dạng cho mượn (không phải bán bản quyền) một chương trình giảng dạy đơn giản mà không phải bỏ ra bất cứ chi phí nào khác, phía trung tâm kỹ năng sống đã thu về số tiền khoảng 200 triệu đồng.

Tính trên địa bàn thành phố và cả tỉnh Nghệ An cũng như cả nước, số tiền mà các trung tâm kỹ năng sống thu về là một con số khổng lồ. Trong khi họ chỉ cần xin giấy phép, biên soạn một chương trình bao gồm các kỹ năng sống phổ thông với các thông tin, hình ảnh, clip đơn giản… và ký hợp đồng với các trường, hưởng siêu lợi nhuận.

“Chương trình kỹ năng sống dành cho học sinh là các kiến thức phổ thông chứ không có gì cao siêu hay phải trải qua quá trình biên soạn phức tạp, tốn kém gì cả. Nếu thực sự cần thiết, ngành Giáo dục có thể tổ chức biên soạn chương trình phát miễn phí cho các trường. Tôi cho rằng trong vấn đề này, cần phải xem lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục” – ông Lê Văn Vỵ, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), nêu quan điểm.

Tác giả: Quang Đại

Nguồn: laodong.vn