Chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga xuất hiện sau tin đồn ‘tử nạn’

Đô đốc Viktor Solokov, chỉ huy hạm đội ở Crimea, đã xuất hiện trong một cuộc họp video với Bộ Quốc phòng Nga sau khi ông này được cho là đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công tên lửa của Ukraine vào cuối tuần trước.

Trong video Bộ Quốc phòng Nga phát trên truyền hình nhà nước hôm 26.9, có hình ảnh chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea, ông Viktor Sokolov tham gia một cuộc họp video với Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu, các đô đốc và tư lệnh quân đội hàng đầu khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu chủ trì một cuộc họp với lãnh đạo Lực lượng Vũ trang Nga hôm 26.9 – Ảnh: Reuters

Trước đó 1 ngày, lực lượng đặc biệt Ukraine cho biết ông Sokolov đã thiệt mạng tại bán đảo Crimea cùng với 33 sĩ quan khác trong một cuộc tấn công bằng tên lửa vào trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga ở cảng Sevastopol.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày đã từ chối bình luận về tuyên bố của Ukraine, chuyển câu hỏi của các phóng viên đến Bộ Quốc phòng Nga.

Được biết, ông Sokolov được bổ nhiệm làm chỉ huy Hạm đội Biển Đen vào tháng 9 năm 2022. Theo truyền thông phương Tây, người tiền nhiệm của Sokolov đã bị cách chức sau vụ Ukraine đánh chìm tàu tuần dương tên lửa Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen của Nga.

Đô đốc Viktor Sokolov, chỉ huy Hạm đội biển Đen của Nga – Ảnh: Reuters

Trong đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga này công bố, ông Shoigu cho biết hơn 17.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong tháng 9 và 2.700 vũ khí, trong đó có 7 xe chiến đấu Bradley của Mỹ, bị phá hủy.

Kyiv tiếp tục phản công

Cuộc phản công của Ukraine vẫn chưa mang lại lợi ích về lãnh thổ đáng kể trước lực lượng Nga. Kyiv đã kiểm soát lại khoảng 17,5% lãnh thổ Ukraine.

Theo thống kê, ngày 19.9 của Trung tâm Belfer (thuộc Trường Kennedy, Đại học Harvard), Nga đã chiếm được 90km2 lãnh thổ từ Ukraine trong tháng qua trong khi lực lượng Kyiv đã giành lại kiểm soát được 41km2 lãnh thổ từ lực lượng của Moscow.

Ngoài ra, Kyiv tăng cường các cuộc tấn công ở Biển Đen và bán đảo Crimea. Lãnh thổ Nga, bao gồm cả thủ đô Moscow, cũng đã hứng chịu nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) trong những tháng gần đây.

Trong khi đó, lô xe tăng M1 Abrams đầu tiên do Mỹ cung cấp đã đến Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo hôm 25.9. “Tôi biết ơn các đồng minh vì đã thực hiện các thỏa thuận”, Zelensky nói.

Những chiếc xe tăng này có thể được sử dụng trong cuộc phản công của Ukraine ở miền nam, nơi tiến độ diễn ra tương đối chậm. Giới chức Kyiv cho biết hoạt động phản công sẽ tiếp tục bất chấp mùa mưa sắp tới, kéo theo đó là cái lạnh buốt giá của mùa đông.

Nga tấn công cảng Odessa nhắm vào ngũ cốc Ukraine

Các quan chức Ukraine cho biết, Nga đã phóng tên lửa và UAV vào cảng Odessa vào cuối ngày 25.9, khiến hai người thiệt mạng.

Theo Bộ chỉ huy miền Nam Ukraine, các kho thóc đã bị tên lửa hành trình phá hủy và cảng Odessa “bị hư hại đáng kể”. Thống đốc khu vực Oleh Kiper tiết lộ các nhân viên cứu hộ đã phát hiện ít nhất hai người chết trong đống đổ nát và mô tả họ là công nhân tại một nhà kho chứa ngũ cốc.

Bộ chỉ huy Ukraine tuyên bố lực lượng phòng không của họ đã chặn phần lớn các mối đe dọa, bao gồm tất cả 19 UAV. Người phát ngôn của Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine từ chối cung cấp ước tính số lượng ngũ cốc bị thiệt hại trong cuộc tấn công hôm 25.9.

Các cuộc tấn công gia tăng khi mùa thu hoạch kết thúc và nông dân Ukraine chuyển sang vận chuyển ngũ cốc đi khắp thế giới, nơi các nước đang phát triển đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực rất cần ngũ cốc.

Do gặp khó khăn trong việc vận chuyển ngũ cốc ở Biển Đen, Ukraine đã phải xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp dựa vào các tuyến đường bộ của các nước láng giềng trung Âu. Tuy nhiên, nỗ lực này đã vấp phải sự phản đối gay gắt. Giới chức tại Ba Lan, Hungary và Slovakia lo ngại rằng ngũ cốc tương đối rẻ của Ukraine sẽ tràn ngập thị trường của họ, đẩy giá xuống và gây tổn hại cho nông dân địa phương.

Ba Lan, một đối tác quốc phòng quan trọng, tuần trước cho biết họ sẽ ngừng cung cấp vũ khí mới cho Kyiv khi xung đột ngũ cốc bùng lên. Warsaw cho biết sẽ chỉ hỗ trợ Ukraine vận chuyển ngũ cốc đến các quốc gia khác. Trong khi đó, Slovakia và Ukraine đã đồng ý một thỏa thuận buôn bán ngũ cốc nhằm phá vỡ sự bế tắc.

Căng thẳng ngoại giao của Kyiv liên quan đến vấn đề ngũ cốc đã được quan sát ở Moscow. “Chúng tôi nhận thấy rằng xích mích cũng sẽ gia tăng giữa Ukraine và nước châu Âu khác. Đó là điều không thể tránh khỏi”, Dmitry Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin, nói vào tuần trước.

Tác giả: Hoàng Vũ

Nguồn: 1thegioi.vn