Chấm dứt việc khoán tiền công đức cho hộ gia đình tại đền Chợ Củi

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Kết luận thanh tra, chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại di tích quốc gia đền Chợ Củi tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân. Địa phương này cũng đã quyết định chấm dứt việc chiếm hữu, quản lý đền Chợ Củi cũng như quản lý tiền công đức của đền cho các hộ gia đình "thủ nhang" kể từ ngày 15/1/2024.

Ngày 5/1/2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu đã ký ban hành Quyết định số 07/KL-UBND kết luận thanh tra công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại di tích quốc gia đền Chợ Củi. Qua đó, đã chỉ ra nhiều bất cập, sai phạm trong công tác tổ chức, quản lý cũng như việc thu và sử dụng tiền công đức. Cụ thể, ngày 2/7/2014, UBND huyện Nghi Xuân ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý di tích, trực thuộc UBND huyện Nghi Xuân là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động, có con dấu và tài khoản riêng.

Ban quản lý di tích đền Chợ Củi không thể hiện được vai trò, chức năng nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động, đơn vị này đã giao hoàn toàn cho 2 gia đình “thủ nhang” là các ông Nguyễn Sỹ Quý và Nguyễn Sỹ Hóa (hai anh em ruột) thực hiện dẫn đến việc không nắm được số liệu thực tế các khoản thu, chi của gia đình “thủ nhang”, không quản lý được số lao động thực tế phục vụ tại đền. Nhà vệ sinh là tài sản thuộc quyền quản lý của nhà nước nhưng ông Nguyễn Sỹ Quý tự ý cho hộ gia đình ông Võ Văn Thông tùy ý cải tạo, cơi nới sử dụng để phục vụ cho sinh hoạt gia đình và thu phí du khách với mức giá 3.000 đồng/lượt. Đền Chợ Củi hiện có 37 hộ kinh doanh thì có 12 hộ tự cơi nới lấn chiếm, vi phạm hành lang bờ sông, chưa được UBND xã cho phép sử dụng đất; xã Xuân Hồng không thực hiện ký hợp đồng cho thuê địa điểm và thu bất cứ khoản thu nào. Các hoạt động dịch vụ khác tại đền như dịch vụ cúng lễ, dịch vụ viết tấu sớ, dịch vụ cho thuê ki ốt bán hàng trong khu vực di tích chưa được quản lý.

Ngày 13/11/2014, UBND huyện Nghi Xuân thống nhất mức thu nguồn công đức năm 2015 tại đền củi là 3 tỷ đồng. Đến ngày 24/1/2016, sau khi phía gia đình “thủ nhang” đề xuất, địa phương này đã đồng ý giảm mức thu công đức năm 2015 và 2016 là 2,5 tỷ đồng/năm và gia đình chịu mọi chi trả cho các hoạt động tại di tích. Từ đó đến năm 2022, UBND huyện Nghi Xuân không tổ chức họp để xem xét về mức thu, chỉ thực hiện việc thu khoán tiền công đức đối với các hộ “thủ nhang” là 2,5 tỷ đồng/năm. Theo thống kê của gia đình “thủ nhang” ông Nguyễn Sỹ Quý, tổng số tiền công đức thu được từ năm 2014 đến hết năm 2022 tại đền Chợ Củi là 37,124 tỷ đồng. Trong đó, đã nộp công đức 17,9 tỷ đồng; chi phục vụ tại đền 18,717 tỷ đồng. Số tiền công đức không được sử dụng vào mục đích tái đầu tư, tôn tạo di tích dẫn đến di tích ngày càng xuống cấp, không tương xứng với di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, sổ sách do gia đình “thủ nhang” lập không phản ánh đúng thực tế số tiền công đức đã nộp vào tài khoản Ban Quản lý di tích, đồng thời các khoản chi phục vụ tại đền đều do gia đình “thủ nhang” tự quyết định chi, không thông qua Ban Quản lý di tích và chính quyền địa phương, không có hóa đơn chứng từ.

Qua thanh tra, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng khẳng định, đền quốc gia Chợ Củi là di tích văn hoá tâm linh thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư, không phải là nơi thờ tự riêng của hộ gia đình, cá nhân hay của một dòng họ nào. Do đó, trong thời gian qua Ban Quản lý di tích đền Chợ Củi đã không đảm nhận và không thể hiện được vai trò, chức năng nhiệm vụ được giao dẫn đến công tác quản lý các hoạt động tại di tích còn nhiều bất cập, hạn chế như chưa thực hiện đầy đủ việc ký hợp đồng lao động đối với các thành viên tổ nội tự và tổ giữ xe; không thực hiện chi trả lương, chế độ cho phần lớn người lao động và các hoạt động tại di tích mà giao khoán cho gia đình “thủ nhang” và tổ giữ xe; chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh thuộc thẩm quyền.

Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu di tích lịch sử – văn hóa quốc gia đền Chợ Củi được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 3474/QĐ-UBND ngày 30/11/2010 nhưng đến nay, phần lớn các hạng mục công trình chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Bên cạnh đó sau khi quy hoạch được duyệt, chính quyền địa phương chưa thực hiện việc cắm mốc quy hoạch và ban hành quy định quản lý quy hoạch nên khó khăn trong công tác quản lý, xuất hiện tình trạng xây dựng trái phép trên đất Nhà nước quản lý, vi phạm hành lang bảo vệ sông. Đối với việc quản lý sử dụng nguồn kinh phí, ngoài việc giao khoán cho gia đình “thủ nhang” sai quy định dẫn đến hoàn toàn không nắm được số liệu thực tế các khoản thu, chi; hằng năm không ban hành quyết định về mức kinh phí giao khoán và cũng không thực hiện việc điều chỉnh kinh phí giao khoán tiền công đức theo mức độ đóng góp công đức của người dân, du khách là không phù hợp.

Từ những tồn tại, bất cập đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao UBND huyện Nghi Xuân triển khai cắm mốc và tổ chức thực hiện Quy hoạch chi tiết Khu di tích theo đề án đã được phê duyệt; rà soát hiện trạng sử dụng đất của di tích đền Chợ Củi và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở trong và xung quanh khu vực di tích; xử lý các vi phạm về đất đai, tham mưu điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật.

Tác giả: Thiên Thảo

Nguồn: cand.com.vn