Cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt: Dự án ‘khoai’ nhưng lại mang nhiều ý nghĩa xã hội

Ngoài địa hình thi công hiểm trở, phải vượt hơn 30 ha diện tích rừng núi, án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đang là dự án duy nhất trên cao tốc Bắc Nam từ Hà Nội vào các tỉnh Bắc miền Trung được đầu tư theo hình thức BOT. Đến nay dự án đã đạt được khối lượng xây lắp theo tiến độ là 50%. Khó khăn trong thi công và điều kiện giải ngân vốn bị chậm từng khiến dự án bị tiếng là “khoai” nhất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại diện các Bộ ngành kiểm tra, thị sát dự án, trong đó có hầm Thần Vũ do Cty TNHH Hòa Hiệp và Cienco 4 thi công

Xây lắp “thần tốc” để đuổi lại 18 tháng “treo thi công”

Đã tháo gỡ được toàn bộ các khó khăn, trở ngại và hiện nay dự án cao tốc thành phần Bắc Nam Diễn Châu – Bãi Vọt đang thi công tổng thể, thần tốc và đạt đến 50% khối lượng xây lắp theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nhưng giờ nghĩ lại giai đoạn cách đây hơn một năm về trước, ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng – doanh nghiệp dự án vẫn không quên những khoảng thời “trầm lắng” của công trình. Theo ông Việt, dự án khởi công vào 22/5/2021, đúng thời điểm các khó khăn chồng chất do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 hiện diện ở mọi ngành, lĩnh vực. “Từ bão giá vật liệu, đến thiếu đất đắp nền, vướng mặt bằng và địa hình thi công hiểm trở, công tác vay tín dụng khó khăn…do vậy tại thời điểm đó anh em làm dự án đánh giá rằng, cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt là một trong những án “khoai” nhất tuyến cao tốc Bắc Nam đang thi công”, ông Việt chia sẻ.

“Cùng với giảm thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải, tạo kết nối phát triển kinh tế cho các tỉnh Bắc miền Trung, dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt còn có thêm ý nghĩa xã hội là dự án đầu tư bằng vốn ngoài nhà nước là BOT. Việc dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt được thực hiện bằng hình thức BOT đã góp phần củng cố và lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, thì hình thức đầu tư BOT, Chính phủ và Bộ GTVT vẫn đang cần triển khai trên nhiều lĩnh vực, trong đó có đầu tư hạ tầng giao thông”.

Lãnh đạo Ban QLDA 6, Bộ GTVT

Thông tin cụ thể về những khó khăn này, ông Việt cho hay, khó khăn đầu tiên là mặt bằng. Bởi đây là công trình lớn, lại đi qua nhiều khu vực rừng, núi. Chỉ tính riêng đường dự án đi qua khu vực rừng tự nhiên khoảng 30 ha, vì nguyên nhân này, mặt bằng dự án khu vực các cầu lớn vượt địa hình như cầu Xuân Dương 1, Xuân Dương 2, Thần Vũ 1, Thần Vũ 2 và hầm Thần Vũ đã bàn giao cho dự án chậm 10 tháng so với yêu cầu.

Khó khăn tiếp theo là dự án chưa đủ điều kiện giải ngân các nguồn vốn ngân sách và vốn tín dụng, việc chậm giải ngân đã ảnh hưởng rất lớn đến dự án. Mặc dù nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của Bộ GTVT, những dự án cũng mất đến 18 tháng để giải quyết xong thủ tục giải ngân. Trong 18 tháng đó, dự án chỉ thực hiện bằng nguồn vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư với giá trị thực hiện khoảng 1.300 tỷ đồng (khoảng 15% giá trị dự án).

Theo ông Việt, từ cuối năm 2022 đến nay những khó khăn từng bước được tháo gỡ, các nguồn vốn ngân sách và tín dụng được khơi thông. Đơn vị đang cùng các nhà thầu nỗ lực thi công tổng thể trên toàn công trường dự án để “đuổi” lại thời gian dự án bị chậm thi công.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng (người đứng bên trái, hàng đầu) nghe Giám đốc dự án Nguyễn Quốc Việt (người đứng thứ 2 từ trái sang, hàng đầu) báo cáo tiến độ thi công khi Bộ trưởng thị sát dự án

Tạo liên kết vùng và rút ngắn thời gian đi lại

Đánh giá về thực tế thi công tại dự án hiện nay, lãnh đạo Ban QLDA 6, Bộ GTVT cho biết, đến thời điểm tháng 8 năm nay, dự án đã thi công đáp ứng khối lượng xây lắp theo hợp đồng.

Với mục tiêu đầu tư tuyến đường, Tư vấn giám sát dự án cho rằng, dự án hướng đến mục tiêu từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng và khu vực Bắc Miền Trung nói chung, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, tăng năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế của địa phương thuộc phạm vi kết nối của dự án. Hơn nữa, khi dự án hoàn thành, còn giúp thời gian di chuyển từ Hà Nội đi Bãi Vọt (Hà Tĩnh) được rút ngắn còn 4 giờ đồng hồ, thay vì 7 giờ như hiện nay.


Dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt có chiều dài 49,3 km. Công trình khởi công ngày 22/5/2021, tiến độ hoàn thành quý II/2024. Dự án có tổng mức đầu tư 11.157 tỷ đồng, hình thức đầu tư BOT. Liên danh các nhà đầu tư dự án bao gồm: Cty TNHH Hòa Hiệp – Cty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 – Cty TNHH Đầu tư Núi Hồng – Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn – Cty Cổ phần Đầu tư và xây dựng VINA 2. Doanh nghiệp thực hiện dự án là Cty Cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng.

Ở giai đoạn phân kỳ đầu tư thứ nhất, mặt đường cao tốc rộng 17 mét – tương đương 4 làn xe (2 làn mỗi chiều), tốc độ lưu thông tối đa 80km/h. Ở giai đoạn phân kỳ thứ hai, lòng đường được mở rộng 32 mét tương đương 6 làn xe (mỗi chiều đường 3 làn), tốc độ lưu thông tối đa 120km/h.


Đề cập đến tình hình thi công ở hiện trường dự án, ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng Giám đốc Cty CP đầu tư Phúc Thành Hưng cho biết, dự án có 4 gói thầu xây lắp và một gói thầu thiết bị. Với các gói thầu xây lắp có số thứ tự từ XL01 đến XL04, hiện tất cả đang thi công ở hiện trường. Tại những đoạn dự án đi qua núi rừng, để giảm khối lượng đào đắp, thời gian thi công, dự án đã chọn phương án thi công tối ưu nhất là xây 5 cầu vượt địa hình và một hầm qua núi. 5 cầu vượt địa hình bao gồm: Cầu Xuân Dương 1 và Xuân Dương 2; cầu Thần Vũ 1, Thần Vũ 2, cầu Ô Ồ; một hầm qua núi là hầm Thần Vũ. Các công trình này nằm tại các khu rừng tự nhiên thuộc vùng giáp ranh giữa huyện Diễn Châu và Nghi Lộc.

Có mặt tại công trình Thần Vũ thuộc gói thầu XL01 những ngày cuối tháng 8/2023, PV Tiền Phong ghi nhận, các kỹ sư, công nhân của Cty TNHH Hòa Hiệp (nhà thầu chính) đang khẩn trương sử dụng 2 mũi khoan thi công khoan sâu vào lòng núi đá để mở rộng lòng hầm. Bên trong lòng hầm Thần Vũ vừa khoan đào, kỹ sư Nguyễn Quốc Toản, phụ trách thi công của Cty TNHH Hòa Hiệp cho biết, hiện đơn vị thi công đã khoan sâu vào lòng núi được gần 700m, còn nhánh trái phía Nam đơn vị phụ trách đã khoan sâu được khoảng gần 300m, theo tiến độ quý II/2024 hầm Thần Vũ sẽ thi công xong.

Cầu vượt địa hình dự án vừa giúp giảm khối lượng đào đắp, thời gian thi công, vừa tạo nên những điểm nhấn kiến trúc cho cao tốc Bắc Nam

Với công trường làm đường cao tốc, ông Nguyễn Quang Huy, đại diện nhà thầu Cty Cổ phần tập đoàn Cienco 4 phụ trách gói thầu XL03 cho biết, đơn vị đang triển khai thi công gói thầu với phần đường là hơn 4km, các phần còn lại là cầu và hầm. Đến thời điểm này, giai đoạn 1 của gói thầu đã hoàn thành, trong đó có việc đơn vị thi công đã đắp nền và tiến hành lu lèn các lớp móng mặt tại đoạn đường dài 4 km, khối lượng thi công của gói thầu XL03 đạt 55%, – thuộc “top” cao nhất dự án.

Tác giả: Nhóm PV thời sự

Nguồn: tienphong.vn