Cảnh sát biển Việt Nam: Dấu ấn đợt cao điểm phòng chống tội phạm trên biển

3 tháng căng mình trên biển, vật lộn với gió mùa, biển động, lực lượng Cảnh sát biển đã bắt giữ, xử lý 227 vụ/300 đối tượng tội phạm, vi phạm trên biển và địa bàn ven biển với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 20 tỷ đồng.

0

Cảnh sát biển Việt Nam: Dấu ấn đợt cao điểm phòng chống tội phạm trên biển ảnh 1
Thiếu tướng Lê Quang Đạo trao thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong đợt cao điểm.

Căng mình chốt chặn tại các khu vực trọng điểm

Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, thời gian qua, tình hình vi phạm, tội phạm, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển diễn biến phức tạp. Các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại được thực hiện có tổ chức, đường dây chặt chẽ; tập trung tại các vùng biển Đông Bắc, Bắc miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nam. Các mặt hàng chủ yếu là xăng dầu, than, pháo nổ, khoáng sản, hàng gia dụng…

Thủ đoạn buôn lậu của các đối tượng ngày càng tinh vi, gian xảo. Đối với mặt hàng có giá trị kinh tế cao như than, các đối tượng thành lập công ty có chức năng xuất nhập khẩu, kinh doanh than, ký hợp đồng mua bán với nước ngoài nhưng thực tế lại mua than của tàu nước ngoài ở khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Sau đó, chúng vận chuyển than vào nội địa, pha trộn với các loại than khác để tiêu thụ. Đối với mặt hàng xăng dầu, phương thức tiến hành giao dịch nhanh gọn, bên mua và bên bán nhận nhau qua ám hiệu, tín hiệu, cách thức thanh toán do chủ hàng hai bên quyết định và diễn ra trên đất liền…

Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tình hình thời tiết trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, thường xuyên có gió mùa, biển động, khu vực ven biển có sương mù, hạn chế tầm quan sát của lực lượng chức năng. Lợi dụng điều đó, bằng nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi, các đối tượng tội phạm thường gia tăng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các mặt hàng phi pháp có lợi nhuận cao như: thuốc lá, xăng dầu, khoáng sản…

Nhằm kịp thời đấu tranh trấn áp, ngăn chặn, hạn chế các vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại; làm tốt công tác quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên tuyến biển, góp phần bình ổn giá cả thị trường cũng như quyền lợi tiêu dùng của nhân dân, lực lượng Cảnh sát biển đã phát động đợt thi đua cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nhâm Dần.

Dù điều kiện thời tiết phức tạp, lực lượng Cảnh sát biển đã kiên trì bám địa bàn, bám biển. Trong đợt cao điểm, toàn lực lượng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực biển trọng điểm, kết hợp giữa lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai với lực lượng trinh sát bí mật trên các tuyến biển. Duy trì từ 20 -25 tàu trực thường xuyên và hoạt động tại các khu vực trọng điểm, sẵn sàng xử lý các tình huống bằng biện pháp pháp luật.

Cảnh sát biển Việt Nam: Dấu ấn đợt cao điểm phòng chống tội phạm trên biển ảnh 2
Lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 kiểm tra hàng hóa vi phạm.

Cảnh sát biển Việt Nam: Dấu ấn đợt cao điểm phòng chống tội phạm trên biển ảnh 3
Các đối tượng và tang vật trong Chuyên án 201HT.

3 tháng, bắt giữ, xử lý 227 vụ vi phạm

Triển khai có hiệu quả đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, từ ngày 1/12/2021 đến ngày 28/2/2022, toàn lực lượng đã bắt giữ, xử lý 227 vụ/300 đối tượng tội phạm, vi phạm trên biển và địa bàn ven biển (so với cùng kỳ năm 2021 giảm 26 vụ/27 đối tượng). Trong đó, lực lượng Cảnh sát biển đã bắt 18 vụ với 54 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại; thu giữ tang vật: hơn 300 tấn than, 97.300 lít xăng, 702.376 lít dầu DO, hơn 400kg pháo.

Đối với tội phạm ma túy, lực lượng chức năng đã bắt giữ 72 vụ với 102 đối tượng, thu giữ tang vật: hơn 38 bánh heroin, hơn 37.000 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều vật chứng có liên quan.

Trong đó, khởi tố 9 vụ/11 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 149 vụ/183 đối tượng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và giá trị tang vật xử lý, bàn giao các lực lượng, ước tính hơn 20 tỷ đồng.

Nhiều cơ quan, đơn vị có kết quả nổi bật, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Trưởng Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng khen thưởng đột xuất và gửi thư khen ngợi.

Rạng sáng ngày 19/1, tại khu vực xóm 2, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, lực lượng trinh sát Đoàn Đặc nhiệm Phòng chống tội phạm ma túy (PCTPMT) số 1 phối hợp với Phòng PC04, Công an tỉnh Nam Định đấu tranh triệt phá thành công Chuyên án 122S, khống chế, bắt quả tang đối tượng Lò Văn Sáng (SN 1961, thường trú tại Bản Vánh 1, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý. Tang vật thu giữ gồm: 2 bánh heroin; 1kg ketamine; 3 điện thoại và 20.000.000 đồng.

Quá trình đấu tranh, Lò Văn Sáng thành khẩn khai nhận, bản thân đã có 2 tiền án về tội Vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, mới ra tù năm 2019. Lợi dụng nhu cầu mua mật ong dịp cuối năm của người dân, y đã ngụy trang, cất giấu 2 bánh heroin, 1kg ketamine trong can mật ong, gửi xe khách từ Điện Biên về khu vực ven biển tỉnh Nam Định để tiêu thụ.

Trong đợt cao điểm, Đoàn Đặc nhiệm PCTPMT số 2 đã chủ trì và phối hợp đấu tranh thành công 10 chuyên án, vụ án về ma túy, bắt giữ 16 đối tượng, thu giữ số lượng lớn ma túy gồm 10 bánh heroin, 0,42 gam heroin, gần 3kg ma túy tổng hợp, 29.511 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật, tài sản khác. Quá trình đấu tranh, đơn vị đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt và các yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ.

Về chống buôn lậu, vận chuyển dầu trái phép trên biển, chỉ trong 5 ngày, từ ngày 15 – 19/2, các đơn vị Cảnh sát biển đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ 4 vụ vận chuyển dầu trái phép trên biển, thu giữ số lượng lớn tang vật vi phạm với gần 300.000 lít dầu DO.

Cụ thể, trong các ngày 16/2 và 18/2, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Tổ công tác của Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4 phối hợp Bộ đội Biên phòng Kiên Giang đã phát hiện, bắt giữ 2 vụ/2 tàu vận chuyển tổng cộng hơn 170.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Trước đó, vào ngày 15/2, trên khu vực biển cách Tây Nam Côn Đảo khoảng 140 hải lý, lực lượng chức năng của BTL Vùng Cảnh sát biển 3 cũng đã phát hiện tàu TG 90678TS có dấu hiệu nghi vấn nên đã ra tín hiệu dừng tàu và tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 5 thuyền viên do ông Đào Văn Sôi (SN 1968, quê ở Tân Long, Mỹ Tho, Tiền Giang) làm Thuyền trưởng. Theo lời khai ban đầu của Thuyền trưởng thì tàu đang vận chuyển khoảng 110.000 lít dầu DO nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa; các thuyền viên không có giấy tờ tùy thân, không có chứng chỉ chuyên môn.

Tiếp tục thi đua lập thành tích trong đợt cao điểm, vào hồi 4h00 ngày 19/2, tại khu vực biển cách Đông Nam Hòn Ông (tỉnh Kiên Giang) khoảng 35 hải lý, Tổ công tác Đoàn Trinh sát số 2 đã phát hiện tàu vỏ gỗ số hiệu KG 30107TS có dấu hiệu khả nghi nên đã yêu cầu dừng tàu và kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra, phát hiện trên tàu đang chở khoảng 27.000 lít dầu DO không có chứng từ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, xử lý theo quy định.

Qua công tác nắm tình hình, trao đổi thông tin, tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện 228 lượt/chiếc tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam (giảm 120 lượt/chiếc so với cùng kỳ năm 2021). Tàu của các đơn vị đã kịp thời ra thực địa tuyên truyền, đấu tranh và yêu cầu ra khỏi vùng biển Việt Nam theo đúng chủ trương, đối sách và pháp luật.

                                                                                                    Theo Lam Hạnh (PLVN)

Link gốc :https://baophapluat.vn/canh-sat-bien-viet-nam-dau-an-dot-cao-diem-phong-chong-toi-pham-tren-bien-post438511.html