Cảnh giác chiêu lừa đảo qua Zalo

Việc bị hack tài khoản và lừa đảo từ trước đến nay hầu hết xảy ra thông qua mạng xã hội Facebook, nhưng thời gian gần đây lại xảy ra thông qua mạng Zalo với chiêu thức tương tự.

0

Chiêu thức của các đối tượng lừa đảo là sẽ lập một tài khoản Zalo có tên y hệt Zalo của bạn và sử dụng hình ảnh của bạn làm hình đại diện. Trong Zalo đó cũng có danh sách bạn bè gần như y hệt Zalo chính chủ của bạn. Sau đó, đối tượng này sẽ dùng Zalo giả mạo để nhắn tin mượn tiền từ người thân hay bạn bè của bạn.

Nội dung lừa đảo qua Zalo giữa đối tượng và bị hại.

Theo cơ quan Công an, tội phạm tinh vi đến mức dù bạn có gọi video đến để kiểm tra thì bên kia vẫn có hình ảnh của bạn, giọng nói y hệt bạn hiện lên trên màn hình và sau đó sẽ là mạng chập chờn, chúng sẽ thông báo ở đây sóng yếu nên đề nghị nhắn tin. Nếu ai rất thân tình với bạn lại nhẹ dạ cả tin thì sẽ dễ dàng sập bẫy và bị lừa, không ngại bấm nút chuyển khoản cho chúng.

Ngày 30/8, Chị B. Hương ở TP Hồ Chí Minh thông tin cho biết mới bị đối tượng sử dụng tài khoản Zalo giả danh chị để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác. Theo chị Hương, đối tượng đã dùng hình ảnh của chị và tạo tài khoản mới, sau đó nhắn tin của bạn bè của chị, trong đó có một người đã chuyển 8 triệu đồng. Đối tượng nhắn tin cho bạn của chị Hương và được hỏi lại là “Đổi số đt hả chế?”.  Đối tượng trả lời “chế xài 2 cái á. E có để tiền trong tài khoản không? Chuyển giúp chế 8tr cho tài khoản Vietcombank này với. 1h chế trả lại”. Đối tượng cho số tài khoản 1027948673, chủ tài khoản là “Tran Thi Thanh Tam” và kêu ghi nội dung là “C Hương ck”. Đối tượng nói chuyển khoản xong thì chụp lại màn hình gửi qua, người bạn đã chuyển tiền 8 triệu đồng và làm theo hướng dẫn của đối tượng mà không xác minh.

Cũng trong ngày 30/8, tài khoản Zalo của anh Nguyễn T. S ở quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) bị đối tượng giả danh nhắn tin cho nhiều bạn bè cùng người thân, sau màn hỏi han là mượn tiền, nhờ chuyển tiền hộ đến số tài khoản khác. Em gái anh S. không mảy may nghi ngờ nên không điện thoại cho anh trai xác minh mà chuyển tiền vào số tài khoản lạ do đối tượng cung cấp. Sau khi chuyển 30 triệu đồng, em gái anh S. mới điện thoại cho anh trai thì biết mình đã bị lừa đảo.

Theo thông báo của cơ quan Công an, đối tượng sử dụng các phần mền trên máy tính để hack (chiếm quyền sử dụng) tài khoản mạng xã hội của người khác.

Để không bị lừa, người dân phải tìm hiểu kỹ nội dung có liên quan đến các giao dịch tài chính, liên lạc trực tiếp với người thụ hưởng trước khi chuyển tiền vào tài khoản người khác; không đăng nhập vào đường link, website do người lạ cung cấp hoặc các website lạ; phải bình tĩnh, thận trọng tìm hiểu thông tin, tuyệt đối không cung cấp mã OTP hoặc thông tin cá nhân hay chuyển tiền cho người lạ… Trong trường hợp thấy nghi vấn thì báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ.

Theo Nguyễn Cảnh

Linh gốc: https://cand.com.vn/phap-luat/canh-giac-chieu-lua-dao-qua-zalo-i666012/