Cải thiện môi trường đầu tư, khắc phục tình trạng “Tỉnh mở, Sở thắt”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa cho rằng mặc dù đã rất cố gắng, nhưng để cải thiện trong bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cần phải khắc phục tình trạng “Tỉnh mở, Sở thắt” đối với các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp.
Theo bảng xếp hạng PCI 2021, tỉnh Nghệ An đạt 64,74 điểm, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành trong cả nước, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung bộ (sau Thừa Thiên Huế và Hà Tĩnh) thuộc nhóm khá. So với năm 2020, Nghệ An đã tụt 12 bậc trên bảng xếp hạng PCI cả nước.
Thông tin nói trên được cộng đồng doanh nghiệp, người dân và dư luận hết sức quan tâm. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về vấn đề này.
Nhiều địa phương bứt phá mạnh mẽ
– Ông có nhận định gì về kết quả xếp hạng PCI năm 2021 của tỉnh Nghệ An?
PCI là sự phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về kết quả đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trong mối quan hệ tương tác với chính quyền địa phương, thể hiện ở 128 thông số và 10 nhóm chỉ số thành phần.
Năm 2020, Nghệ An đạt 64,73 điểm, xếp thứ 18 cả nước, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung bộ, thuộc nhóm khá. Năm 2021, tỉnh đạt 64,74 điểm, xếp thứ 30 cả nước, thuộc cuối nhóm khá, tụt 12 bậc so với năm 2020 trên bảng tổng sắp.
Theo kết quả khảo sát, các chỉ số thành phần PCI năm 2021 của Nghệ An có 5 chỉ số tăng, 5 chỉ số giảm so với năm 2020.
5 chỉ số tăng là: Tiếp cận đất đai (6,54 điểm lên 6,94 điểm); Tính minh bạch (tăng từ 6,04 lên 6,1); Chi phí không chính thức (6,22 tăng lên 6,5); Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (6,78 tăng lên 7,57); Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự (6,53 lên 6,59).
5 nhóm chỉ số giảm gồm: Gia nhập thị trường (giảm từ 7,39 xuống 6,99); Chi phí thời gian (7,61 xuống 7,54); Tính cạnh tranh bình đẳng (6,35 xuống 4,21); Đào tạo lao động (6,25 xuống 5,82); Tính năng động của chính quyền địa phương (6,31 xuống 6,27).
Trong việc cải cách hành chính, xử lý thủ tục đầu tư, tỉnh Nghệ An đã có rất nhiều cố gắng và thực tế được nhiều doanh nghiệp ghi nhận, thì các tỉnh đã có sự bứt phá mạnh mẽ như Thừa Thiên – Huế (thứ 17 lên thứ 8), Lâm Đồng (thứ 23 lên 15… Một số tỉnh có cơ sở hạ tầng, tiềm lực căn bản thì họ luôn đứng ở top thứ hạng cao như Quảng Ninh, Đà Nẵng…
Mặt khác, hệ thống hạ tầng của tỉnh, từ sân bay, cảng biển, đường giao thông… còn hạn chế so với nhiều địa phương và có khoảng cách khá xa các trung tâm lớn; do nguồn lực đầu tư có hạn và tỉnh đang cố gắng tập trung nâng cấp, khắc phục. Sau khi đường cao tốc Bắc Nam hoàn thành, tỉnh đang vận động các nguồn lực từ Trung ương và cộng đồng doanh nghiệp để đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, kết nối trong nước, khu vực và quốc tế. Cùng với sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp WHA, VSIP và Hoàng Thịnh Đạt, sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong thời gian tới.
– Quan điểm, giải pháp của tỉnh đối với việc chỉ số PCI năm 2021 bị “tụt hạng”?
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện chỉ số PCI hàng năm. Tỉnh đã có “Đề án cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025”. Việc chỉ số PCI năm 2021 bị giảm thứ hạng trong bảng tổng sắp sẽ được xem xét một cách nghiêm túc.
Chúng tôi sẽ giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch và Văn phòng UBND tỉnh phân tích, đánh giá tổng thể, xem xét toàn diện, chi tiết các thông số trong bảng xếp hạng PCI năm 2021, có sự so sánh với năm trước và các địa phương khác, từ đó rút ra nguyên nhân, trách nhiệm và quyết liệt chấn chỉnh, khắc phục.
Tỉnh cũng sẽ phối hợp với VCCI và chi nhánh VCCI tại Nghệ An, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp. Theo đó, cái gì làm được, giải quyết được chúng tôi sẽ làm ngay, cái gì chưa đáp ứng được sẽ tìm cách khắc phục. Đồng thời, đề nghị VCCI thông tin đầy đủ cho đội ngũ cán bộ chủ chốt hiểu bản chất của bảng xếp hạng PCI, từ đó xác định trách nhiệm, hành động của mình, chung tay cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Mặt khác, thông qua đó để cộng đồng doanh nghiệp hiểu, chia sẻ với tỉnh về quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Khắc phục tình trạng “tỉnh mở, sở thắt”
– Thực tế có nhiều dự án tại Nghệ An triển khai chậm trễ, vướng mắc làm nản lòng các nhà đầu tư?
Mặc dù tỉnh rất cố gắng, nhưng thực tế vẫn có nhiều vướng mắc, tồn tại trong triển khai một số dự án, dẫn đến khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và ảnh hưởng môi trường đầu tư của tỉnh.
Cụ thể, cùng là dự án Công viên sinh thái Vĩnh Hằng, vốn rất cấp thiết, cùng một chủ đầu tư, nhưng quá trình triển khai ở Nghệ An gặp nhiều vướng mắc và chậm trễ. Chủ đầu tư làm việc, đặt vấn đề đầu tư tại tỉnh Nghệ An đầu tiên, cách đây nhiều năm, nhưng đến nay tại Nghệ An vẫn chưa thể triển khai thi công, mặc dù đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về kĩ thuật. Trong khi tại Hà Tĩnh, dự án đã đi vào vận hành từ nhiều năm trước. Tại Thừa Thiên – Huế, chỉ sau 4 tháng chủ đầu tư làm việc với tỉnh, dự án đã triển khai, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động cuối năm nay.
Cùng một chủ đầu tư là Công ty Thanh Thành Đạt, cùng đầu tư dự án nhà máy gỗ ép, nhưng tại Hà Tĩnh mặc dù đầu tư sau nhưng đã có sản phẩm ra thị trường từ 2 năm, còn tại Nghệ An đến nay vẫn còn khó khăn.
Vẫn có sự máy móc, cứng nhắc trong xử lý các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, triển khai dự án cho doanh nghiệp tại một số địa phương, đơn vị.
– Nghệ An sẽ làm gì để khắc phục tình trạng chậm chân, hay nói cách khác là không có sự bứt phá trong việc cải thiện các chỉ số PCI?
Để cải thiện chỉ số CPI trong những năm tới đây, Nghệ An cần phải có các giải pháp căn cơ. Trước hết là chính quyền các cấp, đặc biệt là cán bộ các sở ngành cần phải thực sự đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp trong xử lý thủ tục hành chính. Tránh tình trạng “Tỉnh mở, Sở thắt…”, lãnh đạo tỉnh rất nỗ lực, quyết liệt, nhanh chóng đưa ra các quyết sách, nhưng khi đến các sở ngành, địa phương thực thi thì cần phải rút ngắn thời gian.
Chúng tôi khẳng định không thể tự hài lòng, mà cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, tiến nhanh hơn nữa so với tiềm năng, dư địa sẵn có.
Xác định chỉ số PCI là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá về năng lực, môi trường kinh doanh, trong năm 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Trong đó, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Tập trung nguồn lực hoàn thiện đồng bộ hạ tầng thiết yếu kết nối sẵn sàng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
– Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Quang Đại/ Báo lao động
Link gốc: https://laodong.vn/thoi-su/cai-thien-moi-truong-dau-tu-khac-phuc-tinh-trang-tinh-mo-so-that-1041319.ldo?fbclid=IwAR33dE_Kz-b9_ungHbM_y6DwMauiPGJ70PiVCsBmPdNrFbPgQPjt4M_bKl8