Các nghị sĩ Mỹ giục ông Biden cắt viện trợ, không can dự vào Ukraina
Nhiều nghị sĩ Mỹ tin rằng Washington không hành động vì lợi ích của mình trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraina.
Hạ nghị sĩ Paul Gosar (Đảng Cộng hòa bang Arizona) kêu gọi Washington cắt viện trợ nước ngoài cho Kiev, mà ông cho rằng đang được sử dụng để tài trợ cho một cuộc xung đột mà Mỹ không nên “can dự vào” – RT đưa tin.
Trên Đồi Capitol, một số nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa cũng đã lên án các khoản viện trợ công khai của Tổng thống Joe Biden đối với Ukraina.
“Không được cung cấp thêm viện trợ nước ngoài, đặc biệt là không tài trợ cho một cuộc chiến mà chúng ta không nên can dự vào” – hạ nghị sĩ Gosar tweet nói hôm 10.10.
Là một người kiên quyết chống can thiệp và là thành viên của hội không chính thức “Nước Mỹ trên hết” của Đảng Cộng hòa, ông Gosar nổi lên như một trong những người chỉ trích lớn nhất chính sách Ukraina của chính quyền Tổng thống Biden. Nghị sĩ bang Arizona đã bỏ phiếu chống lại gói viện trợ kinh tế và quân sự trị giá 40 tỉ USD cho Kiev vào tháng 5, và chống lại dự luật chi tiêu cung cấp cho Kiev 12 tỉ USD khác vào tháng trước.
“Biên giới đã mở, fentanyl đang giết chết hàng trăm nghìn người và lạm phát đang hoành hành” – ông viết khi các đồng nghiệp bỏ phiếu thông qua dự luật thứ hai. “Vậy mà cánh tả và cánh hữu vừa bỏ phiếu để gửi thêm 12 tỉ cho Ukraina? Thêm một chính sách Nước Mỹ sau cùng”.
Việc ông Gosar đề cập đến gia đình ông Biden nợ Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensy một ân huệ có thể là ám chỉ đến giả thuyết của một số người bảo thủ rằng ông Zelensky đã hỗ trợ chiến thắng cuộc bầu cử năm 2020 của Biden. Theo đó, ông Zelensky từ chối yêu cầu của cựu Tổng thống Donald Trump mở lại cuộc điều tra tham nhũng đối với con trai ông Biden khi người này là thành viên hội đồng quản trị của một công ty năng lượng Ukraina.
Gosar không phải là đảng viên Cộng hòa duy nhất kêu gọi ngừng cung cấp tiền và vũ khí tới Ukraina. Hạ nghị sĩ Georgia Marjorie Taylor Greene tuyên bố vào tuần trước rằng viện trợ của Mỹ cho Kiev đã “giết chết hàng nghìn hàng nghìn người và làm tăng đáng kể chi phí sinh hoạt trên toàn thế giới”, trong khi hạ nghị sĩ Florida Matt Gaetz cho biết “không đáng duy trì Ukraina với tư cách là một Mecca rửa tiền quốc tế” trước mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân.
Trong khi đó, ngày 10.10, Tổng thống Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky sau khi Nga tấn công các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng trên khắp Ukraina. Ông Biden lên án các cuộc tấn công của Nga và hứa sẽ gửi thêm hệ thống phòng không tới Kiev.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Ukraina mô tả các cuộc tấn công tên lửa là “dấu hiệu thể hiện sự yếu kém của quân đội Nga”, mặc dù thực tế là cuộc tấn công đã làm tê liệt lưới điện của đất nước và, theo Bộ Quốc phòng Nga, phá hủy cơ sở chỉ huy quân sự và mạng lưới thông tin liên lạc.
Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden “cam kết tiếp tục cung cấp cho Ukraina sự hỗ trợ cần thiết để tự vệ, bao gồm các hệ thống phòng không tiên tiến”.
Tên lửa của Nga đã dội xuống nhiều thành phố của Ukraina vào sáng 10.10, hai ngày sau vụ tấn công cầu Crimea, mà Nga cáo buộc Ukraina thực hiện. Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả các cuộc tấn công là phản ứng đối với “chủ nghĩa khủng bố” của Ukraina, đồng thời cảnh báo rằng Mátxcơva sẽ “đáp trả một cách kiên quyết” bất kỳ cuộc tấn công nào trong tương lai trên lãnh thổ của mình.
Ông Zelensky đã dành nhiều giờ sau các cuộc tấn công để gọi điện cho các nhà lãnh đạo phương Tây và thúc giục họ gửi vũ khí hạng nặng hơn cho quân đội Ukraina, bao gồm cả tên lửa đất đối không. Trong một dòng tweet thông báo về cuộc điện đàm với Tổng thống Biden, Tổng thống Ukraina nói rằng “phòng không hiện là ưu tiên số một trong hợp tác quốc phòng của chúng tôi”.
Mỹ không gửi hệ thống tên lửa Patriot tiên tiến nhất của mình tới Ukraina. Lầu Năm Góc cho rằng các hệ thống như vậy sẽ cần quân đội Mỹ vận hành. Tuy nhiên, vào đầu tháng này, chính quyền ông Biden đã trao cho Kiev 8 hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAMS) và Lầu Năm Góc đã ký một thỏa thuận trị giá 182 triệu USD với nhà sản xuất vũ khí Raytheon để chế tạo thêm các hệ thống này cho đến hết tháng 8.2024.
Không rõ liệu lời hứa của ông Biden về “các hệ thống phòng không tiên tiến” là ám chỉ đến việc tiếp tục cung cấp NASAMS hay các tên lửa tiên tiến hơn.
Theo Ngọc Vân
Link gốc: https://laodong.vn/tu-lieu/cac-nghi-si-my-giuc-ong-biden-cat-vien-tro-khong-can-du-vao-ukraina-1103306.ldo