Bóng đá Việt Nam lại rúng động vì chuyện đánh bạc
Ngay sau nốt trầm thất bại của ĐT Việt Nam tại Asian Cup 2023, bóng đá nước nhà lại trải qua thêm một nỗi đau nữa, khi 5 cầu thủ của CLB Bà Rịa – Vũng Tàu bị khởi tố liên quan đến hành vi đánh bạc.
5 cầu thủ bị khởi tố
Sáng 1/2, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can gồm: N.S.H. (SN 1994, trú tại tỉnh Đồng Tháp, vị trí thủ môn), L.B.G.H. (SN 2002, trú tại tỉnh Thanh Hoá, vị trí tiền vệ), P.V.P. (SN 2004, trú tại tỉnh Hải Dương, vị trí tiền đạo), N.Q.H. (SN 2004, trú tại tỉnh Đồng Nai, vị trí tiền vệ) và T.K.A (SN 2004, trú tại tỉnh Bến Tre, vị trí tiền vệ) về hành vi “Đánh bạc” theo Điều 321, Bộ luật Hình sự. Các quyết định này đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn. 5 đối tượng trên là cầu thủ của CLB bóng đá Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo kết quả điều tra ban đầu, trong trận đấu giữa CLB Bà Rịa-Vũng Tàu và CLB Đà Nẵng thuộc khuôn khổ Cúp Quốc gia diễn ra ngày 24/12/2023, tại SVĐ Bà Rịa, 5 đối tượng trên đã bàn bạc thống nhất đá dưới sức. Sau đó, các đối tượng này đặt cược cho CLB Đà Nẵng thắng trên các website cá độ bóng đá. Kết quả trận đấu, CLB Đà Nẵng thắng CLB Bà Rịa-Vũng Tàu với tỉ số 3-1. Hiện vụ việc đang được Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh tiếp tục điều tra làm rõ.
Liên quan thông tin này, ông Trần Anh Tú – Phó Chủ tịch VFF cho biết, ngay từ thời điểm có thông tin về vụ việc, VFF đã chỉ đạo Công ty VPF và BTC giải trao đổi với lãnh đạo CLB Bà Rịa Vũng Tàu để chủ động xử lý. VFF khẳng định kiên quyết loại trừ tiêu cực ra khỏi đời sống bóng đá Việt Nam. VFF luôn đặc biệt chú trọng xây dựng nền bóng đá phát triển bền vững và trong sạch. Bên cạnh đó, trước mỗi mùa giải, công ty VPF và BTC giải đều yêu cầu các CLB và các thành viên tham gia giải ký cam kết phòng chống tiêu cực. Trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp được bổ sung sửa đổi hàng năm, Quy định Kỷ luật, cũng như Điều lệ giải đều có quy định về phòng chống tiêu cực.
Về phía VPF, ông Nguyễn Minh Ngọc – Trưởng BTC Các Giải BĐCN QG 2023/24 cho biết: Với những nội dung trong bài viết : “Khởi tố 5 cầu thủ CLB bóng đá Bà Rịa-Vũng Tàu về tội đánh bạc” đăng trên Báo Bà Rịa Vũng Tàu sáng 1/2, để đảm bảo tính đầy đủ, chính xác, minh bạch của các thông tin và kịp thời phối hợp xử lý, giải quyết các công việc liên quan; Công ty VPF, BTC Giải đã gửi văn bản đề nghị CLB bóng đá Bà Rịa Vũng Tàu báo cáo cụ thể các vấn đề liên quan đến sự việc.
Liên quan đến CLB Bà Rịa – Vũng Tàu, tiếp nhận thông tin từ phía cơ quan chức năng về sai phạm của một nhóm cầu thủ trong việc thi đấu tại Giải bóng đá hạng nhất Quốc gia mùa 2023/24, Ban lãnh đạo CLB Bóng đá Bà Rịa-Vũng Tàu quyết định xử lý nghiêm bằng các hình thức chấm dứt hợp đồng lao động với các cá nhân sai phạm theo quy định.
Bài học quá khứ vẫn còn nguyên
Đây không phải lần đầu tiên bóng đá Việt Nam rúng động với việc cầu thủ bán độ. Thậm chí trong quá khứ, giới mộ điệu từng chứng kiến 5 vụ việc mà cầu thủ, trọng tài phải “xộ khám” vì hành vi đánh bạc.
Năm 1997, cơ quan điều tra phát hiện việc bán độ liên quan đến đội Hải Quan. Theo đó, trùm cá độ Trần Phi Sơn thông qua đầu mối là cầu thủ Trương Văn Dưỡng đã móc ngoặc với 2 gương mặt khác tại CLB Hải Quan. Đó là Trần Minh Trung và Nguyễn Phúc Nguyên Chương. Những cái tên này đã tham gia dàn xếp tỷ số các trận đấu. Sau đó, Trương Văn Dưỡng bị kết án 1 năm tù. Nguyễn Phúc Nguyên Chương – người hùng của ĐT Việt Nam tại SEA Games 1997 đã bị phạt 10 tháng tù treo cùng 2 năm thử thách vì tội đánh bạc.
Gần 10 năm sau, những người hùng SEA Games với Lê Quốc Vượng, Trần Hải Lâm, Lê Văn Trương, Lê Bật Hiếu, Phạm Văn Quyến, Huỳnh Quốc Anh và Châu Lê Phước Vĩnh cũng phải đứng trước vành móng ngựa, sau khi dàn xếp tỷ số của 1 trận đấu liên quan đến U23 Việt Nam tại SEA Games 2005.
Vụ này được Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 25/1 và phúc thẩm ngày 20/4/2007. Lê Quốc Vượng bị án tù 4 năm. Trong đó Phạm Văn Quyến, Lê Văn Trương, Trần Hải Lâm và Châu Lê Phước Vĩnh bị phạt 2 năm tù treo về tội tổ chức đánh bạc; Lê Bật Hiếu và Huỳnh Quốc Anh bị phạt 2 năm 6 tháng tù treo vì tội tổ chức đánh bạc.
7 năm sau, bóng đá Ninh Bình chìm trong nỗi buồn. Theo đó, ở trận thắng 3-2 trước Kelantan tại vòng bảng AFC Cup trên đất Malaysia ngày 18/3/2014, 13 cầu thủ đá chính và dự bị của Vissai Ninh Bình thừa nhận đã nhận 800 triệu đồng để “làm độ” trong trận đấu này. Sau đó vụ việc đã được đưa ra xét xử, với mức án cao nhất dành cho cầu thủ chủ mưu Nguyễn Mạnh Dũng là 3 năm tù. Các cầu thủ còn lại đều được nhận án treo.
Đáng nói hơn, chỉ 4 tháng sau, thêm một vụ bán độ xảy ra với bóng đá Việt Nam. Cơ quan CSĐT tỉnh Đồng Nai đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về “Tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc” đối với 10 đối tượng, trong đó có 6 cầu thủ thuộc CLB bóng đá Đồng Nai. Sau khi có kết luận điều tra, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt bị cáo Phạm Hữu Phát (27 tuổi, nguyên Đội trưởng đội bóng Đồng Nai) 6 năm tù, các bị cáo Trần Văn Ba, Nguyễn Phúc Thuận nhận 3 năm tù cùng tội danh “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc”.
Cùng tội danh “Đánh bạc”, Tòa án án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Long Giang, Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Văn Tương, Hà Nệm Tiến 2 năm tù (án treo). Bị cáo Đinh Kiên Trung 2 năm 6 tháng tù (án treo). Riêng bị cáo Trần Đình Hải lãnh 1 năm 7 tháng 20 ngày tù.
5 cầu thủ CLB Bà Rịa – Vũng Tàu trả giá
Trước mắt, 5 cầu thủ tham gia hành vi bán độ, thi đấu không đúng sức ở trận gặp Đà Nẵng tại giải hạng Nhất quốc gia mùa 2023/24 sẽ bị CLB Bà Rịa – Vũng Tàu chấm dứt, thanh lý hợp đồng. Nhóm 5 cầu thủ CLB Bà Rịa Vũng Tàu cũng đối diện với án phạt cải tạo không giam giữ tối đa 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu đối chiếu theo khoản 1, Điều 321, Bộ luật Hình sự.
Liên quan đến trận đấu giữa Bà Rịa – Vũng Tàu và Đà Nẵng, Ban kỷ luật VFF có thể yêu cầu hủy bỏ kết quả trận đấu giữa Đà Nẵng và Bà Rịa Vũng Tàu. CLB Bà Rịa – Vũng Tàu có thể bị phạt 50-100 triệu đồng vì liên đới trách nhiệm (mục a, khoản 2, điều 52), đồng thời trừ điểm tùy theo mức độ nghiêm trọng. Ngoài ra, CLB không được bổ sung, thay thế cầu thủ bị cấm thi đấu vì dàn xếp tỷ số.