Bộ Y tế tham vấn WHO về nồng độ cồn nội sinh
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đang tham vấn ý kiến của WHO, cơ sở khám chữa bệnh, nhà chuyên môn về nồng độ cồn tự nhiên trong cơ thể người, còn gọi là cồn nội sinh.
Động thái này được triển khai trong bối cảnh Quốc hội thảo luận dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Nhiều đại biểu cho rằng cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe như hiện nay chưa phù hợp và nên thiết kế giới hạn để đưa ra mức phạt.
Đặc biệt, một số trường hợp có nồng độ cồn nội sinh, hoặc nồng độ cồn phát sinh sau ăn một số loại thực phẩm thông thường, kể cả trái cây. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất cân nhắc quy định “cấm người có nồng độ cồn lái xe”.
Đại diện Bộ Y tế cho rằng người dân không nên quá lo ngại về “nồng độ cồn nội sinh”, bởi tình huống này rất hy hữu, do bệnh lý hoặc cơ địa của từng người, chỉ gặp ở một số người có bệnh lý tiêu hóa, ngưỡng cũng rất nhỏ. Những trường hợp như vậy có thể yêu cầu xét nghiệm máu, kết quả sẽ chính xác tuyệt đối.
“Khi có ý kiến của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) và các chuyên gia về cồn nội sinh, chúng ta sẽ có những kiến nghị, hoặc có thể sửa đổi cho phù hợp”, đại diện Bộ Y tế nói.
Quy định nồng độ cồn bằng 0 đối với người lái ô tô đã có trong Luật giao thông đường bộ 2008. Khi xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu bia và có hiệu lực giữa năm 2019, quy định này được giữ nguyên.
Cụ thể, Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu lái xe sẽ bị xử phạt khi có nồng độ cồn vượt mức 0. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Hồi tháng 11/2023, khi Quốc hội thảo luận dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, quy định xử phạt tài xế có nồng độ cồn đã gây ý kiến trái chiều. Nhiều đại biểu cho rằng cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe như hiện nay là “quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của nhiều địa phương”.
Như đại biểu Phạm Đức Ấn (Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) cũng cho rằng nên nghiên cứu một tỷ lệ cho phép trong khí thở và trong máu của lái xe. “Không nhất thiết cứ có nồng độ cồn bị xử phạt. Luật các nước trên thế giới về cơ bản đều có tỷ lệ nhất định, ta cũng nên nghiên cứu”, ông đề xuất.
Đại biểu Phạm Như Hiệp (Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế) cũng cho rằng nếu quy định như dự thảo có thể không khả thi, nhất là với người sử dụng xe thô sơ như xe đạp, xích lô, xe kéo. “Tôi rất băn khoăn khi buổi tối người dân uống rượu, sáng hôm sau đi làm trong máu có nồng độ cồn vẫn vi phạm”, ông Hiệp nói, đề xuất quy định ngưỡng xử phạt.
Một số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị cân nhắc việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe vì “quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam”. Các thành viên này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Dự kiến dự luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.
P.V
Nguồn: vnexpress.net