Bộ trưởng Tài chính lý giải nguyên nhân giảm điểm của thị trường chứng khoán

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định sẽ triển khai nhiều giải pháp để thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, an toàn, minh bạch, bền vững.

0

Ngày 26-4, trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn biến động mạnh và điều chỉnh giảm sâu kể từ cuối tháng 3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có chia sẻ với báo chí về việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để vừa chấn chỉnh, thanh lọc thị trường, vừa tạo mọi điều kiện để thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, an toàn, minh bạch, bền vững.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, quý I/2022, thị trường chứng khoán cơ bản vẫn giữ được nhịp tăng tốt và ổn định. Thị trường mới chịu áp lực điều chỉnh giảm và biến động mạnh kể từ cuối tháng 3 đến nay. Chỉ số VN-Index đóng cửa ngày 25-4 tại 1.310,92 điểm, như vậy đã điều chỉnh giảm khoảng hơn 200 điểm so với cuối tháng 3.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

“Đây là đợt điều chỉnh tương đối mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam dưới sự tác động tổng hòa của nhiều nguyên nhân khác nhau cả trong nước và thế giới, cả khách quan lẫn chủ quan”- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói. Ông cho biết thêm trên thế giới, áp lực lạm phát tăng khiến các ngân hàng trung ương lớn đều có động thái thắt chặt chính sách, điển hình nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất điều hành sau 3 năm.

Bên cạnh đó, xung đột Nga – Ukraine càng làm gia tăng rủi ro cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu nhất là khi giá năng lượng, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạng. Điều này đã tác động tới nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, khiến nhiều thị trường giảm điểm mạnh.

Trong bối cảnh đó, người đứng đầu Bộ Tài chính cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ khi áp lực bán tăng dần vào cuối quý I và điều chỉnh giảm mạnh kể từ cuối tháng 3 sau quá trình dài liên tục tăng.

“Ngoài các tác động từ vĩ mô ngoài nước, thị trường chứng khoán còn một phần chịu tác động tâm lý khi các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý xử lý nghiêm các vụ việc trên thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Từ những phân tích trên, ông Hồ Đức Phớc cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh giảm điểm mạnh cũng một phần tương đồng với nhịp giảm chung của thế giới. Cụ thể, trong phiên giảm mạnh hơn 68 điểm ngày 25-4 thì các thị trường lớn trên thế giới cũng giảm điểm rất sâu. Bên cạnh đó, áp lực điều chỉnh sau quá trình tăng dài và tâm lý thận trọng trên thị trường trước các vụ việc đơn lẻ đã khiến thị trường biến động mạnh theo chiều hướng giảm.

Thị trường chứng khoán “lao dốc” trong phiên 25-4

Đối với các vụ việc vi phạm bị xử lý thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định là các sự vụ đơn lẻ, chỉ tác động tới tâm lý của thị trường trong ngắn hạn. Đồng thời, việc xử lý nghiêm các vi phạm cũng thể hiện quyết tâm lớn từ Chính phủ, các bộ ngành liên quan nhằm thanh lọc, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.

Dù khó tránh khỏi những tác động tâm lý trong ngắn hạn, nhưng Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc “loại bỏ những hạt sạn” sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn.

Người đứng đầu Bộ Tài chính nhấn mạnh lại mục tiêu của cơ quan quản lý là xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán an toàn, minh bạch và bền vững. Vì vậy, công tác thanh lọc thị trường sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp, nhà đầu tư chân chính, tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán trong việc thu hút thêm các dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước.

“Trong mọi quá trình phát triển, luôn cần những thay đổi, những bước chuyển để hoàn thiện hơn, với thị trường chứng khoán cũng vậy. Chúng tôi nghĩ rằng, sau những chặng đường phát triển cũng cần những hành động để “gạn đục, khơi trong”- Bộ trưởng cho hay. Lạc quan về thị trường chứng khoán trong nước, Bộ trưởng nhấn mạnh thị trường vẫn còn nguyên đó các yếu tố hỗ trợ tích cực mang tính nền tảng từ kinh tế vĩ mô và nội tại thị trường.

Một số công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh có vi phạm về phát hành trái phiếu

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết tại hội nghị phát triển thị trường vốn ngày 22-4, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định Đảng và Nhà nước nhất quán chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và luôn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, làm ăn hiệu quả, chính đáng, minh bạch, làm giàu chính đáng cho mình, đóng góp cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính quyết tâm thực hiện giải pháp lành mạnh hóa thị trường, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, lợi ích chính đáng của các thành viên thị trường, của doanh nghiệp và cao nhất là vấn đề huy động vốn qua thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Theo Bộ trưởng, chiều 25-4, Bộ Tài chính đã tiếp tục có thêm buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công an và các cơ quan chức năng hai Bộ, qua đó thống nhất cao tinh thần không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định quan điểm của Bộ là ủng hộ các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và các nhà đầu tư chân chính, nhưng đồng thời sẽ xử lý nghiêm, dứt điểm, nhanh gọn các hành vi sai phạm trên thị trường chứng khoán.

“Chúng ta tôn trọng quy luật và tính thị trường của thị trường chứng khoán, đã là thị trường thì có lúc tăng, lúc giảm bởi phải tuân theo cung cầu của người mua, người bán. Mục tiêu của chúng ta là xây dựng thị trường thành một sân chơi minh bạch, công bằng, bình đẳng cho mọi người chơi trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhà nước tôn trọng quy luật khách quan của thị trường, nhưng luôn có sự giám sát, quản lý, điều tiết hợp lý dựa trên các quy định của pháp luật”- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Đối với các doanh nghiệp, tổ chức có vi phạm thời gian qua, Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ tạo mọi điều kiện để họ sớm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo một cách tốt nhất quyền lợi cho cổ đông và người lao động.

“Tiền phòng, hậu kiểm”

Để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch và bền vững trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết bên cạnh nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy, Bộ sẽ có các giải pháp để ngăn ngừa, “tiền phòng, hậu kiểm”, để bảo vệ cho lợi ích của nhà đầu tư, cũng như các công ty hoạt động trên thị trường.

Để thực hiện mục tiêu đó, về khung khổ pháp lý, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện nhằm tăng cường, siết chặt các điều kiện để thị trường phát triển lành mạnh, giống như việc “xây dựng những con đường nhưng có thêm các quy định để hạn chế xảy ra tai nạn”.

Hiện Bộ Tài chính đã đề xuất trình Chính phủ sẽ sửa đổi Luật Chứng khoán; đồng thời cũng kiến nghị sửa đổi Luật Doanh nghiệp và các quy định khác liên quan để tạo điều kiện phát triển tốt hơn, sát thực tiễn và nhu cầu của thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển về dài hạn. Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hiện Bộ Tài chính đã hoàn thành việc chỉnh sửa các quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP và đang trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Về công tác điều hành, quản lý, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính Ngân hàng, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán và các đơn vị chức năng khác triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo hướng vừa hỗ trợ tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, vừa tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm để tăng kỷ cương, kỷ luật thị trường.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý; tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư nhằm cải thiện chất lượng cầu đầu tư, hướng tới cầu đầu tư bền vững.

Đồng thời, triển khai các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nghẽn lệnh giao dịch; hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin; nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho phát triển các dịch vụ mới, sản phẩm trên thị trường chứng khoán.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bên cạnh việc hoàn thiện pháp lý, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ kiểm tra và chấn chỉnh các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đặc biệt là trong vấn đề sai phạm, lách quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường hơn nữa công tác đào tạo để trang bị kiến thức tài chính cho nhà đầu tư; tăng cường công tác tuyên truyền để nhà đầu tư và doanh nghiệp nắm được các quy định pháp luật, các cơ hội, rủi ro để đầu tư hiệu quả trên cả thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Minh Chiến/Báo Người lao động

Link gốc: https://nld.com.vn/kinh-te/bo-truong-tai-chinh-ly-giai-nguyen-nhan-giam-diem-cua-thi-truong-chung-khoan-20220426163247401.htm