Bộ GTVT yêu cầu ‘trảm’ nhà thầu, chủ đầu tư cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt nói gì?

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 và doanh nghiệp dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đẩy nhanh tiến độ dự án, loại bỏ những nhà thầu yếu, thi công chậm, nhất là các nhà thầu: CTCP 456, CTCP Đầu tư và xây dựng Vina2, Công ty TNHH Đại Hiệp.

0
Một đoạn cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt đang được thi công. Ảnh: Văn Dũng

Diễn Châu – Bãi Vọt là dự án thành phần cao tốc Bắc Nam dài 49km, đi qua Nghệ An (44,4km) và Hà Tĩnh (4,9km), được đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến hoàn thành xây lắp trong tháng 5/2024. Giai đoạn 1 của dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.157,8 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn nhà nước tham gia hơn 6.067,7 tỷ đồng. Hợp đồng BOT ký giữa Bộ GTVT với liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Hòa Hiệp – Cienco4 – Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng – Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – CTCP Đầu tư và xây dựng VINA2 và CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng là doanh nghiệp dự án.

Hiện, dự án Diễn Châu – Bãi Vọt thi công chậm mặc dù đã triển khai gần nửa thời gian của hợp đồng. Luỹ kế giá trị thực hiện dự án tính đến ngày 18/11/2022 đạt 1.545 tỷ đồng (18% giá trị hợp đồng).

Vừa qua, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu huy động nhân lực, máy móc, thiết bị, bổ sung đủ các mũi thi công trên công trường theo đúng kế hoạch tiến độ đã được doanh nghiệp dự án chấp thuận, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chỉ đạo các nhà thầu làm tăng ca để bù lại tiến độ bị chậm.

Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu kiên quyết loại bỏ các nhà thầu yếu kém về năng lực ra khỏi dự án, nhất là các nhà thầu: CTCP 456, CTCP Đầu tư và xây dựng Vina2, Công ty TNHH Đại Hiệp. Cân đối khối lượng của các nhà thầu có tiến độ thi công chậm hoặc trong quá trình phân chia gói thầu còn chồng chéo để xem xét điều chỉnh cho các nhà thầu khác thi công nhằm đảm bảo tiến độ yêu cầu.

Cầu Hưng Đức vượt sông Lam nối Nghệ An và Hà Tĩnh. Ảnh: Văn Dũng

Nhà đầu tư nói gì?

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) cho biết, theo hợp đồng BOT, nếu nhà thầu thực hiện dự án chậm tiến độ thì Bộ GTVT có quyền yêu cầu doanh nghiệp dự án thay thế nhà thầu, do đó văn bản của Bộ GTVT đưa ra là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, doanh nghiệp dự án là bên trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu, vì vậy việc thay thế, chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp dự án nên doanh nghiệp dự án sẽ phải xem xét các điều khoản cụ thể của hợp đồng xây lắp đã ký với nhà thầu để xem xét đối với từng trường hợp cụ thể.

Theo ông Việt, dự án BOT khác với dự án đầu tư công, trong dự án BOT thì nhà đầu tư phải vay ngân hàng và chịu lãi vay (lãi thời gian thi công và lãi trong thời gian thu phí) nên nếu chậm tiến độ thì nhà đầu tư phải chịu thiệt hại đơn, thiệt hại kép. Do vậy, về tiến độ nhà đầu tư còn lo lắng hơn các Bộ ban nghành.

Xét về năng lực 3 nhà thầu bị Bộ GTVT yêu cầu loại bỏ, ông Việt cho hay, Công ty TNHH Đại Hiệp là nhà thầu có đủ năng lực để đáp ứng khối lượng, tiến độ gói thầu của họ (được biết Công ty TNHH Đại Hiệp vừa thi công hoàn thành gói thầu 11 dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ – La Sơn thuộc Ban QLDA Hồ Chí Minh làm CĐT đã về đích sớm nhất); CTCP 456 thì tương đối yếu, tuy nhiên lại tổ chức thi công dàn trải. Trong quá trình điều hành doanh nghiệp dự án cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, và lượng sức mình nếu không đáp ứng được tiến độ thì trả lại khối lượng cho nhà đầu tư, nếu không sẽ bị điều chuyển khối lượng cho đơn vị khác; còn CTCP Đầu tư và xây dựng Vina2 bản chất là một nhà đầu tư và họ cũng là một nhà thầu của dự án, nhưng thực tế họ chỉ làm trạm thu phí và nhà điều hành, nhưng theo kế hoạch thì hạng mục này chưa làm đến nên chúng tôi sẽ báo cáo Bộ GTVT rõ hơn về trường hợp doanh nghiệp này.

Ông Việt cho rằng, việc thay thế nhà thầu sẽ kéo theo rất nhiều thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật và sẽ phải kéo dài thời gian thực hiện (phải quyết toán phần khối lượng nhà thầu đã thực hiện, cập nhật lại giá vật liệu và duyệt lại dự toán phần khối lượng còn lại, thực hiện các thủ tục chỉ định thầu theo quy định để lựa chọn nhà thầu mới…). Mà thời điểm này, việc tìm nhà thầu mạnh để tham gia dự án là không hề đơn giản khi rất nhiều dự án đầu tư công sắp đồng loạt triển khai với đơn giá cao hơn.

Về vấn đề vốn đầu tư, dự án khởi công vào tháng 5/2021 nhưng đến tháng 10/2022 ngân hàng mới giải ngân vốn vay, trong khoảng thời gian hơn một năm nhà đầu tư và nhà thầu phải bỏ tiền túi ra để thực hiện dự án nên rất khó khăn. Khi dòng tiền đã thông thì các nhà đầu tư đã tập trung máy móc, nhân công để đẩy nhanh tiến độ. Rất may dự án này các nhà đầu tư cũng là nhà thầu mạnh nên chúng tôi cũng yên tâm.

“Chúng tôi sẽ đề xuất Bộ GTVT cho Công ty TNHH Đại Hiệp giữ nguyên khối lượng và tiếp tục thi công; CTCP 456 sẽ cắt giảm khối lượng để hoàn thành dự án đúng tiến độ; CTCP Đầu tư và xây dựng Vina2 là nhà đầu tư chưa đến lúc thi công thì chưa đánh giá chậm tiến độ”, ông Việt nói và cho biết, trong giai đoạn rất nhiều khó khăn như hiện nay thì các nhà đầu tư/nhà thầu ở dự án đã rất cố gắng, việc chậm tiến độ cũng có phần trách nhiệm của các nhà đầu tư tham gia dự án.

Mổ cầu Hưng Đức. Ảnh: Văn Dũng

Danh tính 3 nhà thầu

CTCP 456 (có địa chỉ tại số 96, đường Phan Chu Trinh, phường Đội Cung, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) được thành lập vào tháng 10/2015. Ông Lê Thái Quang Hảo là người đại diện theo pháp luật của công ty. Ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình đường sắt và đường bộ. Lịch sử đấu thầu thể hiện, những năm qua, CTCP 456 đã từng tham gia 14 gói thầu (trong đó trúng 11 gói, trượt 2 gói, 1 chưa có kết quả) với tổng giá trị trúng thầu thầu là hơn 220,6 tỷ đồng (đạt tỷ lệ trúng thầu so với giá dự toán 98,04%).

Ngoài đại diện cho CTCP 456, ông Lê Thái Quang Hảo còn đại diện các doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH MTV Thủy điện Ca Lôi, CTCP Thủy điện Mỹ Lý – Xiểng Dược, CTCP Quản lý và sửa chữa đường bộ Miền trung. Tất cả các doanh nghiệp này đều có địa chỉ đăng ký tại tỉnh Nghệ An.

Trong khi đó, Công ty TNHH Đại Hiệp (có địa chỉ đóng tại số 6, ngõ 61A đường Duy Tân, phường Hưng Dũng, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An), được thành lập vào 2001 do bà Nguyễn Thị Diệu Thuý làm người đại diện pháp luật kiêm giám đốc công ty. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính của công ty này là khai thác đá, cát, sỏi, xây dựng công trình đường bộ.

Trong mấy năm trở lại đây, Công ty TNHH Đại Hiệp đã tham gia 13 gói thầu (trúng 11 gói, trượt 1 gói, 1 chưa có kết quả) với giá trị trúng thầu hơn 762 tỷ đồng chủ yếu trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình…

Còn lại, CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (HNX: VC2) tiền thân là Công ty Xây dựng Xuân Hoà, được thành lập năm 1970. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, và kinh doanh bất động sản. VC2 chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ tháng 10/2003. Doanh nghiệp này có địa chỉ đóng tại tầng 2 – 4, tòa nhà B – KĐTM Kim Văn – Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Tuyên là Chủ tịch HĐQT công ty, ông Ngô Viết Hậu là Tổng Giám đốc/ Phó Chủ tịch HĐQT.

Theo Văn Dũng

Link gốc: https://nhadautu.vn/bo-gtvt-yeu-cau-tram-nha-thau-chu-dau-tu-cao-toc-dien-chau–bai-vot-noi-gi-d71796.html