Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng vụ nguyên giám đốc một đơn vị giáo dục nhận án 5 năm

Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn các cơ quan pháp luật tỉnh Nghệ An xem xét vụ án nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên bị tuyên án 5 năm tù một cách toàn diện, bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật.

0
Bà Lê Thị Dung – nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Quang Đại

Như Lao Động đã thông tin, vào ngày 24.4, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã tuyên án 5 năm tù đối với bà Lê Thị Dung – nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng, từ ngày năm 2012 đến năm 2017, bà Dung là Bí thư chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên), đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền gần 45 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp.

Quá trình điều tra, truy tố và xét xử, bà Dung không nhận tội vì cho rằng quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, minh bạch, đã gửi cho Phòng Tài chính và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi.

Do bà Lê Thị Dung không nhận tội, không khắc phục hậu quả nên tòa đã tuyên mức án như trên.

Hồ sơ vụ án cho thấy bà Dung có nhiều tình tiết giảm nhẹ như gia đình có công với cách mạng, có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, gia đình có đóng góp kinh phí hỗ trợ phòng chống COVID-19.

Trước sự việc, trao đổi với báo chí, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết lãnh đạo Bộ rất quan tâm tới vụ việc này, đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, bày tỏ mong muốn các cơ quan pháp luật của tỉnh xem xét vụ án một cách toàn diện, bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai; đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân nói chung, của nhà giáo nói riêng.

Đồng thời thể hiện tính nhân văn của hệ thống pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Cùng với đó, để tránh những sự việc vi phạm đáng tiếc xảy ra ông Đức bày tỏ rằng cán bộ quản lý giáo dục phải không ngừng nâng cao kiến thức pháp luật, năng lực quản trị, kỹ năng quản lý nhà trường; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công để không xảy ra các vi phạm.

Theo Quang Đại

Link gốc: https://laodong.vn/phap-luat/bo-giao-duc-va-dao-tao-len-tieng-vu-nguyen-giam-doc-mot-don-vi-giao-duc-nhan-an-5-nam-1186240.ldo