Bộ Công Thương lo ‘vỡ quy hoạch’ nếu người dân được bán điện mặt trời mái nhà dư thừa
Thừa nhận "đòi hỏi bán điện là nhu cầu thực tiễn" nhưng Bộ Công Thương lo ngại vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống nên mua điện giá 0 đồng.
Tại dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương giữ đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ không được bán hoặc bán giá 0 đồng. Tức, người dân có thể bán phần dư thừa nhưng Nhà nước chỉ ghi nhận sản lượng, không thanh toán tiền.
Một số chuyên gia bình luận nếu bỏ chi phí lắp đặt nhưng chỉ bán 0 đồng sẽ khó thu hút người dân tham gia vì suất đầu tư không hiệu quả.
Lý giải về đề xuất này, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết loại hình tự sản tự tiêu được đưa ra dựa trên định hướng tại Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng phê duyệt ngày 15/5/2023. Theo đó, năng lượng mặt trời mái nhà của người dân, tại công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh được khuyến khích để tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán vào lưới điện quốc gia.
Theo cơ quan này, lắp đặt hệ thống tự dùng sẽ giúp người dân giảm mua từ hệ thống quốc gia, ổn định chất lượng điện năng. Vì đó, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ cho phép loại hình này được nối lưới, miễn giấy phép hoạt động điện lực, hay điều chỉnh công năng công trình.
Về mức giá 0 đồng, cơ quan của Bộ Công Thương nói bởi nhà nước muốn khuyến khích nhu cầu tự dùng. “Nếu phát triển để kinh doanh, mua bán, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các quy định Luật Quy hoạch, Điện lực, Đầu tư, Xây dựng và các luật chuyên ngành khác”, cơ quan này cho biết.
Thừa nhận “đòi hỏi bán điện là nhu cầu thực tiễn” nhưng họ cho rằng người dân chưa nhận thức hết lợi ích mà Bộ Công Thương đề xuất. Đó là, giảm áp lực cho hệ thống quốc gia, tăng khả năng vận hành an toàn cho lưới điện.
“Được miễn giảm một số quy định, tiêu chí khắt khe và có nhiều ưu đãi về chính sách, nếu bán sẽ xảy ra tình huống vỡ quy hoạch, khó kiểm soát hệ thống lưới, trục lợi chính sách của nhà nước”, đơn vị này lo ngại.
Hiện, cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.
Theo dự thảo, các tổ chức, cá nhân được lựa chọn đấu nối hoặc không nối với lưới quốc gia. Trường hợp không nối lưới sẽ không giới hạn về công suất lắp. Nếu nối lưới sẽ bị giới hạn tổng quy mô và phân bổ từng vùng, miền. Cụ thể, tới 2030, miền Nam phát triển tối đa 1.110 MW ở phía Nam; miền Bắc là 927 MW, còn lại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (560 MW).
Việc giới hạn quy mô được Cục điều tiết điện lực lý giải nhằm đảm bảo an toàn hệ thống. Theo họ, để hoàn toàn đáp ứng mọi nguồn năng lượng với đủ mức công suất khác nhau phải có công nghệ lưu trữ, vận hành điều độ hệ thống lưới. Cùng đó, nguồn điện nền phải đảm bảo có thể kịp thời phát khi năng lượng gió, mặt trời sụt giảm.
“Nếu cho nối lưới không giới hạn, công tác vận hành lưới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp rất nhiều khó khăn và nguy cơ cao mất an toàn hệ thống quốc gia ở mức rất cao”, cơ quan này cho hay.
Hiện, năng lượng mặt trời phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết nhưng đây là các yếu tố bất định. Khi không có bức xạ (mây, mưa hoặc ban đêm), lưới quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện. Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định.
Trong khi đó, tỷ trọng dự phòng nguồn hiện tại vẫn khá thấp và chưa có giải pháp về tích trữ đồng bộ ở quy mô quốc gia. Như vậy, theo Bộ Công Thương, cần phải có các biện pháp giới hạn tỷ trọng để đảm bảo vận hành ổn định của hệ thống.
Hiện một số quốc gia có chính sách mua bán điện mặt trời mái nhà dư thừa từ người dân như Đức, Mỹ hay điển hình là Australia. Nước này xây dựng biểu giá FIT để thanh toán cho lượng bán lên lưới của các hộ. Mức giá và điều kiện thực hiện có thể khác nhau theo từng công ty bán lẻ điện. Việc áp dụng giá FIT giúp cho giảm thời gian hoàn vốn của nhà đầu tư.
Mức giá mua điện tại các nước cũng áp dụng đa dạng, thậm chí có thể mua với mức giá âm. Như Trung Quốc, một quốc gia có chính sách mua điện dư thừa của người dân, năm ngoái đã bổ sung hơn 51 GW năng lượng mặt trời quy mô nhỏ. Tuy nhiên, tốc độ lắp đặt chóng mặt khiến lưới điện ở một số khu vực quá tải. Sơn Đông, một tỉnh của Trung Quốc, năm ngoái còn công bố chính sách mua điện mặt trời giá âm để hạn chế nguồn cung trong các thời điểm dư thừa sản lượng.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn: Vnexpress.net