Biểu giá bán lẻ điện còn 5 bậc: Nhóm khách hàng nào sẽ bị tăng tiền điện?

Theo dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt sẽ chỉ còn 5 bậc. Nhóm khách hàng dùng nhiều điện sẽ phải chi trả tiền điện đắt hơn theo dự thảo này.

0
Hộ dùng nhiều điện sinh hoạt sẽ tăng mạnh tiền điện

Hộ dùng nhiều điện sinh hoạt sẽ tăng mạnh tiền điện

Nội dung được quan tâm nhất của dự thảo Quyết định quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện là biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.

Tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương vẫn bảo lưu quan điểm rút ngắn bậc thang giá điện từ 6 bậc xuống còn 5 bậc. Tuy nhiên, có sự thay đổi về cơ cấu tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân.

Cụ thể, 5 bậc đó là: bậc 1 là 100kWh đầu tiên, giá là 1.806,11 đồng/kWh; bậc 2 là từ 101 – 200kWh giá 2.167,33 đồng/kWh; bậc 3 từ 201 – 400 kWh là 2.729,23 đồng/kWh; bậc 4 từ 401 – 700 kWh có giá 3.250,99 đồng/kWh và bậc 5 cho kWh từ 701 trở lên, giá 3.612,22 đồng/kWh.

Với biểu giá mới này, giá bán lẻ điện sinh hoạt so với giá bán lẻ điện bình quân hiện nay (2.006,79 đồng/kWh) bằng lần lượt 90%, 108%, 136%, 162% và 180%. Trong đó, giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0 – 100kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (hiện đang chiếm 33,48% số hộ).

Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện sẽ được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401 – 700kWh và trên 700kWh.

Giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101 – 200kWh và 201 – 400kWh. Với giá điện cho các bậc từ 401 – 700kWh và từ 700kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Trong đó, từ 401 – 700kWh, cơ cấu giá điện sẽ được tính bằng 162% và từ 701kWh sẽ có cơ cấu giá là 180% so với mức giá bán lẻ điện bình quân.

Như vậy, với biểu giá mới này, người dùng điện sinh hoạt trên 700 kWh/tháng sẽ phải trả mức giá điện cao gần gấp 3 lần giá bán lẻ bình quân (tương đương 180%). Các mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Tại dự thảo trước đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất phương án rút ngắn biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt xuống còn 5 bậc. Bộ Công Thương cho biết, có 92,2% ý kiến góp ý đồng ý với việc rút ngắn này.

Việc rút ngắn biểu giá điện xuống còn 5 bậc với mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; điện sinh hoạt dùng công tơ thẻ trả trước được áp dụng khi điều kiện kỹ thuật cho phép đối với nhóm khách hàng mua điện tạm thời và mua điện ngắn hạn sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt; và khu vực nối lưới điện quốc gia cho khách hàng sử dụng điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia.

Tuy nhiên, nêu quan điểm về từng bậc giá điện cụ thể như trên, một số ý kiến chưa đồng tình, bởi lẽ biểu giá điện vẫn còn có sự bù chéo giữa các nhóm khách hàng, nhất là khi số khách hàng dùng trên 400kWh chiếm tỷ lệ lớn, phải “gánh” tiền điện cho các hộ tiêu dùng ít còn lại. Trong khi các hộ dùng ít đã được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Bên cạnh đó, theo dự thảo, nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” có giá điện ngang bằng với giá điện sản xuất. Quan điểm của cơ quan soạn thảo đưa ra là vì phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu cho ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan.

Dù vậy, có chuyên gia không đồng tình quan điểm này, cho rằng như vậy là quá “ưu ái” cho các cơ sở sản xuất. Thậm chí, các cơ sở sản xuất này khi thua lỗ hoặc dịch bệnh, tạm ngừng sản xuất còn sa thải lao động nhưng vẫn được hưởng giá điện thấp.

Theo Dự thảo, hộ nghèo theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 và gia đình chính sách có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt không quá 50kWh tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.

Tác giả: Hà Linh

Nguồn: anninhthudo.vn