Bị lừa hơn 70 triệu đồng qua mạng, nữ sinh định nhảy cầu Long Biên tự tử

Tham gia làm cộng tác viên bán hàng qua mạng, chị P.T.T.H - quê Ninh Bình đã bị lừa mất số tiền hơn 70 triệu đồng. Vì mất số tiền quá lớn, chị H đã bỏ nhà đi lang thang và có ý định tự tử tại cầu Long Biên.

Chị P.T.T.H và anh Hà Xuân Khương tại trụ sở Đội CSGT số 1. Ảnh: Phạm Đông

Cứu một nữ sinh định nhảy cầu trong đêm

22h ngày 2.3, trên đường đi làm ca đêm, anh Hà Xuân Khương (Hà Nội) bắt gặp chị P.T.T.H (18 tuổi, quê ở huyện Yên Mô, Ninh Bình; hiện trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) ngồi trên cầu Long Biên có biểu hiện lạ, ôm vào lan can cầu.

Thấy vậy, anh Khương đã kịp thời thông báo cho cán bộ chiến sĩ Đội CSGT số 1 (số 3 Trần Nhật Duật, Đồng Xuân, Hoàn Kiếm). Ngay sau đó, đại diện Đội CSGT số 1 đã nhanh chóng đến hiện trường, ngăn không cho chị H nhảy cầu và đưa về trụ sở để làm rõ.

Cảnh sát xác định chị H hiện đang là sinh viên năm nhất của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Hiện tại chị đang thuê trọ và sinh sống tại phường Vĩnh Tuy. Chị H đã bỏ nhà đi lang thang từ 2 ngày nay, gia đình đã trình báo đến công an phường để tìm kiếm.

Chị H chia sẻ lại sự việc với Lao Động. Ảnh: Phạm Đông

Khi kiểm tra tin nhắn điện thoại trong máy chị H, lực lượng cảnh sát xác định trước khi bỏ nhà đi, chị H đã gửi nhiều tin nhắn với nội dung tuyệt mệnh cho gia đình. Đáng chú ý, nội dung tin nhắn của chị H có đề cập đến việc vì chơi trên mạng nên đã bị lừa mất số tiền lớn.

Từ lúc bỏ nhà đi, chị H đã có 2 ngày không ăn, chỉ uống nước lọc và có sử dụng thuốc ngủ. Bên cạnh đó, do máy điện thoại chị H hết pin, bố mẹ không thể liên lạc khiến gia đình lo lắng nên đã trình báo công an.

Sập bẫy khi tham gia làm “cộng tác viên online”

Chị P.T.T.H là nạn nhân bị lừa hơn 73.000.000 đồng cho biết, do có nhu cầu làm thêm chị đã tham gia làm cộng tác viên bán hàng qua mạng, nhằm hưởng tiền hoa hồng chênh lệch từ 15-20%.

Công việc chính của chị là truy cập các hội nhóm được lập trên ứng dựng Telegram, từ đó vào các đường link làm nhiệm vụ vận đơn và thanh toán. Trao đổi với Lao Động, chị H cho biết, lần đầu chị nạp vào 400.000 đồng thì rút được 460.000 đồng nên đã tin tưởng.

Đến khi số tiền chị H đóng vào là 58 triệu đồng thì website phản hồi nhiều lý do như: Nộp thuế, sai cú pháp, hệ thống bị lỗi,…. Từ đấy buộc chị H phải đóng thêm 10-15% của số tiền muốn rút, chị đã đóng thêm 2 lần với số tiền là 6.970.000 và 8.700.000 đồng. Khi nhận ra mình bị lừa thì số tiền chị nạp đã lên đến hơn 73.000.000 đồng.

Theo chia sẻ, số tiền hơn 73.000.000 đồng chị H bị lừa trong đó có 6.000.000 đồng tiền học phí, còn lại chị vay mượn bạn bè.

Tin nhắn cho thấy chị H bị lừa mất số tiền rất lớn. Ảnh: Phạm Đông

Tại trụ sở công an, lực lượng chức năng đã mua bánh mỳ, sữa và nước lọc cho chị H và liên hệ với người thân để thông báo sự việc. Ngoài ra, các chiến sĩ Đội CSGT số 1 cũng nói chuyện động viên để tâm trí chị H ổn định trở lại, đồng thời khuyên nhủ nạn nhân không làm điều dại dột.

Sau khi liên hệ với gia đình, đến 23h cùng ngày, chú ruột của chị H đã đến bảo lãnh, viết thư cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT số 1. Bố mẹ chị H cũng tức tốc đi xe từ Ninh Bình xuống Hà Nội để xử lý sự việc.

Qua sự việc của chị H, Thiếu tá Đỗ Từ Thiện – Đội CSGT số 1 khuyến cáo người dân cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo “cộng tác viên online” và đầu tư tài chính trên mạng. Người dân cần hết sức cảnh giác để tránh mắc bẫy.

Theo Thiếu tá Đỗ Từ Thiện, khi có ý định làm cộng tác viên bán hàng online, cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp, nên gặp trực tiếp để trao đổi công việc, tuyệt đối không chuyển tiền hay cung cấp giấy tờ, thông tin cá nhân cho người lạ. Trường hợp bị kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần nhanh chóng đến cơ quan công an trình báo.

Trước đó, Bộ Công an đã chỉ ra phương thức thủ đoạn của nhóm lừa đảo này: Mạo danh nhân viên của các trang như: Shopee, Lazada, Tiki,… lôi kéo người dùng tham gia cộng tác viên bán hàng online với hoa hồng hấp dẫn 10-20%… Yêu cầu cộng tác viên đặt đơn hàng ảo và phải thanh toán tiền đơn hàng trước sau đó mới được nhận tiền gốc và hoa hồng đơn hàng. Đến khi số tiền đủ lớn, chúng chiếm đoạt toàn bộ khoản tiền của cộng tác viên đã thanh toán đơn hàng.

Những “miếng mồi” lãi suất béo bở đó trở thành cái bẫy nhốt chặt bất cứ nguồn tiền nào mà người mua hàng chuyển đến trước khi chúng được gửi sang một tài khoản thứ “N” để tránh sự phát hiện của cơ quan công an.

Theo Phạm Đông

Link gốc: https://laodong.vn/xa-hoi/bi-lua-hon-70-trieu-dong-qua-mang-nu-sinh-dinh-nhay-cau-long-bien-tu-tu-1153486.ldo